Tinh Hoa

Doanh nghiệp chăn nuôi lợn đồng loạt báo lãi, tiểu thương và lái buôn lỗ nặng

Các doanh nghiệp chăn nuôi lợn như Dabaco, Vissan, Dolico đã đồng loạt báo cáo kết quả kinh doanh trong quý I và nửa đầu quý II đầy ấn tượng. Trong khi đó, giá lợn tăng chóng mặt đã làm các tiểu thương khốn đốn; các lái buôn càng khóc ròng khi giá đột ngột giảm.

(Ảnh minh họa: vtv.vn)

Vừa qua, Tập đoàn Dabaco báo cáo doanh thu đầy khả quan khi chỉ trong 2 tháng 4,5 của quý 2/2020, Dabaco đã thu về 2.016 tỷ đồng, ước đạt trên 70% so với quý trước. Tổng doanh thu 5 tháng đầu năm của Dabaco đạt 4.483 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 593 tỷ đồng.

Cùng với Dabaco, Dolico và Vissan cũng cho ra báo cáo kết quả kinh doanh quý I đầy thắng lợi. Trong đó, Vissan đạt doanh thu thuần 1453 tỷ đồng, lãi sau thuế là 47 tỷ đồng. 

Trước đó, một số doanh nghiệp lợn như C.P đã tăng giá thịt heo, bất chấp thỏa thuận với bộ NN&PTNT trước đó.

Trong giai đoạn các doanh nghiệp kinh doanh lợn tuân thủ cam kết thì giá lợn vẫn tăng chóng mặt, nguyên nhân là do khi lợn đi qua các khâu trung gian khiến giá tăng lên tới 40%. Báo Dân trí đặt nghi vấn rất có thể các doanh nghiệp trung gian này là sân sau của các tập đoàn lớn, tuy nhiên chưa có một cuộc điều tra cụ thể nào.

Được biết, 15 doanh nghiệp kinh doanh lợn lớn chiếm 35% thị trường thịt lợn trong nước. Giá thịt lợn cao đã khiến các tiểu thương gặp khó khăn. Tại chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam những ngày giá lợn ngấp nghé 95.000 – 100.000 đồng/kg, lượng lợn được tiêu thụ giảm chỉ còn 1/3 so với bình thường. Các tiểu thương buôn bán không có lãi thậm chí lỗ nhưng vẫn phải đứng quầy vì nếu không sẽ mất chỗ và mất khách quen.

Theo Bộ NN&PTNT, giá thịt lợn từ người chăn nuôi đến tay người tiêu dùng phải qua 2-5 khâu trung gian. (Ảnh: Bình Phương/ dantri.com.vn)

Các thương lái cũng không khá hơn vì không bán được hàng, có người cho biết lỗ cả trăm triệu đồng mỗi chuyến.

Anh Lê Văn Thực, một chủ buôn cho biết, thời tiết mùa hè khiến lợn dễ bị tụt cân, mỗi chuyến xe về lợn có thể bịt hao từ 5 – 7kg, lúc đó dân buôn lại phải lưu hàng lại 1, 2 tuần để lợn hồi phục sau đó mới bán được ra thị trường.

Do đó, một số chủ buôn phải đầu tư hệ thống chuồng trại để lợn phục hồi rồi mới bán. Bên cạnh đó, các thương lái cũng phải đối mặt với tình trạng giá lợn lên xuống thất thường, vì nhập vào giá cao nhưng sau hai tuần nuôi để lợn hồi phục, nếu giá lên thì có thể lãi nhưng nếu giá xuống thì sẽ chịu cảnh lỗ kép, vừa lỗ giá bán vừa lỗ tiền chăm nuôi trong 2 tuần.

Hiện nay giá lợn hơi trên thị trường đang có nhiều biến động, khoảng một tuần trở lại đây có xu hướng giảm. Trong đó khu vực miền Trung và miền Nam giảm từ 3.000 – 4.000 đồng/kg so với tuần trước và đang dao động trong mức 90.000 – 94.000 đồng/kg. Khu vực miền Bắc cao hơn từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Nhiều địa phương trước đây có giá 103.000 đồng/kg nay cũng giảm còn 98.000 – 99.000 đồng/kg.

Từ Thức (t/h)