Dòng sông kỳ lạ và quý giá dài 240km này được mệnh danh là “quốc bảo” của Myanmar, bởi vì nó sản sinh ra một loại báu vật khiến Từ Hy thái hậu của Trung Quốc vô cùng yêu thích.
Báu vật ‘độc nhất vô nhị’ của Myanmar
Sông Ô Vưu (Uru) ở phía Bắc Myanmar có độ dài 240km, rộng 170km và tổng diện tích khoảng 3000km2. Con sông này được mệnh danh là “quốc bảo”, niềm tự hào của Myanmar bởi đặc điểm tự nhiên độc nhất vô nhị biến nó thành ‘dòng sông bạc tỷ’.
Dưới lòng sông và khu vực phụ cận lưu vực sông Ô Vưu có rất nhiều mỏ đá phỉ thúy nguyên sinh vô cùng quý hiếm. Cũng nhờ có dòng sông này mà Myanmar trở thành quốc gia sản xuất tới 95% những sản phẩm từ ngọc phỉ thúy ((jadeite) hiện đang có mặt trên thị trường.
Mặc dù ngọc phỉ thúy cũng có phân bố ở một số quốc gia như Trung Quốc, Ý, Nhật, Nga, Mỹ, Myanmar, Guatemala,… nhưng chỉ có Myanmar mới là nơi cung cấp ngọc phỉ thúy có chất lượng cao cấp nhất và đẹp nhất, khiến người ta ưu ái gọi loại ngọc này bằng một cái tên khác là “ngọc Myanmar”.
Còn cái tên “phỉ thúy” có nguồn gốc từ tỉnh Vân Nam. Hơn ngàn năm trước, trong những khu rừng rậm huyền bí nơi đó từng xuất hiện một loài chim có màu lông vô cùng bắt mắt: Nhìn chính diện thấy màu xanh biếc, nhìn nghiêng thấy màu đỏ tím. Cổ nhân yêu thích thi họa thường gọi màu đỏ là phỉ, màu xanh là thúy, chính vì vậy chữ “phỉ thúy” trong quá khứ là tên của một loài chim quý đó.
Cho đến một ngày vào năm 1784, “ngọc Myanmar” huyền bí du nhập vào tỉnh Vân Nam và chính thức trở thành báu vật vô giá tại Trung Quốc. Vẻ đẹp của nó khiến bao người chiêm ngưỡng nó phải trầm trồ kinh thán, màu ngọc thuần khiết như màu lông của chim phỉ thúy vậy. Từ ngày đầu tiên được ngắm nghía loại ngọc đầy sức mê hoặc này, người ta đã quên đi vẻ đẹp của loài chim phỉ thúy, mà đem cái tên ấy gửi gắm lên loại ngọc tuyệt đẹp này.
Vào thời đó, một trong những nhân vật nổi tiếng có niềm đam mê cuồng nhiệt với ngọc phỉ thúy là Từ Hy thái hậu. Bà sở hữu một khối ngọc phỉ thúy được tạc thành hình cây cải thảo, còn gọi là ‘Thúy ngọc bạch thái’, và yêu thích nó tới nỗi đặc biệt dặn dò con cháu phải chôn nó cùng với mình khi mất. Tác phẩm làm từ ngọc phỉ thúy có giá trị khổng lồ này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Cung điện quốc gia tại Đài Bắc, Trung Quốc.
Vào những năm 1930, những phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu thường sử dụng đồ trang sức bằng ngọc phỉ thúy như biểu tượng của thời trang và chứng tỏ đẳng cấp bản thân. Tuy nhiên, Đệ nhất phu nhân Tống Mỹ Linh mới được xem là người đầu tiên dẫn đường cho thời trang ngọc phỉ thúy. Trong cuộc đời mình, bà đã thu thập và sưu tầm rất nhiều trang sức ngọc phỉ thúy, nổi tiếng nhất trong số đó là vòng tay xoắn bằng ngọc phỉ thúy bà thường đeo.
Tại thời điểm đó, người đứng đầu Thanh Bang, Thượng Hải, là bà Đỗ Nguyệt Sanh, đã bỏ ra 40 vạn nhân dân tệ (khoảng 1,4 tỷ đồng Việt Nam theo tỷ giá hiện nay) để mua một đôi vòng tay xoắn ngọc phỉ thúy. Chất ngọc của đôi vòng này rất sáng và xanh, bích lục như nước, như là ‘chiếc vương miện’ của đôi tay.
Tại một buổi tiệc, bà Tống Mỹ Linh đã nhìn thấy đôi vòng phỉ thúy này trên tay của bà Nguyệt Sanh, và yêu thích ngay từ cái nhìn đầu tiên. Đỗ phu nhân thấy vậy liền tháo cả đôi vòng và tặng cho bà. Từ đó, bà Tống Mỹ Linh luôn đeo chiếc vòng không bao giờ tháo ra. Chiếc vòng xoắn phỉ thúy xinh đẹp này hiện nay đã được định giá lên đến 40 triệu đô la Hồng Kông (khoảng 120 tỷ đồng Việt Nam).
Ngoài ra, còn có rất nhiều đồ trang sức từ ngọc phỉ thúy nổi tiếng khác, một trong số đó phải kể đến chiếc vòng cổ bằng ngọc phỉ thúy Hutton-Mdivani. Năm 2014, nhà đấu giá Sotheby ở Hong Kong đã bán chiếc vòng cổ này với giá 27,6 triệu USD.
Điều kiện thiên nhiên cũng ‘độc nhất vô nhị’
Một chi tiết ít được biết tới là phỉ thúy thường nằm trong lõi của khối ngọc cẩm thạch, có giá lên tới vài trăm nghìn USD đến hàng triệu USD, có những viên ngọc có dính chút “phí thủy” thôi cũng có giá trị rất cao.
Hiện nay, ngọc phỉ thúy được chia thành 4 loại dựa theo độ hoàn thiện trong tự nhiên của chúng. Trong đó phỉ thúy loại A là loại được hình thành tự nhiên và có chất lượng tốt nhất.
Phỉ thúy loại A lại được chia nhỏ thành 4 chủng ngọc khác nhau, trong đó quý nhất là ‘Thủy Tinh chủng’ và ‘Băng chủng’. Mà hai loại ngọc thượng hạng này chỉ có thể khai thác được ở sông Ô Vưu chứ không thể tìm thấy ở những mỏ phỉ thúy tại các quốc gia nào khác.
Nguyên nhân là do để hình thành nên phỉ thúy, cần có nhiệt độ cao và áp suất thấp, vùng đất và đá nguyên sinh phải có hàm lượng Crom cao và sắt thấp. Sau đó còn phải trải qua quá trình tinh chế chất lỏng thủy nhiệt trong chuyển động địa chất của vỏ Trái Đất. Ngoài ra, tình hình địa chất của khu vực đó còn phải tương đối ổn định để tránh làm vỡ ngọc.
Khi hội tụ đủ các điều kiện này thì mới có thể hình thành nên phỉ thúy. Theo các chuyên gia địa chất học, điều kiện địa chất khắt khe kể trên khiến toàn thế giới hiện có không tới 10 nơi khai thác được phỉ thúy. Và như một lẽ tự nhiên, mỏ khai thác phỉ thúy của sông Ô Vưu là nơi có điều kiện tự nhiên lý tưởng nhất trong số đó nhờ điều kiện địa chất khá ổn định.
Ngọc phỉ thúy là một trong những báu vật được săn săn lùng nhiều nhất, so với kim cương và các loại đá quý nổi tiếng khác trên thế giới.
Độ bền đáng kể của ngọc phỉ thúy cho phép người ta sử dụng loại đá quý này rất linh hoạt, có thể chạm khắc thành nhiều thiết kế sáng tạo khác nhau. Ngày nay, ngoài màu xanh lá cây truyền thống, ngọc phỉ thúy có cả màu hoa oải hương, màu đỏ, đen và trắng, được nhiều người tiêu dùng đón nhận, đặc biệt là ở Trung Quốc.
Dòng sông được quân đội bảo vệ 24/7
Trong một giai đoạn lịch sử, dòng sông sương mù Uru thuộc lãnh thổ Trung Quốc triều Minh, được quản lý bởi phủ Vĩnh Xương. Cả hai triều đại nhà Minh và nhà Thanh đều liên tục khai thác ngọc ở khu vực này. Mãi đến cuối thời Càn Long, nhà Thanh thua trong trận chiến Trung Quốc – Myanmar, sông Uru lại thuộc về lãnh thổ của Myanmar.
Tục truyền rằng, người đầu tiên phát hiện ra mỏ đá nguyên sinh phỉ thúy là một vị tướng lĩnh trấn thủ nơi này. Chính vì vậy, tại khu vực Hpakant vẫn có những ngôi đền, miếu được xây dựng để thờ phụng vị tướng vô danh này.
Sau đó lời đồn truyền đi xa, người dân trong vùng và cả những người ở nơi khác lũ lượt kéo tới nhặt đá mong đổi đời. Thậm chí, ở nơi đây còn bắt đầu xuất hiện những tổ chức, băng đảng kéo tới khai thác ngọc phi pháp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự an ninh của địa phương.
Để bảo vệ tài nguyên ngọc, chính phủ Myanmar đã cử quân đội đóng quân tại đây, bảo vệ nơi này 24/7, không cho phép người dân tự ý khai thác, chỉ cho quân đội ra vào. Nếu cố tình xâm phạm sẽ bị xử lý theo luật.
Hiện tại, bất kể là người nước ngoài hay người bản địa đều không được tự ý ra vào nơi đây trừ khi có sự cho phép đặc biệt từ chính quyền, nếu không sẽ bị bắt lại ngay lập tức.
Ngoài ra, chính phủ Myanmar cũng ban hành thêm một số điều luật, chính sách để bảo vệ kho báu này khỏi tay của các “ngọc tặc”.
Thiện Thành (t/h)