Đối thoại nội tâm thường có hai xu hướng, một là suy nghĩ tích cực, hai là tiêu cực. Đối thoại nội tâm là lúc bạn tự cho bản thân mình một lời khuyên, nếu suy nghĩ tích cực, nó sẽ giúp bạn giảm bớt căng thẳng và giải quyết việc hiệu quả hơn, ngược lại suy nghĩ tiêu cực có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn.
Học cách tự nói với bản thân những điều tốt đẹp, và nhìn đời một cách tích cực, điều đó có thể làm thay đổi cuộc sống.
Đối thoại nội tâm là cuộc đối thoại trong tâm hồn. Nó có liên quan đến sự tác động của tiềm thức, và cho thấy suy nghĩ, niềm tin, thắc mắc và ý tưởng của bạn.
Đối thoại nội tâm có thể vừa tiêu cực vừa tích cực. Nó có thể động viên bạn, và có thể làm bạn đau khổ. Phần lớn việc nói chuyện với bản thân phụ thuộc vào tính cách của bạn. Nếu bạn là người lạc quan, cuộc nói chuyện có thể tích cực và nhiều hy vọng hơn. Điều ngược lại có thể xảy ra nếu bạn là một người có xu hướng bi quan.
Tư duy tích cực và lạc quan là công cụ quản lý căng thẳng rất hiệu quả. Thật vậy, có một cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống có thể mang đến một số lợi ích sức khỏe. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2010 cho thấy những người lạc quan có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Nếu bạn cho là đối thoại nội tâm quá tiêu cực, hoặc nếu bạn muốn tập trung vào một cuộc đối thoại tích cực, bạn có thể học cách thay đổi cuộc nói chuyện. Nó sẽ giúp bạn trở thành một người tích cực hơn, và nó có thể cải thiện sức khỏe của bạn.
Tại sao điều này tốt cho bạn?
Đối thoại nội tâm có thể nâng cao hiệu suất và hạnh phúc. Ví dụ, nghiên cứu cho thấy đối thoại nội tâm tích cực giúp các vận động viên thi đấu tốt hơn. Nó có thể giúp họ tăng sức chịu đựng hoặc sức mạnh khi nâng các tạ nặng.
Hơn nữa, đối thoại nội tâm tích cực và cách nhìn lạc quan có thể đem đến nhiều lợi ích sức khỏe khác, như là:
- cảm thấy tràn đầy sức sống
- hài lòng với cuộc sống hơn
- cải thiện chức năng miễn dịch
- giảm đau
- tốt cho tim mạch
- sức khỏe thể chất tốt hơn
- giảm nguy cơ tử vong
- bớt căng thẳng và đau khổ
Chưa rõ nguyên nhân tại sao những người lạc quan và những người có thể đối thoại nội tâm tích cực lại nhận được những lợi ích này. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy những người có khả năng nói chuyện với bản thân tích cực thường có kỹ năng tinh thần cho phép họ giải quyết vấn đề, suy nghĩ khác biệt và hiệu quả hơn khi đối mặt với khó khăn thách thức. Điều này có thể làm giảm tác hại của stress và lo âu.
Đối thoại nội tâm thế nào cho hiệu quả
Trước khi bạn có thể học được cách đối thoại nội tâm nhiều hơn, trước tiên phải xác định được những suy nghĩ tiêu cực, thường rơi vào bốn loại sau đây:
- Cá nhân hóa: Bạn đổ lỗi tất cả mọi thứ là do chính mình.
- Phóng đại: Bạn tập trung vào các khía cạnh tiêu cực của một tình huống, bỏ qua tất cả những điều tích cực.
- Thảm họa: Bạn chờ đợi điều tồi tệ nhất, và hiếm khi để logic hoặc lý lẽ thuyết phục bạn theo cách khác.
- Phân cực: Bạn thấy thế giới chỉ hai màu đen và trắng, hoặc tốt và xấu. Không có gì ở giữa và trung gian để xử lý và phân loại các sự kiện trong cuộc sống vào đó.
Khi bạn bắt đầu nhận ra các loại suy nghĩ tiêu cực của mình, bạn có thể hành động để biến chúng thành tư duy tích cực. Việc này đòi hỏi luyện tập cùng thời gian, và không thể tiến triển chỉ qua một đêm. Tin tốt là việc này có thể làm được. Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy ngay cả trẻ nhỏ cũng có thể học cách tự điều chỉnh tiêu cực.
Một số ví dụ
Đây là những ví dụ về thời điểm và cách bạn có thể biến cuộc nói chuyện tiêu cực thành tích cực. Một lần nữa, nó cần phải luyện tập. Nhận ra một số cuộc đối thoại nội tâm tiêu cực trong những tình huống này có thể giúp bạn phát triển các kỹ năng để lật ngược suy nghĩ.
Tiêu cực: Tôi sẽ làm mọi người thất vọng nếu tôi đổi ý.
Tích cực: Tôi có quyền thay đổi suy nghĩ của mình. Những người khác sẽ hiểu.
Tiêu cực: Tôi thất bại và xấu hổ về bản thân.
Tích cực: Tôi tự hào về bản thân vì đã tiếp tục cố gắng. Điều đó cần có can đảm.
Tiêu cực: Tôi mập ú và bị stress. Nhưng tôi cũng không quan tâm lắm.
Tích cực: Tôi giỏi giang và mạnh mẽ, và tôi muốn được khỏe mạnh hơn vì chính mình.
Tiêu cực: Tôi đã làm các thành viên trong nhóm thất vọng khi không thể ghi điểm.
Tích cực: Thể thao là sự hợp tác nhóm. Chúng tôi thắng và thua cùng nhau.
Tiêu cực: Từ trước đến giờ, tôi chưa từng làm điều này. Chắc tôi sẽ làm rất tệ.
Tích cực: Đây là cơ hội tuyệt vời để tôi học hỏi những người khác và tiến bộ.
Tiêu cực: Việc này không thể nào thành công được.
Tích cực: Tôi có thể và sẽ làm tất cả để nó thành công.
Làm thế nào để áp dụng hàng ngày?
Hãy luyện tập đối thoại nội tâm tích cực nếu đó không phải là bản năng tự nhiên của bạn. Nếu bạn thường xuyên bi quan, bạn có thể học cách thay đổi cách đối thoại nội tâm để cổ vũ và nâng cao tinh thần hơn.
Tuy nhiên, hình thành thói quen mới cần có thời gian và nỗ lực. Dần dần, suy nghĩ của bạn sẽ thay đổi. Đối thoại nội tâm tích cực có thể trở thành chuẩn mực của bạn. Hãy áp dụng các mẹo hữu ích sau đây:
- Xác định bẫy đối thoại nội tâm tiêu cực: Một số tình huống có thể làm tăng sự ngờ vực của bạn và dẫn đến cuộc nói chuyện tiêu cực hơn. Ví dụ, khi công việc khó khăn, bạn dễ chán nản nhất. Tìm ra thời điểm bạn trải nghiệm đối thoại nội tâm tiêu cực nhất có thể giúp bạn dự đoán và chuẩn bị.
- Kiểm tra cảm xúc: Đừng nghĩ đến những việc đã qua hoặc ngày đen tối nhất mà hãy đánh giá cuộc đối thoại nội tâm của bạn. Nó đang trở nên tiêu cực? Làm thế nào bạn có thể thay đổi nó?
- Hài hước: Tiếng cười có thể giúp giảm mệt mỏi và căng thẳng. Khi bạn cần trợ giúp đối thoại nội tâm tích cực, hãy cố mỉm cười, chẳng hạn như xem video động vật hài hước hoặc diễn viên hài.
- Hòa mình với những người tích cực: Cho dù bạn có nhận ra hay không, bạn có thể bị ảnh hưởng bởi cách nhìn và cảm xúc của những người xung quanh bạn. Điều này bao gồm những cảm xúc tiêu cực và tích cực, vì vậy hãy chọn ở bên những người tích cực nếu có thể.
- Hãy tự khẳng định mình một cách tích cực. Đôi khi, nhìn thấy những từ ngữ tích cực hoặc hình ảnh đầy cảm hứng có thể đủ để chuyển hướng suy nghĩ của bạn. Dán những lời nhắc nhở ở văn phòng, trong nhà hoặc bất cứ nơi nào bạn thường xuyên lui tới.
Khi nào bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ?
Đối thoại nội tâm tích cực có thể giúp bạn thay đổi cái nhìn về cuộc sống. Nó cũng có thể đem đến lợi ích sức khỏe lâu dài, cải thiện hạnh phúc và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, đối thoại nội tâm nên là thói quen được luyện tập suốt đời.
Nếu bạn có xu hướng tự nói chuyện tiêu cực và bi quan, bạn có thể học cách thay đổi. Phải mất thời gian và luyện tập nhiều, nhưng bạn có thể phát triển khả năng tự nói chuyện tích cực.
Nếu bạn thấy mình chưa thành công, hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa. Chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể giúp bạn xác định nguồn cơn gây ra đối thoại nội tâm tiêu cực và học cách lật ngược suy nghĩ.
>>> Rối loạn lo âu: Những thực phẩm nên tránh và nên dùng
>>> Hàm nghĩa của Trung Y (P2): Sức khỏe có liên quan đến tu tâm dưỡng tính
Xuân Nhạn, theo The Epochtimes