Tinh Hoa

Đông Phi sắp có đợt dịch châu chấu lần 2, ước tính thiệt hại gấp 20 lần đợt đầu

Tổ chức Liên Hợp Quốc (LHQ) gần đây đã đưa ra cảnh báo về “một mối nguy đáng báo động và khôn lường”: trận đại dịch châu chấu lần 2 với ước tính thiệt hại gấp 20 lần so với trận dịch châu chấu lần đầu ở Đông Phi sẽ tiếp tục tạo ra uy hiếp đối với nguồn lương thực và đời sống của người dân nơi đây.

Một đàn châu chấu sa mạc càn quét qua làng Kipsing, gần Oldonyiro, thuộc quận Isiolo, Kenya vào ngày 31/3. (Ảnh qua AP)

Theo LHQ, đại dịch châu chấu tiếp theo sẽ gây ra thiệt hại ít gấp 20 lần so với trận dịch châu chấu hồi tháng 2/2020. Điều này sẽ tạo ra một “mối nguy hại cực kỳ đáng báo động và không lường trước được” đối với nguồn thực phẩm và đời sống của người dân. 

Một đàn châu chấu với quy mô ⅓  dặm vuông có thể ngốn hết lượng thực phẩm lớn bằng số thực phẩm dùng trong 1 ngày cho 35.000 người. Châu chấu có thể bay tới gần 150km/ngày và có thể ăn một lượng cây trồng có khối lượng lớn bằng cơ thể chúng. 

Trận đại dịch lần này đến từ vùng sinh sản châu chấu ở đất nước Somalia, với số lượng châu chấu non nhiều hơn và đây là nhóm châu chấu rất phàm ăn. Trong báo cáo mới nhất về việc theo dõi dịch châu chấu, tổ chức Liên Hợp Quốc cho biết tình hình đang “cực kỳ đáng báo động” khi số lượng bầy châu chấu mới đang ngày một gia tăng tại phía bắc và trung tâm của Kenya, Ethiopia và Somalia.

Uganda báo cáo hai đàn châu chấu từ Kenya đã ập đến quốc gia này vào tuần trước, gây xáo trộn nguồn lương thực và đời sống của người dân tại phía đông và phía bắc đất nước. Đàn châu chấu ập đến theo những cơn mưa xuân, tàn phá những cây trồng mới nhú chồi và một số loại rau củ khác.

Châu chấu sa mạc bám đầy một cái cây ở Kipsing, gần Oldonyiro, thuộc quận Isiolo, Kenya ngày 31/3/2020. ( Ảnh qua AP)

Bà Hellen Adoa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Uganda cho hay: “Sự việc này rất bất ngờ, gây tổn thất lớn và chúng tôi lo ngại bởi nó [dịch châu chấu] ập đến đúng vào giai đoạn đất nước đang trong thời điểm phong tỏa. Chúng tôi hiện đang cảm thấy khá nặng nề”.

Điều đầu tiên mà chúng [châu chấu] làm khi ập đến chính là ngốn sạch bất cứ thứ gì có màu xanh. Chúng đã tàn phá một số cánh đồng trồng cây lương thực và rau củ”, bà nói.

Các nhà chức trách Kenya cho biết những ảnh hưởng từ đại dịch Vũ Hán đã gây ra sự chậm trễ trong việc đẩy lùi nạn tàn phá mùa màng này, do việc giao thương biên giới trở nên khó khăn và việc vận chuyển thuốc trừ sâu bị trì hoãn. Việc phun thuốc được cho là phương án hiệu quả duy nhất có thể kiểm soát được nạn châu chấu nhưng lại vấp phải ý kiến trái chiều từ người dân do có thể gây ảnh hưởng đến vật nuôi. 

Ông Antonio Querido từ Tổ chức Nông nghiệp và Thực phẩm của Liên Hợp Quốc cho biết: “Lượng mưa lớn vào cuối tháng Ba đã tạo điều kiện cho châu chấu sinh sản tại bán đảo Sừng Châu Phi. Điều này sẽ hình thành nên những bầy châu chấu non vào tháng 6, thời điểm mà những người nông dân chuẩn bị thu hoạch vụ mùa”.

Một người đàn ông cố gắng xua đuổi một đàn châu chấu sa mạc tại một trang trại gần thị trấn Nanyuki, thuộc quận Laikipia của Kenya. (Ảnh qua Reuters)

Tính đến thời điểm này, hầu hết những người nông dân đều đã gieo trồng vụ mùa đầu năm. Nếu các biện pháp ngăn chặn và khống chế châu chấu không được tiến hành hiệu quả, số lượng lương thực đã gieo trồng sẽ bị tàn phá, từ đó ảnh hưởng tới đời sống sinh nhai của người dân trong ngành nông nghiệp”.

Những đàn châu chấu non là lứa châu chấu trong giai đoạn phàm ăn nhất. Chúng sẽ ăn rất nhiều cây trồng, từ đó gây ra những thiệt hại lớn cho mùa màng và thức ăn cho gia súc”.

Bà Christine Apolot, chủ tịch thị trấn Kumi, Uganda, nơi bị một bầy châu chấu tấn công vào tuần trước cho biết người dân đang chìm trong sự tuyệt vọng, họ đã phải hứng chịu những trận lũ lụt và một trận đại dịch châu chấu trước đó: “Đây thực sự là một vấn đề gây báo động cho nguồn lương thực thực phẩm và lúc này nó đã xảy đến với chúng tôi.” 

Những người nông dân đang cố gắng xua đuổi một đàn châu chấu sa mạc ở Kenya vào tháng1/2020. (Ảnh qua EPA)

Trong lúc chúng tôi đang hy vọng nhận được nguồn lương thực để hỗ trợ cho tình hình phát sinh thì đại dịch châu chấu đã ập đến, cộng với lệnh phong tỏa vì đại dịch Vũ Hán đã khiến cho tình hình kinh tế bị tàn phá ngày càng trầm trọng.”

Chúng tôi hy vọng lực lượng chính phủ, các đối tác và Chương trình Lượng thực Thế giới sẽ ra tay giải cứu và cung cấp thực phẩm hỗ trợ. Nếu không, người dân nơi đây sẽ chết vì đói”. 

Châu chấu phá hoại mùa màng ở Kenya vào tháng 2/2020

Được biết hồi tháng 2/2020, 8 quốc gia khu vực Đông Phi cũng đã phải đối diện với những thảm kịch nghiêm trọng nhất trong 70 năm trở lại đây, trong đó bao gồm việc biến đổi khí hậu và chiến tranh xảy ra tại Yemen. 

Huy Hoàng (Theo The Guardian)