Trong khi cộng đồng đang đối mặt với ám ảnh cái chết và tổn thất kinh tế vì dịch bệnh. Một số doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động bất chấp các sắc lệnh từ chính phủ, số khác lại điều chỉnh mô hình kinh doanh để tiếp tục hoạt động.
Một người kinh doanh nội thất tại Los Angeles lấy bí danh David Smith, đã quyết định vẫn mở cửa hoạt động vì cho rằng lệnh phong tỏa đã xâm phạm vào quyền tự do dân sinh của anh.
Ông Smith, 48 tuổi, chia sẻ với Epoch Times: “Tôi chưa từng tạm dừng hoạt động kinh doanh của mình, tôi sẽ tùy cơ ứng biến. Mỗi lần tôi sẽ tiếp nhận 1 khách hàng, cửa ra vào sẽ khóa và lúc đó chỉ tiếp nhận đúng 1 khách hàng, chúng tôi cũng tuân thủ hoàn toàn các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm”.
Giống như ông Smith, Eliot Rabin 78 tuổi, chủ sở hữu cửa hàng Peter Elliot chuyên bán quần áo cho nam giới tại khu dân cư Upper East Side, New York vẫn quyết định mở cửa hàng dù lệnh điều hành cho hay ngành kinh doanh của ông không phải ngành thiết yếu và bị yêu cầu tạm đóng cửa. Rabin chia sẻ ông không muốn lệnh phong tỏa làm gián đoạn “tinh thần kinh doanh của ông”.
Ông Rabin đã chịu tổn thất tài chính đáng kể, nhưng vẫn muốn duy trì hoạt động vì nó đem đến hy vọng cho ông. Theo Hiệp hội bảo hiểm tai nạn tài sản Mỹ, các doanh nghiệp nhỏ như của ông Smith và Rabin đang chịu tổn thất từ 255 tỷ đô la đến 431 tỷ đô la mỗi tháng do lệnh phong tỏa vì đại dịch COVID-19.
Đối với họ, duy trì hoạt động kinh doanh chủ yếu thiên về củng cố niềm tin hơn là duy trì doanh thu.
“Tôi sẽ không cho phép điều này cản trở tinh thần kinh doanh của tôi, các nhân viên cũng như tinh thần của quốc gia”, ông Rabin chia sẻ với Epoch Times, cho biết thêm kể từ khi việc kinh doanh của ông hoạt động trở lại, nhiều người đã đến để quyên góp ủng hộ.
“Bất chấp khó khăn là yếu tố cản trở lớn. Phép lịch thiệp là niềm may mắn. Đó chính là hai yếu tố làm nên tinh thần kinh doanh của tôi”.
“Khách hàng đến mua đồ vì họ là con người và bởi tôi cũng là con người”.
Jeffrey Selden, đối tác quản lý của nhà cung cấp thực phẩm Marcia Selden Catering hoạt động tại New York và bang Connecticut, đã quyết định vẫn hoạt động kinh doanh nhưng theo một cách thức khác.
“Vào tuần thứ hai của tháng 3, chúng tôi đã tổ chức một hội nghị lớn tại Las Vegas để tìm nguồn cung sau khi thế giới tạm ngưng các hoạt động kinh tế. Cuối tuần đó, chúng tôi quay lại trụ sở tạo ra chính sách ‘bữa tiệc nhỏ’ và ‘thực đơn lấp đầy tủ lạnh của bạn’”, ông Selden viết trong một bức email.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh, cắt giảm 60% nhân lực, cung cấp dịch vụ vận chuyển tại nhà và các gói tổ chức tiệc tại gia”.
Ông Selden cho biết tình hình doanh thu không được như giai đoạn trước khi có lệnh phong tỏa, nhưng doanh nghiệp của ông vẫn sẽ duy trì hoạt động cho khách hàng.
Chờ đợi nhận khoản vay hỗ trợ
Thách thức trước mắt mà mọi doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt khi ngừng hoạt động trong bối cảnh có lệnh phong tỏa, là việc không đủ khả năng thanh toán tiền thuê nhà và các hóa đơn điện nước. Đáng nói là không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng nhận được khoản vay.
Kate Fryer, 33 tuổi, cô đã thành lập doanh nghiệp riêng A Bead Just So, tồn tại trong suốt 7 năm tại ngôi làng Ballston Spa, New York.
Cô có một cửa hàng bán đồ trang trí nhỏ, cung cấp đầy đủ các dịch vụ như đồ trang sức thủ công, sửa chữa đồ trang sức, tổ chức tiệc sinh nhật và tiệc đêm cho phụ nữ. Vì mô hình kinh doanh của cô chủ yếu là cửa hàng bán lẻ nên khi có lệnh phong tỏa, cô phải chuyển hướng mô hình hoạt động nhanh chóng.
“Cửa hàng bán lẻ của tôi phải đóng cửa và tôi đã chuyển qua hình thức kinh doanh trực tuyến”, cô Fryer chia sẻ với Epoch Times.
“Điều này vô cùng đáng sợ vì đối với ngành kinh doanh tôi đang làm, khách hàng sẽ muốn đến trực tiếp để xem và kiểm tra món đồ mà họ định mua. Do đó việc phải đóng cửa cửa hàng chẳng khác gì mất đi 100% lượng khách, bởi mọi người không thể mua sắm như thông thường được nữa”.
Fryer đang gặp khó khăn về tài chính, sau đó cô đăng ký một khoản vay từ chương trình bảo vệ tiền lương (gọi tắt là hình thức PPP) nhưng chưa nhận được phản hồi từ ngân hàng. Trường hợp này cũng xảy ra với ông Rabin.
Các khoản vay theo hình thức PPP được hỗ trợ theo điều khoản của Đạo luật Cứu trợ Kinh tế giai đoạn COVID-19 (Đạo luật CARES), cung cấp 349 tỷ đô la hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn do lệnh giãn cách xã hội, tạm trú tại chỗ và các biện pháp khác được chỉ định nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Các chủ doanh nghiệp nhỏ như cô Fryer đã được đề xuất đăng ký các khoản vay này thông qua ngân hàng, tín dụng và các tổ chức khác theo quy tắc của Cục quản lý doanh nghiệp nhỏ Hoa Kỳ, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 3/4.
Tuy nhiên, hiện nhu cầu nhận khoản vay đang khá cao. Ngày 4/5, Cục quản lý doanh nghiệp nhỏ Hoa Kỳ đã hoàn tất hơn 100 nghìn khoản vay từ trên 4.000 đối tác cho vay, trong đó có nhà cung ứng thực phẩm Marcia Selden Catering.
Ông Jeffrey Selden cho hay: “Chúng tôi đã đăng ký nhận khoản vay theo hình thức PPP và may mắn đã được xét duyệt tuần này! Hình thức kinh doanh hiện tại của chúng tôi chỉ bằng một phần nhỏ của trước đây, nhưng chúng tôi sẽ duy trì chúng thật tốt, cố gắng hoàn tất toàn bộ đơn hàng và tổ chức các buổi tiệc trực tuyến cho khách hàng”.
Trong khi đó, ông Smith lại không tán thành với quyết định ban hành lệnh phong tỏa và đã từ chối đăng ký khoản vay PPP.
“Tôi từ chối nhận khoản vay từ chính phủ vì tôi không tin tưởng vào những gì họ đang làm”, ông chia sẻ.
Những ngành nghề thiết yếu và không thiết yếu
Khi chính phủ các tiểu bang ban hành lệnh phong tỏa để kiểm soát đại dịch, họ đã yêu cầu đóng cửa tất cả các doanh nghiệp nằm trong nhóm không thiết yếu, trong khi một số khác được coi là thiết yếu như dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cửa hàng tạp hóa và trạm xăng vẫn được duy trì hoạt động.
Ông Rabin cho biết, ông không thể hiểu nổi tại sao một cửa hàng rượu được coi là một doanh nghiệp thiết yếu ở New York, trong khi việc kinh doanh của ông lại bị coi là không thiết yếu.
“Lĩnh vực kinh doanh của tôi cũng quan trọng ngang họ, nếu không nói là hơn, bởi đội ngũ nhân viên và người làm của chúng tôi cũng cung cấp, đem tặng các sản phẩm. Chúng tôi có suy nghĩ lạc quan, đem đến niềm vui và những hỗ trợ động viên tinh thần cho khách hàng, khi họ phải cách ly trong nhà tuần này qua tuần khác”, ông chia sẻ.
Ông Smith cho hay ông nhận thấy sự phân biệt các ngành nghề xã hội thành thiết yếu và không thiết yếu là “một việc làm không công bằng và đầy phân biệt”.
“Chúng ta không thể làm méo mó nền kinh tế và phá hủy sinh kế của người dân, tất cả những gì chúng ta làm đều thiết yếu cho cuộc sống. Chúng ta đều phải có trách nhiệm với gia đình, với con cái và bạn đời của mình”, ông nói.
Ông Rabin cho biết, hy vọng ngày càng rộng mở với ông khi ông nhận được phản ứng “choáng ngợp” từ lúc cửa hàng hoạt động trở lại. Ông đã nhận được hơn 10000 bức email ủng hộ từ khắp mọi nơi trên toàn thế giới từ khi phỏng vấn với tờ Fox News.
“Chuông điện thoại không ngừng reo. Mọi người liên tục bước vào quán, [nói rằng] không cần mua thứ gì, đưa cho chúng tôi 50 đô và bảo rằng họ chỉ muốn hỗ trợ cho chúng tôi”, ông Rabin chia sẻ, cho biết thêm cửa hàng của ông đã trở thành một biểu tượng thiện chí chứ không đơn thuần là một doanh nghiệp.
Trong khi đó, Fryer cho biết việc chuyển sang kinh doanh trực tuyến đã giúp cô củng cố được hi vọng. Cô tin rằng công việc làm ăn của mình sẽ tồn tại được qua đại dịch nhờ sự hỗ trợ từ khách hàng.
“Thực ra tôi có một vị khách hàng vào đúng thời điểm xảy ra đại dịch, tôi và cô ấy trở nên thân thiết với nhau, cô ấy gọi điện cho tôi và nói: ‘Kate nếu cô cần bất cứ điều gì, hãy gọi cho tôi, tôi đảm bảo cô và gia đình mình sẽ không phải xoay sở và công việc làm ăn của cô sẽ không phải đối mặt với những khó khăn’”.
Huy Hoàng (Theo Epoch Times)