Trong cuộc khảo sát Ninh Hạ vào ngày 10/6, Tập Cận Bình đã nhắc lại quyết tâm xây dựng một xã hội khá giả và thoát nghèo. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, đối với người dân Trung Quốc thì “xã hội khá giả” chỉ là một giấc mơ khó thực hiện, nếu cứ tiếp tục gắng gượng thì chỉ có thể “ăn cám”.
Ông Tưởng, người từng làm việc trong ngành truyền thông đã nói với “Sound of Hope” rằng, việc xóa đói giảm nghèo của ĐCSTQ đầy tham nhũng và lừa đảo, và các quan chức thậm chí còn tham gia xóa đói giảm nghèo chỉ để có được thành tích chính trị. Theo ông, nói chuyện “xóa đói giảm nghèo toàn diện” năm 2020 và xây dựng một xã hội “khá giả” thì không khác gì là mò kim đáy biển.
Ông Tưởng cho rằng, ngay cả khi không xuất hiện dịch bệnh thì cũng không thể “xóa đói giảm nghèo toàn diện” và xây dựng một xã hội “khá giả” vào năm 2020 được, tuyệt đối không thể đạt được. Mục tiêu “xóa đói giảm nghèo toàn diện” chỉ là những lời nói giả tạo.
Đặc biệt là ở các khu vực phía Tây, Tây Bắc và Tây Nam, dù cho không có dịch bệnh, họ cũng không thể thoát nghèo. Nơi đó có hoàn cảnh quá tệ, trí thức, điều kiện sống đều không đạt, vì vậy việc thoát nghèo chỉ là những lời nói suông.
Hơn nữa năm nay tình hình dịch bệnh nghiêm trọng như vậy, một số nơi có thể duy trì hoạt động thông thường tại địa phương đã là tốt rồi, đừng nói đến chuyện thoát nghèo, điều đó chẳng khác nào mò kim đáy biển, tuyệt đối là không thể. Vì vậy mọi người đều cho rằng đây là một trò đùa, ông Tưởng nhận xét.
Ông Dương, một doanh nhân nước ngoài cũng nhận xét một cách bi quan rằng, người dân Trung Quốc trong tương lai cũng sẽ không thể thực hiện được giấc mơ “một xã hội khá giả”, nếu cứ tiếp tục gắng gượng thì chỉ có thể “ăn cám”.
Ông nói rằng, khái niệm “khá giả” tức là hầu hết mọi người ở đất nước này đều thuộc giai cấp trung lưu, nghĩa là bạn có thể sở hữu một ngôi nhà, có một công việc, nhận được sự chăm sóc về y tế, chăm sóc khi tuổi già, mọi mặt đều tốt. Tuy nhiên, tình hình thực tế ở Trung Quốc là sự giàu có tập trung quá mức, cuối cùng tài sản chỉ chảy về tay một số gia tộc có thế lực, cuộc sống của những người bình thường vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Dương nói rằng, công cuộc “xóa đói giảm nghèo” bắt đầu nổi bật trong vài năm qua. Tập Cận Bình đã đề xuất nhiều chiến lược sau khi nhậm chức, nhưng đều không phù hợp tình hình thực tế trong nước. Những người cấp dưới chỉ đang đối phó, chỉ cần có dự án được phê chuẩn, sẽ có người lợi dụng sơ hở. Người biết trước nội tình có thể kiếm lời từ việc đó, cuối cùng người chịu thiệt hại là dân chúng.
Ông Dương chỉ ra rằng, nhiều người đang phải khổ sở vì nợ nần, phá sản hoặc thậm chí tự tử, nhưng trên các bản tin đều không có bất kỳ tin tức tiêu cực nào, bất cứ ai báo cáo đều bị chỉ trích.
Một xã hội khá giả toàn diện là lời nói dối của ĐCSTQ trong nhiều thập kỷ
Nhạc Sơn (bí danh) cựu quan chức Hà Nam nói rằng, “xã hội khá giả toàn diện” là lời nói dối của Đảng Cộng sản trong nhiều thập kỷ. ĐCSTQ vẫn đang tuyên truyền lời nói dối này. Nền kinh tế Trung Quốc đã như vậy, mà cứ luôn miệng nói xóa đói giảm nghèo, cuộc sống khá giả.
Nhạc Sơn tin rằng, cái gọi là toàn dân thoát nghèo, thực chất chỉ là một chiếc bánh mà ĐCSTQ đã vẽ cho người dân nước này trong vài thập kỷ qua. Chiếc bánh này chưa vẽ xong, nên đã tiếp tục nói dối trong vài chục năm. Họ tiếp tục tuyên truyền, tiếp tục vẽ. Những người nắm quyền bây giờ đều không hiểu kinh tế. Không phải sự xuất hiện của dịch bệnh khiến nền kinh tế Trung Quốc trở nên tồi tệ, mà những vấn đề rất nghiêm trọng đã được phơi bày từ vài năm trước!
Ví dụ, Lý Khắc Cường trong cuộc họp báo sau kỳ họp Lưỡng Hội của ĐCSTQ đã nói lên sự thật. Ông nói rằng thu nhập hàng tháng của 600 triệu người chỉ là 1.000 nhân dân tệ! Đây thật là một con số khổng lồ, làm thế nào để có thể thoát nghèo? Nhiều người chưa bao giờ đến vùng nông thôn hay miền núi của Trung Quốc. Những người ở vùng núi không có tài nguyên, họ chỉ có thể làm nông nghiệp.
Nhạc Sơn cho biết, làm nông nghiệp mỗi năm thì liệu thu được bao nhiêu lợi nhuận? Phải đi gieo hạt, bón phân, nhưng giá lương thực thì thấp, thu nhập của người dân sao có thể tăng lên được? Bên cạnh đó, ở phía Tây Bắc, Cam Túc, Nội Mông, Thiểm Tây, Sơn Tây và Thanh Hải, vẫn còn bao nhiêu người nghèo? Nhiều người vẫn phải sống trong các hang động ở cao nguyên Tây Bắc, đây còn là những vấn đề về vị trí địa lý.
Ông còn bày tỏ, đó là chưa kể đến những địa phương mà ngay cả việc sinh tồn cũng vô cùng khó khăn, hoàn cảnh môi trường vô cùng khắc nghiệt, đến cả nước uống cũng trở thành vấn đề lớn. Ngoài ra còn khu vực vùng núi Thái Hành, đó là nơi miền núi, dựa vào đâu để sinh tồn quanh năm suốt tháng? Thoát nghèo kiểu gì? Đó chỉ là một cái bẫy, tự nói, tự huyễn hoặc bản thân mà thôi.
Tại một cuộc họp báo sau kỳ họp Lưỡng Hội của ĐCSTQ vào ngày 28/5, Lý Khắc Cường không chỉ tuyên bố rằng Trung Quốc có một vấn đề nan giải về kinh tế, đó là 600 triệu người có thu nhập bình quân là 1.000 nhân dân tệ, mà trong bản báo cáo công việc chính phủ nộp cho Lưỡng hội, thậm chí còn không hề đưa ra mục tiêu kinh tế năm nay. Điều này cho thấy tình hình kinh tế của Trung Quốc vô cùng tồi tệ và không có cách nào để đặt ra các chỉ tiêu cụ thể.
Theo thống kê chính thức, tăng trưởng kinh tế trong quý đầu tiên của năm 2020 giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Vào tháng 4, ĐCSTQ chính thức tuyên bố rằng Trung Quốc vẫn còn 52 huyện nghèo. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, tin rằng số người nghèo sẽ chỉ tăng chứ không giảm.
Do đó, cộng đồng quốc tế cũng nghi ngờ việc Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu một xã hội khá giả toàn diện trong năm nay.
Thêm nữa là việc nước ngoài liên tiếp rút vốn khỏi Trung Quốc, lượng người thất nghiệp không ngừng gia tăng. Các nhà kinh tế phương Tây ước tính tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc là từ 15% đến 20%, nhiều chuyên gia Trung Quốc cũng đồng ý với tuyên bố này.
Nhà kinh tế học Lý Tấn Lôi, giám đốc của Chứng khoán Trung Thái (Zhongtai Securities) đã phát biểu trong bài “Tỷ lệ thất nghiệp thực sự ở Trung Quốc cao đến mức nào” trên “Thời báo chứng khoán” vào ngày 20/4 rằng:
Theo ước tính của họ về tổng số người thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp thực tế của Trung Quốc có thể đã đạt hơn 20%. Số người thất nghiệp mới đây có thể đã vượt quá 70 triệu người, điều này cũng có thể giải thích tại sao sẽ giảm gần 50 triệu lao động nhập cư trong quý đầu tiên, và tỷ lệ thất nghiệp tương ứng với mức tăng 70 triệu người thất nghiệp là khoảng 20,5%.
Nhà kinh tế học Lưu Trần Kiệt, giám đốc Công ty quản lý tài sản Vọng Chính Thâm Quyến, đã viết trên tạp chí Caixin vào đầu tháng 4 rằng, dịch bệnh có thể khiến 205 triệu công nhân Trung Quốc mất việc. Điều này có nghĩa là hơn 25% của 775 triệu người thuộc độ tuổi lao động của Trung Quốc sẽ thất nghiệp.
Đài RFI nói rằng, trước khi “quyết tâm xây dựng một xã hội khá giả toàn diện” thì điều quan trọng nhất mà ĐCSTQ phải làm là giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn người lao động, nếu không, làm thế nào để “thoát khỏi nghèo đói một cách toàn diện”?
Tập Cận Bình coi trọng mục tiêu vĩ mô “quyết tâm xây dựng một xã hội khá giả toàn diện”, trong khi Lý Khắc Cường rõ ràng là thực tế hơn khi nói rằng “việc làm là vấn đề dân sinh quan trọng nhất”.
Minh Huy (Theo NTDTV)