Nếu như đấu tranh sinh tồn là quy luật tất yếu của động vật hoang dã, thì hiện tượng những con vật tự tìm đến cái chết là một hiện tượng lạ mà cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải được.
Ngày 18/11/1998, tại vùng biển New Zealand, hơn 300 con cá heo từ đại dương đã lên nằm phơi mình trên bãi biển trước những ánh mắt hiếu kỳ của du khách. Chúng quằn quại trên cát, kêu lên những tiếng kêu thảm thiết.
Nhiều du khách thấy chúng nằm trên cát khô và bị thiêu đốt bởi ánh nắng mặt trời nên đã lấy nước biển tưới lên người chúng. Dần dần, bị dưới sức nóng thiêu đốt và bị kẹt bởi trọng lượng bản thân, lũ cá heo không cử động được nữa. Vì không thể nâng lồng ngực lên để thở nên chúng đã chết ngạt sau một thời gian ngắn. Mỗi năm tại vùng biển này, khoảng trên 500 con cá heo và cá voi cố tình lên bãi biển này chỉ để được chết.
Ở châu Âu, hiện tượng này hiếm thấy hơn, nhưng không phải là không có. Ngày 9/12/1963, một đàn cá heo đã lên bãi biển Chalon Sur Saone, Pháp để tự tử. Điều kỳ lạ là khi người ta cố gắng đẩy chúng xuống nước thì chúng lại cứ ngoi lên, tựa hồ như chúng rất muốn chết.
Hành vi tự sát tập thể không chỉ là hiện tượng lạ đối với cá heo hay cá voi mà còn tìm thấy ở loài chuột Lemming. Loài chuột này sinh sản rất nhanh và sự đông đúc này đã dẫn đến tình trạng khan hiếm thức ăn. Sự khan hiếm này buộc chúng phải di cư sang khu vực khác. Cứ 3-4 năm một lần, vào ban đêm, hàng trăm con chuột rời bỏ vùng núi để đi xuống thung lũng. Khi ra đến vùng biển, chúng kết thúc chuyến hành trình của mình bằng cách lao xuống biển để cùng chết.
Nhiều giả thuyết được đặt ra trước sự kiện tự tử tập thể này, nhưng tất cả đều không thuyết phục. Họ cho rằng những con chuột này ý thức được tình trạng thiếu thức ăn nên đã tự nguyện nhận lấy cái chết để những con còn lại không bị chết đói.
Vào năm 2005, rất nhiều người đã chứng kiến một sự kiện kì lạ, hơn 1.500 con cừu nhảy xuống một vách đá ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các mục đồng choáng váng trước hiện tượng này. Và dù đã làm mọi cách để ngăn cản nhưng những con cừu vẫn điên cuồng lao xuống vực.
Gần 450 con chết ngay lập tức, 1.100 con còn lại bị tàn tật, thương nhẹ do nằm đè lên xác của những con đã chết trước đó. Tuy nhiên, chúng cũng gắng sức đập đầu vào vách đá để kết liễu tính mạng của mình.
Theo một báo cáo của trung tâm nghiên cứu động vật tại Singapore, ở Trung Quốc và Việt Nam cũng xuất hiện nhiều trường hợp gấu tự sát. Vào năm 2009, một điều tra viên đã chứng kiến cảnh các con gấu trong một trại nuôi lấy mật nằm tuyệt thực và nằm bất động trong lồng. Chủ trại nói chúng đã tuyệt thực trong 10 ngày, đến ngày hôm sau thì chết.
Trong năm 2011, thế giới ghi nhận hai trường hợp động vật tự sát vô cùng kì quái khác. Đầu tiên là bức ảnh được nhiếp ảnh gia Daniel J. Cox công bố ghi lại khoảnh khắc khủng khiếp tại Nam Cực. Trong ảnh, người xem có thấy hàng trăm chú chim cánh cụt nằm chết trên lớp băng dày. Cho tới nay, nguyên nhân của hiện tượng trên cũng chưa hề được làm rõ chi tiết.
Nhà tâm lý học William Lauder Lindsay cho rằng, “u sầu, trầm cảm” có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tự tử. Ông mô tả động vật “bị đẩy vào tình trạng hoảng loạn và điên cuồng theo nghĩa đen”, trước khi có những hành vi tự hủy hoại, có thể kết thúc bằng cái chết. Luận điểm này được các nhà hoạt động vì động vật viện dẫn.
Còn theo nhà sử học y khoa Duncan Wilson, mục đích của các nhà hoạt động là nhân cách hóa cảm xúc của động vật, chứng minh chúng cũng có khả năng tự nhìn nhận và các ý định, bao gồm cả ý định tự sát khi đau buồn hoặc uất ức.
Có thể kết luận rằng: Động vật không phải là loài vô tri, chúng cũng có đời sống tình cảm, có suy nghĩ và biết quan tâm lẫn nhau. Dưới đây là một vài minh chứng rõ ràng nhất:
Biết ơn: Tháng 12/2005, một cá voi lưng gù dài 15m và nặng 50 tấn bị mắc lưới may mắn được một nhóm thợ lặn giải cứu. Sau khi được tự do, “cô nàng” cọ mũi vào từng thợ lặn rồi bơi xung quanh – một cử chỉ mà theo các chuyên gia về cá voi là “sự giao tiếp khác lạ và hiếm thấy”.
James Moskito, thành viên trong nhóm thợ lặn kể lại: “Dường như nó cảm ơn chúng tôi đã giải thoát cho nó. Con vật dừng lại cách tôi khoảng 30 cm, dùng mũi đẩy tôi như thể đang đùa giỡn. Chưa hết, khi tôi cắt chỉ lưới quấn ngang miệng thì mắt nó nhấp nháy và nhìn chằm chằm vào tôi”.
Đau thương: Donna Fernandes, Giám đốc Thảo cầm viên Buffalo ở New York có lần tận mắt chứng kiến trong lúc thức canh một con khỉ cái chết do bệnh ung thư, con khỉ đực đã có những hành vi giống như nói lời từ biệt với “bạn đời” của mình: “Nó hú liên tục và vỗ mạnh vào ngực mình với vẻ đau đớn. Không những vậy, nó còn nhặt khúc cần tây – món ăn ưa thích lúc còn sống của con cái – rồi đặt vào tay ‘vợ’ mình và cố đánh thức cô nàng dậy”.
Những công nhân làm trong một lò sát sinh ở Hồng Kông từ chối giết thịt một con trâu to khi thấy con vật với ánh mắt buồn, quỳ sụp xuống chân người như một đứa trẻ van xin, hai hàng nước mắt chảy dài xuống má. “Người ta tưởng loài vật không biết khóc, nhưng con vật này đã khóc nức nở như một đứa bé,” ông chủ lò mổ Billy Fong cho biết.
Mọi người có mặt ở đó cho biết rằng con trâu đã khóc khi nó cảm nhận được cái chết đã cận kề. Hàng chục người đàn ông vạm vỡ sống bằng nghề giết gia súc cũng ứa lệ và họ đã quyết định mua lại con trâu bằng tiền quyên góp của chính họ. Sau đó, họ giao con trâu cho một nhà chùa để nó có thể sống phần đời còn lại trong cảnh bình an.
Hạnh phúc: Cá heo thường cười “tủm tỉm” mỗi khi hạnh phúc. Chó sói khi “đoàn tụ” thường hớn hở, vẩy đuôi hoặc liếm mõm với nhau. Khi gặp nhau, loài voi vỗ tai, quay tròn và cất “tiếng hú” chào mừng. Một chuyên gia nghiên cứu hành vi động vật có lần quan sát một con tinh tinh “vượt cạn”, đồng loại của chúng bày tỏ vui mừng bằng cách hú và ôm lấy nhau. Chúng thay phiên chăm sóc “sản phụ” và “đứa bé” suốt nhiều tuần.
Có quan điểm khoa học cho rằng hiện tượng loài vật tự sát tập thể là biểu hiện của quy luật tự nhiên về cân bằng sinh thái: Loại bỏ số dư thừa trong một cộng đồng. Còn dân gian lại có cái nhìn khác, nhiều người cho rằng tượng loài vật tự sát tập thể là dấu hiệu báo trước thiên tai sắp xảy đến như: Động đất, sóng thần, bão lụt và cả dịch bệnh,… Tuy nhiên, cơ chế nào dẫn đến hành động tự sát tập thể của động vật và hành động đó thực sự “có ý thức” hay không thì vẫn còn là điều bí ẩn.
Thiện Thành (t/h)