Tinh Hoa

DN mía đường: Cho bầu Đức nhập đường về Việt Nam cũng chẳng sao!

“Việc Hoàng Anh Gia Lai muốn nhập đường vào Việt Nam cũng chẳng có vấn đề gì là ghê gớm. 50.000 tấn chứ có hơn nữa thì cũng chẳng có nghĩa lý gì đối với thị trường Việt Nam, bởi mỗi năm nước ta cần 2 triệu tấn đường…”, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Nguyễn Văn Tam cho biết.

Có thể bạn quan tâm

Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN Nguyễn Thành Long đã có bức tâm thư dài 5 trang gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để giãi bày những khó khăn và quan điểm về việc bảo hộ ngành mía đường . Trước đó, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Nguyễn Hải cũng có văn bản phản bác lại ý kiến cần xóa bỏ cơ chế bảo hộ ngành này của Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú.
Lãnh đạo của Hiệp hội Mía đường luôn cho rằng, họ làm vì trách nhiệm, thay mặt Hội viên để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của Hội viên. Tuy nhiên, chính Hội viên của Hiệp hội Mía đường lại bày tỏ quan điểm không cần bảo hộ và ủng hộ việc nhập khẩu đường.
Trao đổi với Một Thế Giới, ông Lê Văn Tam – Chủ tịch HĐQT Công ty đường Lam Sơn, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: “Các nhà máy không cần bảo hộ đâu”!
Hiện nay, đang có nhiều tranh cãi về việc bảo hộ hay xóa bỏ bảo hộ ngành mía đường. Là một trong những doanh nghiệp mía đường lớn ở Việt Nam, xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?
Tôi nói thật, các nhà máy thì không cần bảo hộ đâu. Bảo hộ hay không là do Nhà nước, không phải cứ muốn là được.
Với nhà máy đường Lam Sơn chúng tôi thì đang cần phải mở cửa ra nhanh. Cứ cho xuất, nhập tự do đi, có gì đâu, đường thô nhập vào còn rẻ hơn làm mía.
Nhưng cuộc sống nông dân thế nào thì đó là trách nhiệm của Nhà nước chứ không phải của nhà máy nữa.
Điều kiện Việt Nam thì không thể có giá mía rẻ được, bởi vì đất đai manh mún, nhỏ hẹp, không có được cánh đồng mẫu lớn. Không thể so sánh với Thái Lan hay Hoàng Anh Gia Lai về điều kiện đất đai được.
Nông dân phá mía vì nhiều nhà máy đường không chịu được. Nếu nông dân có nhiều đất không bao giờ họ phá, nhưng vì họ có quá ít đất nên họ mới phá. Họ không thể thâm canh, cơ giới hóa được.
Nếu mỗi gia đình có 0,5 ha thì dù có năng suất 100 tấn/ha, giá bán 1 triệu/tấn thì họ cũng chỉ thu được 50 triệu, trừ đi chi phí thì chẳng còn bao nhiêu, bảo sao người ta không phá. Nếu họ có 5 ha đất trong tay thì họ sẽ không phá mía nữa.
Có người nông dân làm mía thì nhà máy mới sống được. Nhà máy phải giúp đỡ nông dân. Chúng tôi phải cam kết mua mía cho nông dân với giá không thay đổi trong 3 năm, dù giá có xuống thì chúng tôi cũng mua với giá 900.000 đồng/tấn cho họ. Chúng tôi còn thành lập trung tâm nghiên cứu giống mía, mở trường đào tạo…
Ông Lê Văn Tam – Chủ tịch HĐQT Công ty đường Lam Sơn,
nguyên Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam
Tuy nhiên nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng, thực chất của việc bảo hộ hiện nay là chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp mía đường, còn người nông dân không hề được lợi. Ông nghĩ sao về việc này?
Ở Thái Lan, 30 đô la/ tấn mía còn ở ta 45-50 đô la/ tấn mía, ai bù tiền cho các nhà máy trong khi giá bán của chúng ta không cao hơn thế giới bao nhiêu.
Thái Lan phát triển mía đường cách đây 70-80 năm, từ khi chúng ta còn chiến tranh thì ở Thái Lan hàng loạt nhà máy đường đã mọc lên. Chúng ta đi sau họ tận mấy chục năm.
Vậy còn việc cho phép nhập khẩu đường từ nước ngoài vào Việt Nam thì sao, thưa ông? Chẳng hạn như cho phép Hoàng Anh Gia Lai nhập 50.000 tấn đường từ Lào vào Việt Nam?
Tôi cho rằng, việc Hoàng Anh Gia Lai muốn nhập đường vào trong nước cũng chẳng có vấn đề gì là ghê gớm. 50.000 tấn chứ có hơn nữa thì cũng chẳng có nghĩa lý gì đối với thị trường Việt Nam bởi mỗi năm nước ta cần 2 triệu tấn đường.
Mỗi năm ở biên giới Tây Nam nhập lậu lên tới 500.000 tấn đường. Mà tôi nghĩ, chuyện này không đáng để báo chí phải tốn giấy mực làm gì, bản thân bầu Đức có nhu cầu nhập vào đâu, sao Bô Công thương lại trình Thủ tướng cho nhập 50.000 không thuế?
Đường ở Việt Nam vẫn bị đánh thuế, sao giờ lại muốn cho nhập đường ở Lào vào mà không đánh thuế?
Cách đây 20 năm, ngành đường được thành lập do nghị quyết đại hội VIII của Đảng. Từ việc chúng ta nhập khẩu từng cân đường của nước ngoài, đến bây giờ chúng ta thừa đường ăn.
Hoàn thành được chương trình mục tiêu quốc gia “Một triệu tấn đường”, gắn nông nghiệp với công nghiệp, đó là nỗ lực rất lớn, giúp cho hàng triệu nông dân có công ăn việc làm, đời sống khá lên, xóa đói giảm nghèo, kêu gọi được đầu tư nước ngoài vào các vùng khó khăn, không ai đặt chân đến.

Xin cảm ơn ông!

Trí Lâm (Thực hiện)

Theo Một Thế Giới