Mới đây, TAND tỉnh Đồng Nai đã bác kháng cáo bản án sơ thẩm của cụ ông Trần Hữu Sỹ trong vụ án dân sự kéo dài 20 năm, tranh chấp về ‘hợp đồng nhận thuê khoán vườn ươm’ với Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai.
Theo Thanh Niên, ngày 28/9, Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Đồng Nai đã bác kháng cáo bản án sơ thẩm của ông Trần Hữu Sỹ (79 tuổi, ngụ xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) trong vụ án tranh chấp ‘hợp đồng nhận thuê khoán vườn ươm’ với Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai (bị đơn).
Về yêu cầu của luật sư nguyên đơn đề nghị triệu tập lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai vì có chứng cứ thể hiện sở này chỉ đạo Lâm trường Mã Đà dừng hợp đồng cho ông Sỹ thuê hồ, HĐXX cấp phúc thẩm thấy không cần thiết vì Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (bị đơn) hiện do UBND tỉnh quản lý.
Riêng yêu cầu triệu tập nhân chứng bán cá, thả cá cho ông Sỹ, HĐXX cũng không chấp nhận vì cấp sơ thẩm đã lấy lời khai.
Về hợp đồng nhận thuê khoán vườn ươm, theo HĐXX, giữa Lâm trường Mã Đà và ông Trần Hữu Sỹ có sự bàn bạc về hợp đồng vào ngày 10/2/1998, nhưng không thống nhất giá thuê; sau đó ông Sỹ cũng không có động thái phản đối, nên việc chấm dứt hợp đồng vào tháng 6/2000, bị đơn không có lỗi…
Do đó, HĐXX bác kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm, buộc Khu bảo tồn thiên nhiên và văn hóa Đồng Nai hoàn trả cho ông Trần Hữu Sỹ 1,231 tỷ đồng giá trị tài sản đã đầu tư cải tạo hồ.
Sau phiên tòa, ông Sỹ cho biết sẽ tiếp tục làm đơn đề nghị giám đốc thẩm cả 2 bản án bởi năm 2010, TAND tối cao đã hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Vĩnh Cửu và bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai vì cho rằng, chưa đảm bảo quyền lợi cho nguyên đơn.
“Cụ thể, bản án giám đốc thẩm nhận định, cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa xem xét đến 3 triệu con cá chép bột và 650kg thịt chưa thu hoạch (từ năm 1997 – 2000) là chưa đảm bảo quyền lợi cho đương sự. Vậy mà đến nay, cả 2 cấp tòa đều không xem xét đến nhận định này. Tôi sẽ tiếp tục đi đòi sự công bằng cho dù tuổi tác đã cao”, ông Sỹ cho hay.
Diễn biến cụ thể của vụ án
Theo Thanh Niên, trước đó, vào năm 1992, ông Sỹ ký hợp đồng với Trung tâm Du lịch, thuộc Lâm trường Mã Đà (nay là Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai) thuê hồ vườn ươm 27 hecta với thời hạn 20 năm để thả cá, với giá 5 triệu đồng/năm.
Giai đoạn từ năm 1995-1997, ông Sỹ đầu tư xây dựng, ngăn bờ đập, nạo vét, cải tạo lòng hồ… thả 3 triệu con cá giống, thuê người trông nom, nuôi cá.
Năm 1998, lâm trường yêu cầu ông Sỹ thu hoạch thủy sản để thanh lý hợp đồng nhưng ông không chấp nhận. Giữa năm 2000, lâm trường tự ý đơn phương thanh lý hợp đồng, cho một đơn vị khác thuê lại với giá 75 triệu đồng/năm.
Cho rằng, hành vi của Lâm trường là sai luật, gây thiệt hại kinh tế cho gia đình nên ông Trần Hữu Sỹ đã khởi kiện ra tòa.
Từ năm 2000 đến năm 2010, trải qua 4 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, dù thắng kiện, nhưng quyền và lợi ích hợp pháp không được đảm bảo, ông Sỹ phải làm đơn gửi lên cơ quan tố tụng Trung ương…
Và phải 9 năm sau, vụ việc mới được đưa ra xét xử lại. Vào ngày 3/10/2019 TAND huyện Vĩnh Cửu mới đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm (lần 3). Tại phiên xét xử này, tòa tuyên buộc Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai (trước đó là Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu) phải bồi thường cho ông Sỹ 1,231 tỷ đồng.
Sau đó, ông Sỹ kháng cáo vì đến thời điểm này mức bồi thường ông đưa ra đến hơn 81 tỷ đồng, trong đó tính mức lãi tăng lên 9%/năm từ năm 2000 (thời điểm quyền lợi ông Sỹ bị xâm phạm) đến khi tòa xử án và bản án có hiệu lực thi hành…
Lý do cụ ông phải quỳ gối trước tòa
Theo giấy triệu tập, phiên tòa phúc thẩm giữa ông Sỹ với Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai diễn ra lúc 8 giờ ngày 8/9. Tuy nhiên, ngồi đợi đến gần 10h, ông Sỹ nhận được thông báo hoãn phiên tòa vì lý do kiểm sát viên bận ngồi một phiên xét xử khác.
Do quá bức xúc vì phiên tòa phúc thẩm hoãn nhiều lần (quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 16/6 nhưng sau đó thay đổi đến ngày 10/7 và thông báo hoãn đến ngày 3/8, rồi 20/8, 8/9), ông Sỹ làm đơn khiếu nại trực tiếp gửi cho Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai.
Sau khi ông Sỹ khiếu nại, đến 10h30 ngày 8/9, phiên tòa tiếp tục được mở. Vào phòng xử án, ông Sỹ bất ngờ đội đơn quỳ gối xin HĐXX tiếp tục xét xử, kết thúc vụ kiện vì đã kéo dài ròng rã 20 năm.
Tuy nhiên, thẩm phán chủ tọa phiên tòa lại đọc quyết định hoãn phiên tòa do “Bị đơn có đến tòa nhưng bị rối loạn tiêu hóa, không đủ sức khỏe nên đã nộp đơn xin hoãn tòa”; đồng thời thông báo sẽ mở lại phiên tòa vào 8 giờ ngày 25/9.
Theo luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) đây là vụ án dân sự có quan hệ tranh chấp không quá phức tạp, nhưng tòa kéo dài việc giải quyết gây ra nhiều khổ ải, bức xúc cho người đi kiện. “Vụ án kéo dài 20 năm rồi, tôi mệt mỏi quá rồi mà vẫn chưa kết thúc nên buộc phải quỳ, xin các ông ấy để được giải quyết, nhưng phiên tòa cũng vẫn hoãn”, ông Sỹ nói vào thời điểm trên.
Vũ Tuấn (t/h)