Nói đến đồng phục ta thường nghĩ ngay đến sự nhàm chán, trăm người như một. Nhưng điều đó không đúng với đồng phục của nữ sinh Nhật Bản. Cùng một kiểu váy áo nhưng các cô gái Nhật – người thì nhẹ nhàng, thu hút, lại có người năng động, cá tính.
Cứ thế, đồng phục nữ sinh ở Nhật dần trở thành một biểu tượng văn hóa và được nhiều nước biết đến. Thế nhưng chuyện đó bắt đầu từ khi nào và vì sao là cả một hành trình dài.
Ra đời: từ kimono, hakama đến làn gió phương Tây
Từ năm 1879, nam sinh từ gia đình danh giá ở Nhật đã bắt đầu mặc đồng phục tại trường tư. Với nữ, mốc thời gian bắt đầu từ những năm 1900, trước đó họ mặc kimono kết hợp hakama.
Việc giới thiệu đồng phục ở trường học giúp học sinh dễ vận động hơn ở môn thể dục. Đồng thời, trường muốn các em đều bình đẳng với nhau dù tư tưởng giai cấp thời đó vẫn còn rất nặng. Ngay khi được giới thiệu, đồng phục đã được học sinh hết sức ủng hộ.
Cùng lúc đó, làn gió phương Tây đang thổi đến Nhật Bản. Âu phục bắt đầu phổ biến với nam giới. Rồi dần dần, đến lượt các cô gái Nhật khoác lên mình mẫu váy áo mới nhất từ Paris, dùng bữa ăn kiểu Pháp. Dĩ nhiên, điều này những tưởng chỉ giới hạn trong tầng lớp thượng lưu.
Thế nhưng cơn sóng mới lan rộng và “biến tấu” nhanh đến không ngờ! Nhiều cô gái kết hợp trang phục phương Tây với bộ kimono truyền thống.
Cuối cùng, nhờ sự vận động của chính nữ sinh và trào lưu xã hội, khoảng năm 1920, nữ sinh được chuyển hoàn toàn từ hakama sang mặc đồng phục. Đặc biệt là kiểu đồ như thủy thủ rất phổ biến.
Và một khi đã được chấp thuận, nó còn bùng lên rất mạnh mẽ nhờ thiết kế đơn giản, dễ may, ít tốn kém hơn kimono hay hakama.
Bùng nổ với Sukeban: những “đại tỷ” nắn hình đồng phục
Một thời gian dài sau đó, vì nhiều lí do trường học Nhật đi vào quy củ hơn nhiều, thậm chí hà khắc. Đó cũng là lúc “đại tỷ” (bên cạnh giới đại ca) xuất hiện. Họ là những cô nàng phá bĩnh trường học nhưng cũng sở hữu “set đồ” cực hút, dẫn đầu xu hướng.
Đại tỷ sukeban uốn và nhuộm tóc, trang điểm đậm. Đặc biệt, đồng phục được biến hóa để tạo ra một tổng thể đầy “thách thức” – cổ áo rộng như đồ nam, váy xếp ly dài và áo thủy thủ cực ngắn. Phụ kiện bao gồm 1 chiếc cặp bé tẹo để khỏi chứa sách vở gì nhiều!
Thời trang của “đại tỷ” là thứ gây e dè nhưng cũng đầy choáng ngợp và quyến rũ đối với các cô gái. Lúc đó, học sinh trải qua những áp lực xã hội lớn khủng khiếp, mà thi cử nghiệt ngã chỉ là một khía cạnh.
Giữa phông nền như vậy, chẳng trách những hình ảnh đại ca, đại tỷ nổi lên ào ào rồi đi vào… sách, manga, các band nhạc. Ngay cả nhân vật 1 con mèo cũng được “hư cấu” cho mặc đồng phục kiểu đại tỷ! Tất cả đã đẩy lên một cơn sốt mới.
Nhưng “vui thôi đừng vui quá”, các cuộc quậy phá ngày càng nhiều đã buộc nhà trường phải ra tay. Và họ làm điều đó bằng cách… tạo ra 1 “phong trào” mới – của 1 thập niên mới. Luật siết chặt hơn nữa, đồng thời trường cũng phối hợp với các xưởng thiết kế để định hình kiểu đồng phục “chuẩn”.
Bước ngoặt những năm 80: khi đồng phục gắn với thời trang
Do can thiệp của các trường học và nhà thiết kế, đồng phục không còn mang ý nghĩa nổi loạn của một thời mà thay bằng vẻ đẹp thanh lịch, hợp thời trang.
Song song đó, đến thập niên 80, Nhật Bản chứng kiến tỷ lệ sinh giảm sâu, các trường học phải cạnh tranh nhau vì số lượng đầu vào có hạn. Họ bèn nghĩ cách dùng đồng phục như một phương thức thu hút, một biểu tượng cho sự thanh lịch rất riêng chỉ có ở nữ sinh.
Để tạo nên điều đó, nhà thiết kế Makoto Yasuhara từ thương hiệu lâu đời Tombow cho ra mắt bộ đồng phục với áo blazer (áo khoác bên ngoài). Thực ra áo blazer từng bị coi là lỗi thời trước khi được Makoto cho “hồi sinh”.
Ngay lập tức, nó được đón nhận rộng rãi, kéo theo hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng khác vào cuộc như Kansai School Form, Comme Ca du Mode School Label. Từ đó, kiểu đồng phục với áo khoác ngoài đầy trang nhã, lịch thiệp trở nên thịnh hành đến tận ngày nay.
Thập niên 90 của kogal: váy ngắn và vớ thụng
Khi các thương hiệu bắt đầu nổi lên, khách hàng của họ – nữ sinh – cũng được “o bế” xin ý kiến nhiều hơn.
Trước mỗi mẫu mới, một nhóm nữ sinh sẽ được khảo sát trước. Họ được gọi là “kogal” hay “kogyaru”. Gal/Gyaru là chỉ thời trang, còn “ko” là ý nói học sinh trung học.
Đặc điểm nhận diện của kogal là khăn choàng cổ hiệu Burberry và váy dệt kim từ Ralph Lauren.
Ban đầu, hình ảnh này chỉ quen thuộc tại Tokyo. Sau đó, năm 1995, ngôi sao nhạc pop Namie Amuro đã góp phần lan rộng thời trang kogal ra khắp Nhật Bản. Cô sở hữu mái tóc dài, làn da nâu, mang chunky boots, váy mini cùng vài phụ kiện khác.
Ngay tại chính Tokyo, Namie cũng bổ sung cho phong cách kogal – bao gồm những chiếc vớ trắng, dài, thụng để giấu đi khuyết điểm chân cong, đồng thời giúp đôi chân nhìn có vẻ thon thả hơn.
Đối với nam sinh, kiểu thời trang “hoang dại” cũng rất thịnh với áo khoác da, quần jeans thụng và boots. Từ trường học, cách ăn mặc này lan đến giới giải trí, vận động viên lướt ván và skateboard.
Thời trang kogal từ chỗ chỉ được biết đến ở những trường học trung tâm Tokyo, dần trở thành trào lưu vô cùng phổ biến.
Nó kéo dài mãi tới những năm 2000, khi người ta cảm thấy chán (và cả khó hiểu?!) thì kogal mới lùi vào dĩ vãng.
Sau những thời thả lỏng rồi lại làm căng, đến nay nhiều trường học đã thoải mái hơn với chuyện ăn mặc. Theo đó, học sinh Nhật hầu như được mặc kiểu đồng phục mình thích hoặc thậm chí là trang phục tự do.
Nhưng lạ thay, nhiều nữ sinh vẫn kiên quyết mặc đồng phục dù cho họ có nhiều lựa chọn khác. Vì sao lại thế?
Lí do đầu tiên là nữ sinh cấp 2 đặc biệt nhạy cảm về thời trang của mình. Nên bằng cách cứ khoác đồng phục hàng ngày, họ chẳng sợ bị chê mặc xấu hay tốn hàng giờ trước gương nữa.
Một lí do khác lại sâu sắc mà cũng mơ hồ hơn. Người Nhật từ lâu đã yêu vẻ đẹp mong manh của hoa anh đào – nhất là vào độ sắp tàn, khi cánh hoa bay lác đác trong gió với sắc màu phai bí ẩn.
Đồng phục nói lên vị thế và khả năng của nữ sinh trước ngưỡng cửa cuộc đời! Và đây cũng chính là những tháng ngày họ mặc lên nó với tất cả xúc cảm mãnh liệt mà cũng nhẹ nhàng, tinh tế nhất.
Theo DKN