Mới đây, các nhà khoa học quản lý Đồng hồ Tận thế đã quyết định đẩy kim nhích thêm nửa phút, chỉ còn cách thời điểm nhân loại bị hủy diệt, đúng 2 phút.
Đài BBC dẫn báo Bulletin of the Atomic Scientists (BAS) – tạm dịch là Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử, nhấn mạnh rằng kim Đồng hồ Tận thế đã thể hiện như vậy bởi thế giới đang trở nên nguy hiểm hơn.
“Chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã đạt được tiến bộ đáng kể trong năm 2017, tăng nguy cơ cho chính Triều Tiên, các nước khác trong khu vực và Mỹ“, CNN trích báo cáo của các nhà khoa học quản lý Đồng hồ Tận thế. “Những lời hùng biện và hành động khiêu khích của cả hai bên đã làm tăng khả năng chiến tranh hạt nhân“.
Thông báo về việc Đồng hồ Tận thế nhích thêm 30 giây hôm 25/1 tại Washington DC, các nhà khoa học của BAS nói rằng quyết định này không hề dễ dàng và nó không phải chỉ dựa trên một nhân tố đơn lẻ.
Tuy nhiên, Chủ tịch kiêm CEO của BAS khẳng định trong các cuộc thảo luận năm nay, vấn đề hạt nhân một lần nữa sẽ trở thành trọng tâm.
Ngoài hàng loạt các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, BAS còn đề cập tới một yếu tố tác động khác là chiến lược hạt nhân mới của Mỹ, theo đó dự kiến kêu gọi thêm đầu tư để mở rộng vai trò của kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Bên cạnh đó, căng thẳng đang lên giữa Nga và phương Tây cũng là một yếu tố đáng kể.
Đầu năm 2017, Đồng hồ Tận thế cũng đã được chỉnh gần thêm nửa phút với mốc nửa đêm. Các phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump được coi là nhân tố lớn khiến các nhà khoa học điều chỉnh kim đồng hồ.
Đồng hồ Tận thế là công cụ biểu tượng do Nhóm Nhà khoa học Hạt nhân Mỹ, gồm 15 chủ nhân giải Nobel, tạo ra vào năm 1947 nhằm đưa ra mức độ cảnh báo về thời điểm nổ ra chiến tranh hạt nhân quy mô toàn cầu và nhân loại gần chạm mốc hành tinh bị hủy diệt. Hiểm họa hạt nhân càng lớn bao nhiêu thì chiếc đồng hồ càng chạy gần lại thời điểm nửa đêm bấy nhiêu.
Lần cuối cùng đồng hồ chạm mốc gần nửa đêm như năm nay vào năm 1953, khi Mỹ và Liên Xô tham gia cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.
17 phút là khoảng cách xa nhất của kim đồng hồ đến mốc nửa đêm, được ghi nhận vào năm 1991.
Tú Văn (t/h)