Tinh Hoa

Điều chế thành công vắc-xin chống HIV, chuẩn bị thử nghiệm trên người

Căn bệnh thế kỷ AIDS luôn là mối lo ngại lớn của nhân loại. Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, mới đây các nhà khoa học Mỹ đã bào chế thành công một loại vắc-xin mới có khả năng đẩy lùi căn bệnh đáng sợ này và đang chờ thử nghiệm trên cơ thể người.

Hình ảnh virus HIV qua kính hiển vi

Theo đó, các nhà khoa học tại Viện nhân chủng và Vi sinh Mỹ, dẫn đầu bởi Giáo sư Robert Gallo đã nghiên cứu thành công vắc-xin chống HIV – mở ra hi vọng mới trong việc điều trị bệnh AIDS. Được biết, vào năm 1984, người ta đã chứng minh rằng HIV chính là nguyên nhân gây ra bệnh AIDS – căn bệnh vô phương cứu chữa hiện nay.

Theo Business Insider, kết quả 15 năm nghiên cứu này sẽ bắt đầu được áp dụng trên người trong thời gian ngắn tới đây. “Thử nghiệm lịch sử” này sẽ thực hiện với nhiều giai đoạn khác nhau, giai đoạn 1 có 60 tình nguyện viên, chủ yếu kiểm tra tính an toàn và phản ứng của hệ miễn dịch với vắc-xin mới. Sau khi thành công, họ mới thực hiện tiếp giai đoạn 2.

Vắc-xin mới đang được chuẩn bị để thử nghiệm trên cơ thể người

Từ khi phát hiện bệnh AIDS, đã có tới hơn 100 loại vắc-xin khác nhau được tạo ra trong 30 năm. Tuy nhiên, tất cả đều mang nỗi thất vọng lớn. Nhưng vắc-xin mới được các chuyên gia đánh giá cao bởi nó thử nghiệm rất thành công trên khỉ – một “họ hàng xa” của loài người.

“Điểm yếu của vi-rút HIV chính là lớp màng bên ngoài của nó. Nơi đây có mặt của các phân tử glycoprotein khi nó gắn với tế bào lympho T của cơ thể con người. Khi lây nhiễm, nó sẽ liên kết với các thụ thể CD4 trên tế bào bạch cầu rồi tiếp tục chuyển tiếp để bám vào vào thụ thể thứ hai gọi là CCR5. Một khi nó bám vào được các thụ thể này của tế bào lympho T, nó có thể lây nhiễm sang các tế bào miễn dịch. Nhiệm vụ của vắc-xin mới là ngăn chặn điều này”, Giáo sư Robert Gallo cho biết.

Cũng theo Giáo sư Robert Gallo, nguyên mẫu vắc-xin mới có tên là eCD4-Ig. CD4 là “hàng phòng thủ” của các tế bào miễn dịch và eCD4-Ig có nhiệm vụ đánh lừa vi-rút HIV, không cho nó “neo đậu” trên đó. Được biết, vi-rút HIV chỉ có thể có cơ hội bám được 1 lần vào CD4 và nếu quay lại, nó sẽ bị ngăn cản bởi “khiên chắn” của vắc-xin mới.

Vắc-xin mới mở ra hy vọng cho nhân loại

Giáo sư và các cộng sự đã có 40 tuần để thử nghiệm vắc-xin mới trên những con khỉ bị HIV. Nhóm đã tiến hành tiêm HIV cho khỉ và sau đó là đưa eCD4-lg vào. Kết quả cho thấy, những con được chủng ngừa bằng eCD4-Ig vẫn sống sót ngay cả sau 4 lần được tiêm HIV liều cao. Đặc biệt, những con khỉ đuôi ngắn có thể khỏe mạnh sau 8 và 16 lần tiêm HIV.

“HIV và AIDS hiện nay đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Vi-rút HIV khi xâm nhập vào cơ thể sẽ phá hủy các tế bào miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm các bệnh thông thường chúng ta vẫn đề kháng. Với việc thử nghiệm thành công trên khỉ, chúng tôi cũng mong muốn nó thành công trên người. Được vậy, xem như nền y học của nhân loại có một bước đi lịch sử”, Giáo sư Robert Gallo nhấn mạnh.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới hiện có khoảng 33 triệu người có HIV, một nửa trong số đó ở độ tuổi từ 15-24.

Cho đến nay, thế giới đã ghi nhận 25 triệu ca tử vong vì các căn bệnh có liên quan đến bệnh này và trung bình hàng năm, số người bị HIV lại tăng thêm 2,7 triệu người.

Trước đây, đã có các loại thuốc kháng retrovirus (ARV) được phát minh vào giữa những năm 1990 có thể điều trị việc nhiễm trùng, nhưng không thể chữa được bệnh AIDS hay phòng ngừa được việc nhiễm vi-rút HIV.

Theo SKCĐ