Ngoài chỉ tiêu về thu nhập, hộ gia đình cần đáp ứng 3/6 tiêu chí khác về chất lượng cuộc sống, bao gồm trong gia đình không có người sử dụng thiết bị Internet, tivi… để được xét duyệt vào diện hộ nghèo.
Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 (tuy nhiên chỉ áp dụng từ năm 2022). Quan trọng nhất, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực nông thôn được quy định có mức thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng trở xuống (trước đây là 700.000-1 triệu đồng), khu vực thành thị là 2 triệu đồng/người/tháng trở xuống (trước đây là 900.000-1,3 triệu đồng).
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn hộ nghèo bổ sung thêm 6 tiêu chí đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Theo đó, tiêu chuẩn hộ nghèo phải đáp ứng tối thiểu 3/6 tiêu chí, nếu không sẽ xếp vào hộ cận nghèo. Cụ thể:
- Y tế: Gia đình có trẻ dưới 16 tuổi bị suy dinh dưỡng hay người trên 6 tuổi không có BHYT
- Giáo dục: Gia đình có trẻ dưới 16 tuổi không được tiếp thu nền giáo dục đúng với độ tuổi, người từ 16-30 tuổi không có bằng cấp, không được đào tạo tương ứng với tuổi
- Nơi ở: Gia đình sống trong ngôi nhà/ căn hộ không bền chắc hoặc diện tích bình quân đầu người dưới 8m2
- Nguồn nước/ vệ sinh: Gia đình không tiếp cận được nguồn nước sạch trong sinh hoạt, không sử dụng hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh
- Thông tin: Gia đình không có phương tiện tiếp cận thông tin, bao gồm tivi, smartphone, Internet…
- Việc làm: Gia đình có ít nhất một người không có việc làm; hoặc có việc làm công ăn lương nhưng không có hợp đồng lao động. Hộ gia đình có tỉ lệ người phụ thuộc trong tổng số nhân khẩu lớn hơn 50%. Người phụ thuộc bao gồm trẻ em dưới 16 tuổi, người cao tuổi hoặc người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng…
Về nguyên nhân đưa ra các tiêu chí trên, theo Bộ LĐ-TB&XH giải thích: Thực tiễn áp dụng chuẩn nghèo ở nước ta đã phân loại hộ nghèo thành hai nhóm: Hộ nghèo về thu nhập và hộ nghèo về thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Tuy nhiên, việc xác định hộ nghèo chỉ dựa trên tiêu chí duy nhất là thu nhập không phù hợp với phương pháp luận, bản chất nghèo đa chiều, chưa nhận diện đúng và làm rõ nguyên nhân nghèo.
“Hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp giảm nghèo chủ yếu tập trung hỗ trợ hộ nghèo về thu nhập dẫn đến sự bất bình đẳng về thụ hưởng chính sách giữa các nhóm hộ nghèo… nên việc quy định cụ thể ở trên hết sức cần thiết cho địa phương thực hiện”, đại diện Bộ này cho biết.
Từ Thức (t/h)