Singapore và Malaysia là hai quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron, cả ba trường hợp nhiễm đều nhập cảnh từ Nam Phi về.
Theo Reuters, vào ngày 2/12 Bộ Y tế Singapore thông báo nước này ghi nhận hai trường hợp mắc Covid-19 – biến chủng Omicron. Cả hai trường hợp này đều nhập cảnh từ Nam Phi, được lấy mẫu, cách ly ngay, không tiếp xúc với cộng đồng.
Theo Bộ Y tế Singapore, hai trường hợp trên gồm 1 phụ nữ 41 tuổi và 1 nam giới 44 tuổi. Cả hai đều đã được tiêm đủ liều vaccine.
Tất cả 19 hành khách còn lại trên chuyến bay đã được cách ly sau khi nhập cảnh và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Bộ trưởng Y tế Malaysia, ông Khairy Jamaluddin cũng cho biết nước này vừa ghi nhận ca nhiễm Omicron đầu tiên, nhập cảnh từ Nam Phi, quá cảnh ở Singapore và đến sân bay Malaysia vào ngày 19/11.
Hiện nhiều quốc gia tại khu vực Đông Nam Á đã ra quyết định hạn chế xuất, nhập cảnh tới một số quốc gia châu Phi do lo ngại về biến chủng Omicron.
Singapore áp dụng hạn chế đi lại với Lesotho, Nam Phi, Namibia, Botswana, Mozambique và Zimbabwe từ ngày 28/11. Công dân Singapore và người thường trú trở về từ các quốc gia có nguy cơ cao ở châu Phi vẫn được nhập cảnh, nhưng phải cách ly 10 ngày.
Tuần trước Malaysia ra lệnh cấm xuất cảnh tới 7 nước châu Phi nói trên, người nước ngoài có lịch sử đi lại qua 7 nước này trong 14 ngày cũng không được nhập cảnh. Người dân Malaysia từ 7 nước châu Phi về nước phải cách ly y tế 14 ngày theo quy định.
Từ ngày 1/12, Thái Lan cấm người dân nhập cảnh từ 8 nước châu Phi có nguy cơ cao lây nhiễm biến chủng Omicron. Người đến từ những vùng khác ở châu Phi phải thực hiện cách ly theo quy định.
Đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm nào liên quan đến biến chủng Omicron. Tối ngày 28/11, Bộ Y tế đã đề xuất chính phủ việc dừng các chuyến bay đến/đi từ các nước Nam Phi, Namibia, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Eswatini, Lesotho.
Biến chủng Omicron lần đầu được phát hiện ở Botswana vào hồi giữa tháng 11, được biết biến chủng này có hơn 50 đột biến, trong đó có 32 đột biến ở protein gai. Đây là biến chủng nhiều đột biến nhất và được WHO xếp vào nhóm biến chủng “đáng lo ngại”. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có báo cáo chính xác về mức độ lây lan và độc lực của biến chủng này.
Yên Yên (t/h)