Tinh Hoa

Đáng sợ đoạn quốc lộ 1A bị lún như ‘luống khoai’ gần Sài Gòn

Nhiều năm qua, mặt đường quốc lộ 1A, đoạn giáp ranh TP.HCM và Bình Dương liên tục bị trồi, lún sâu khiến ôtô tải di chuyển qua phải chạy treo cả bánh xe, gây nguy hiểm cho xe cộ lưu thông.

Nhiều năm nay, 2 chiều quốc lộ 1A đoạn giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và TP.HCM mặt đường làn ôtô thường xuyên bị trồi nhựa, lún thành nhiều rãnh sâu gây nguy hiểm cho xe cộ lưu thông.

Hai chiều quốc lộ 1A đoạn giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và TP.HCM nhiều năm nay thường hay trồi nhựa, lún.(Ảnh sưu tầm từ Internet)

Đường bị lún nặng nhất dài gần 500 m hướng từ cầu Đồng Nai vào TP.HCM, tại khu vực dốc Thiên Thu (thuộc thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, giáp với quận 9, TP.HCM). Ôtô lưu thông qua phải di chuyển chậm, nhất là vào thời điểm kẹt xe thành hai làn theo mặt đường trồi, lún.

Hai bánh xe sau của các loại ôtô nằm gọn trong phần rãnh của các “luống khoai”.
Nhựa đường bị trồi lên tạo thành những “con sóng” nhấp nhô.
Nhiều vị trí những lớp nhựa trồi lên gần 20 cm, một phần bánh xe lớn khuất dưới mặt đường.
Những phần trồi lên này xuất hiện nhiều vết cà từ những chiếc xe có gầm thấp.
Một số vị trí khác nhựa đường nứt nẻ, bong tróc ùn lên phần đất đá phía dưới.

Đoạn đường có mật độ xe cộ qua lại dày đặc, các loại xe lớn nhỏ muốn chuyển làn phải chạy gác bánh lơ lửng hoặc chỉ bám vào một phần mặt đường. Nhiều tài xế chạy nhanh qua đây xe lắc lư mạnh như muốn lật nhào.

Tài xế Nguyễn Ngọc Trung (TP.HCM) cho biết việc chạy xe qua đây là một ám ảnh đối với cánh lái xe tải hạng nặng như anh. “Những khi xe chở hàng chỉ có thể di chuyển chậm chứ chạy nhanh nếu leo lên phần trồi của mặt đường là thùng hàng và cả cabin chao đảo. Tay lái yếu có thể gặp tai nạn như chơi”, người lái xe container chia sẻ.

Vị trí tuyến đường bị lún.( Ảnh: Google Maps)

Ông Lê Ngọc Hùng – Giám đốc Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2 thuộc Sở GTVT TP.HCM cho biết, đây là tuyến đường huyết mạch từ cửa ngõ phía Đông vào TP.HCM nên mật độ xe có tải trọng lớn qua lại dày đặc bất cứ thời điểm nào. Điều này khiến mặt đường phải chịu áp lực lớn, gây nên trồi, lún thường xuyên.

Đây không phải lần đầu hai chiều của đoạn đường trên, đặc biệt chiều hướng vào TP.HCM xảy ra tình trạng này. Chúng tôi đã 4 lần thực hiện việc cào bằng mặt đường nhưng được một thời gian lại nguyên hiện trạng“, ông Hùng nói.

Lý giải việc chưa thể sửa dứt điểm đoạn đường này, Giám đốc khu 2 cho biết thêm do tuyến đường liên quan đến dự án mở rộng xa lộ Hà Nội nên phải chờ cùng triển khai thi công đồng bộ. Trước mắt đơn vị sẽ tiến hành cào bằng mặt đường cho xe lưu thông tạm thời trong vài ngày tới.

Theo zing