Trong 400 năm qua, các nhà sư Tây Tạng đã sử dụng chất liệu bơ để điêu khắc thành các tác phẩm tuyệt đẹp lấy cảm hứng từ những câu chuyện của Đức Phật và trưng bày trong Lễ hội Đèn lồng hàng năm.
Tuy nhiên, đòi hỏi cao về việc đầu tư thời gian và tâm sức để cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật tinh tế này đã dẫn đến việc thiếu hụt tu sĩ – nghệ nhân tài năng.
Nghệ thuật điêu khắc bơ được xuất sinh từ truyền thống Tây Tạng với mong muốn dâng lên Đức Phật những thứ tốt nhất mà họ nhận được từ vật nuôi của mình. Các bộ lạc du mục sở hữu những đàn cừu, đàn bò lớn xem mẻ bơ đầu tiên từ sữa bò là quý giá nhất và tặng cho các tu viện Phật giáo, nơi các nhà sư sẽ tạo hình những tác phẩm điêu khắc đầy sắc màu.
Truyền thống này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho đến ngày nay, hàng chục nhà sư Tây Tạng vẫn kiên trì trong nhiều tháng liền trên các tác phẩm đồ sộ để chuẩn bị cho ngày rằm tháng Giêng, lễ năm mới quan trọng của người Tây Tạng, vì đây là ngày đánh dấu chiến thắng của Đức Phật trước 6 vị thầy ngoại đạo đã thách thức ngài triển hiện phép lạ.
Khi trời nhá nhem tối, người dân sẽ đến tu viện lễ Phật và chiêm ngưỡng các tác phẩm điêu khắc bơ, tranh khắc trên tường và tranh thêu. Dưới ánh nến, các bức điêu khắc trở nên rực rỡ, bí ẩn và sống động lạ thường. Quan trọng hơn, các tác phẩm này còn nhắc nhở về những lời dạy của Đức Phật về một cuộc sống đức hạnh. Cuộc trưng bày luôn thu hút hàng triệu du khách Tây Tạng cũng như người nước ngoài đến tham quan.
Tuy nhiên, việc tạo nên những tác phẩm điêu khắc bơ này là 1 quá trình gian nan. Vì bơ tan chảy ở 0 độ C nên các tu sĩ phải thường xuyên làm việc trong căn phòng lạnh nhất của tu viện vào những ngày lạnh nhất trong năm với nhiệt độ -10 độ C.
Họ sử dụng các dụng cụ như xương rỗng để làm các sợi dài và khuôn mẫu để làm lá. Nhưng quan trọng nhất vẫn là đôi tay, do đó để không làm tan chảy tác phẩm trong khi tạo hình, các tu sĩ phải liên tục nhúng tay vào nước đá.
Mặc dù đây không phải là điều kiện làm việc lý tưởng cho một nghệ nhân, nhưng các tu sĩ lại rất vui khi phải chịu đựng cái lạnh vì họ tin rằng công việc của họ sẽ tạo ra các tác phẩm tuyệt vời chính là lời cầu nguyện cho hòa bình và hạnh phúc thành tâm nhất.
Với hơn 10 nhà sư, phải mất hơn 1 tháng để hoàn thành một tác phẩm lớn, trong thời gian đó họ phải làm việc từ lúc rạng đông cho đến khi tối muộn và chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn để ăn trưa.
Rất nhiều tu sĩ nghệ nhân đã ngã bệnh do điều kiện làm việc khắc nghiệt, và số nghệ sĩ có tài đang giảm thiểu tại các tu viện trên khắp Tây Tạng.
Vì ngày càng ít nhà sư tham gia vào hoạt động truyền thống này, nên các tác phẩm trong các năm gần đây ít có được sự đột phá, dẫu rằng chúng vẫn rất ấn tượng trong con mắt những người chưa qua đào tạo.
Tổng hợp