Đã có rất nhiều câu chuyện về tác hại của việc sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng… đối với trẻ nhỏ nhưng dường như các bậc phụ huynh vẫn chưa thực sự cảnh giác cao độ.
Mới đây, một ông bố sống ở Bangkok, Thái Lan đã chia sẻ toàn bộ câu chuyện đau lòng của gia đình lên mạng xã hội để cảnh báo khẩn thiết cho tất cả các bậc phụ huynh về mối nguy hiểm của việc cho trẻ chơi điện thoại quá nhiều.
Anh Dachar Nuysticker Chuayduan cho biết, cô con gái nhỏ của anh vốn rất xinh xắn, khỏe mạnh và không có dấu hiệu bất ổn nào về sức khỏe.
Thế nhưng “cũng như rất nhiều cha mẹ khác, khi con gái 2 tuổi quấy khóc, tôi thường xuyên đưa cho con chiếc điện thoại di động mở sẵn video trên Youtube để con ngồi yên cho mình làm việc. Đây là cách duy nhất để tôi không phải tốn công dỗ dành mà con có thể ngồi ngoan cả ngày“, anh nhớ lại.
Thế rồi thời gian trôi đi, con gái xuất hiện các vấn đề về mắt nhưng anh không hề nghĩ nó liên quan đến điện thoại. Mắt bé dần mờ đi. Mới 3 tuổi, bé đã phải đeo kính nhưng tình hình cũng không cải thiện. Bác sĩ bảo bé bị bệnh mắt lười (suy giảm thị lực), hai mắt không hoạt động cùng nhau và bị lé.
Đến năm 4 tuổi, bé buộc phải phẫu thuật để tránh bị mù. Chỉ đến lúc này, qua lời khuyên của bác sĩ cần dừng ngay việc cho bé sử dụng điện thoại, Ipad, tivi và máy tính, anh mới tá hỏa nhận ra lỗi là do bản thân mình.
Video: Bé gái 4 tuổi mất thị lực, suýt mù lòa vì bố mẹ chiều, thường cho xem điện thoại hàng giờ. (Nguồn: Sức Khỏe & Cuộc Sống)
Theo đó, nguyên nhân dẫn đến bệnh về mắt ở trẻ là ánh sáng phát ra từ thiết bị điện tử ảnh hưởng đến các tế bào nhạy cảm ánh sáng ở võng mạc, gây thoái hóa hoàng điểm, dẫn đến suy giảm hoặc mất thị lực vĩnh viễn.
Không chỉ thị lực bị ảnh hưởng, tâm lý của con gái Dachar cũng có vấn đề vì sử dụng điện thoại thường xuyên. Bé trở nên mất tập trung, không thể ngồi yên nếu không có điện thoại để giải trí. Mỗi khi bố muốn lấy lại điện thoại, bé phản ứng rất mạnh thậm chí trở nên kích động.
Sau khi nhận ra việc cho con xem điện thoại quá nhiều đã gây hậu quả nghiêm trọng cho cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của con, Dachar vô cùng ân hận nhưng mọi việc đã quá trễ, mắt cô bé không thể phục hồi lại như xưa được nữa.
Bài chia sẻ của ông bố ngay lập tức nhận được rất nhiều sự quan tâm từ cộng đồng mạng, có lẽ bởi rất nhiều cha mẹ giật mình khi thấy mình cũng đang mắc phải lỗi tương tự.
Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Rawat Sichangsirikarn làm việc tại khoa Nhi ở Bangkok khẳng định điện thoại di động đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi vì những yếu tố gây hại, đặc biệt khi người lớn cho trẻ dùng điện thoại trong thời gian dài. Vì điều này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, thậm chí còn khiến trẻ bị nhầm lẫn giữa cuộc sống thực và ảo.
Bên cạnh đó, những trang web xấu trên Internet cũng có thể khiến trẻ em gặp rủi ro. Chẳng hạn, chúng có thể truy cập các mạng xã hội nguy hiểm và không thích hợp, hoặc tiếp xúc với các trang web khiêu dâm…
Cho trẻ dùng điện thoại như thế nào để đảm bảo an toàn?
– Trên thực tế, đôi khi chính người lớn lại lạm dụng smartphone nhiều hơn trẻ con, thậm chí trông con nhưng mắt vẫn không rời điện thoại. Vì thế, muốn điều chỉnh lại những hành vi của trẻ, chính cha mẹ phải tự điều chỉnh lại mình trước nhằm tạo dựng môi trường tốt để dạy trẻ.
– Cha mẹ cần có sự hướng dẫn, định hướng cho trẻ, để trẻ vẫn được tôn trọng sở thích của mình mà không bị lệch lạc khi tiếp xúc với smartphone.
– Thậm chí, khi cha mẹ sử dụng điện thoại cần phải giải thích và phải có định lượng thời gian cụ thể với đứa trẻ. Chẳng hạn cha mẹ có thể nói với con rằng: “Bố/mẹ đang có việc bận nên phải sử dụng điện thoại trong vòng 10-15 phút” và phải cố gắng thực hiện như lời đã nói; đó là sự thỏa thuận thể hiện sự tôn trọng với đứa trẻ.
– Trẻ cần được xây dựng thói quen, trước khi sử dụng điện thoại, ipad… phải xin phép người lớn và phải được sự đồng ý của bố mẹ mới được sử dụng.
Thùy Linh (t/h)