Con người sống giữa trời đất, thời gian vô cùng ngắn ngủi; tựa như bóng câu qua cửa sổ, chỉ trong chớp mắt đã biến mất. Vẫn biết trăm năm là hữu hạn nhưng lại không nén nổi bi ai…
Đời người hữu hạn là thế, vậy biết làm sao để mỗi ngày đều sống vui vẻ, tâm không muộn phiền? Hai câu chuyện dưới đây có nhiều điều khiến ta phải suy ngẫm.
Vận mệnh của mỗi người đều do ông trời sắp đặt
Tương truyền ở Sơn Đông có một người tên là Trương Thuận, trong lúc chạy trốn bọn cướp đã nấp vào một đống thây người chết ở bên đường và chứng kiến cảnh Diêm Vương gọi hồn người đã khuất.
Diêm Vương gọi hết danh sách nhưng vẫn thấy Trương Thuận nằm im bất động thì chỉ tay hỏi “Tại sao anh lại nằm bất động ở đây?” Trong khi Trương Thuận sợ hãi không nói nên lời thì người bên cạnh đáp: “Anh ta phải chết trong ngục ở kinh thành, không liên quan đến chúng tôi”.
Sau đó một cơn gió lạ đột nhiên thổi qua, những người đó hoàn toàn biến mất. Từ đó Trương Thuận thường tự nhắc nhở bản thân không bao giờ được đến kinh thành.
Năm đó xảy ra nạn đói lớn, Trương Thuận không có đồ ăn thức uống nên đi xin ăn; di chuyển dần tới kinh thành.
Một lần đi qua cửa một ngôi nhà lớn, Trương Thuận thấy một người hầu bế một đứa bé khóc ngặt nghẽo, dỗ thế nào cũng không được nhưng khi nhìn thấy anh thì lập tức nín khóc, chìa tay đòi anh bế.
Khi được bế, đứa trẻ không những nín khóc mà còn mỉm cười rất tươi. Khi Trương Thuận cáo từ, đứa trẻ lại bắt đầu khóc lớn. Người hầu báo việc này với chủ nhà. Trương Thuận liền được giữ lại để hầu hạ công tử, chính là đứa bé kia. Trương Thuận vui mừng khôn xiết, tránh được đói rét, cơm no áo ấm không phải nghĩ gì.
Khi nghe người hầu khác kể rằng, chủ nhân chỉ có đứa bé là công tử duy nhất, sau khi sinh ra thường xuyên khóc, mỗi lần như vậy thường khóc cả ngày lẫn đêm, tất cả người hầu và nhũ mẫu không ai giỗ được, việc này diễn ra đến nay đã 5 năm, Trương Thuận lại càng tận tâm phục vụ công tử.
Cứ như vậy vài năm sau, đột nhiên chủ nhà được điều động đến kinh thành làm quan. Trương Thuận nghe tin nhớ đến điềm báo xưa liền kiên quyết xin nghỉ nhưng chủ nhà không đồng ý.
Anh liền kể hết sự tình đã gặp năm xưa thì chủ nhân mỉm cười mà nói: “Cậu lại xem giấc mơ là hiện thực ư, sao mà ngu ngốc thế. Nếu tuân thủ luật pháp, sao có thể bị bỏ tù? Mà cho dù sự việc có xảy ra như vậy; năng lực của ta cũng không khó để đưa cậu ra khỏi ngục. Cậu còn lo lắng gì chứ?”. Trương Thuận không từ chối được, đành phụng mệnh đi cùng gia đình chủ nhân đến kinh thành.
Ngày thứ ba tới kinh thành, công tử đòi dẫn đi chơi. Khi chơi ở khu vực sông, không may rơi xuống nước và chết đuối. Trương Thuận bất lực không cứu được công tử, khóc lóc chạy về báo chủ nhân; quỳ xuống xin tạ lỗi.
Chủ nhân chỉ có một cậu con trai này, yêu quý như châu ngọc. Đột nhiên nghe tin xấu, liền đập bàn giận dữ, đánh Trương Thuận một trận rồi tống vào ngục. Cai ngục thấy Trương Thuận không có quan hệ với ai; lại không tiền bạc đút lót nên đánh đập rất tàn khốc. Không chịu được ngược đãi đánh đập tàn khốc, Trường Thuận căm phẫn rồi chết. Anh cũng hiểu sinh tử có số, không thể thoát khỏi mệnh Trời.
Con người bị quan niệm về sinh tử trói buộc
Trong Thiên Tự Văn có kể lại chuyện về Lão Tử và Khổng Tử vô cùng ý nghĩa. Tương truyền rằng Khổng Tử vô cùng kính trọng Lão Tử, có một lần ông đặc biệt tới thỉnh giáo Lão Tử. Ông rất cung kính nói với Lão Tử rằng: “Tiên sinh học vấn cao thâm, nay nhân lúc tiên sinh thư nhàn, xin giảng cho nghe về Đạo”.
Lão Tử nói: “Ngươi muốn hỏi về đạo ư, tất trước bỏ đi mọi tạp niệm, thanh tĩnh tinh thần, lòng thành nhất nhất, gột rửa thân tâm; sau đó mới có thể nghe giảng huyền đạo. Có điều hôm nay ta có thể nói sơ lược cho ngươi nghe!
Trước nói về con người. Con người sống giữa trời đất, thời gian vô cùng ngắn ngủi; tựa như tuấn mã vọt qua khe hở nhỏ hẹp, chỉ trong chớp mắt đã biến mất. Mọi việc trên thế gian, luôn không ngừng biến hóa, sinh sinh tử tử, sinh tử, tử sinh.
Quan hệ sinh tử vốn có biến hóa, vốn chẳng đủ để coi là lạ. Nhưng đối với tử, con người đều cảm thấy bi thương. Đó là vì con người bị quan niệm sinh tử trói buộc.
Nếu coi cái chết chỉ là chôn vùi xương cốt xuống đất, tinh thần rời đi bay vào thiên đường, trở thành vật vô hình, đó chính là từ hữu hình mà trở về vô hình, thì cũng chẳng có gì để mà bi ai nữa rồi.
Đạo ấy mà, không thể hỏi nhiều, then chốt vẫn là lĩnh ngộ được chỗ ảo diệu của đạo; thực sự thông hiểu, thì sẽ cảm nhận được sâu sắc sự vi diệu uyên thâm trong đó…”.
Cổ nhân thường dạy “Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại Thiên”, nghĩa là sinh tử hay vận mệnh của một người là do ông trời sắp đặt. Có được điều gì chính là vì đường đời của ta có; không được là bởi vận mệnh ta không có mà thôi.
Con người sống giữa trời đất, chỉ chớp mắt đã lìa đời, không nên muộn phiền vì những điều không đáng, cứ vui vẻ, thiện lương, sống thuận theo tự nhiên vì tất cả đều đã có an bài.
Xuân Hạ (t/h)