Vừa qua, tại Đại hội cổ đông bất thường của Công ty Cổ phần Diêm Thống Nhất, HĐQT đã quyết định “khai tử” sản phẩm diêm que từ năm 2020 với 98,32% phiếu bầu. Đồng thời, công ty cũng hủy giao dịch trên sàn chứng khoán UPCoM và rút cổ phiếu DTN khỏi thị trường.
Trao đổi với phóng viên, Ban lãnh đạo Diêm Thống Nhất cho biết, so với cách đây gần thập kỷ với mức tiêu thụ hơn 180 triệu bao diêm, sản lượng diêm hộp của Diêm Thống Nhất năm 2018 chỉ còn chưa tới 100 triệu bao, giảm hơn 45%. Sản lượng que diêm xuất khẩu năm 2018 giảm 20% so với năm 2017 và chỉ đạt 112 tấn.
Ngoài khó khăn về thị trường tiêu thụ, nguyên vật liệu đầu vào sử dụng trong sản xuất sản phẩm diêm của công ty chủ yếu là gỗ (chiếm tới gần 50% đối với diêm); giấy (khoảng 70% đối với bao bì) và các hóa chất, phụ liệu khác như mực in; dung môi, photpho, tinh bột biến tính; kaliclorat (lượng này chiếm 50% thuốc trên đầu que diêm…), tuy giá vật tư nguyên liệu ổn định hơn những năm trước nhưng việc thu mua gỗ rất khó khăn và nguồn cung ngày càng hạn chế, giá cao.
“Diêm là sản phẩm tiêu dùng thông thường nhưng tính thương mại kém, giá trị thấp và có nhiều sản phẩm thay thế. Sự sụt giảm trong tiêu thụ là hệ quả tất yếu khi diêm đang bị thay thế bằng sản phẩm bật lửa các loại”, một lãnh đạo cho hay.
Bên cạnh sản xuất, kinh doanh diêm, Công ty còn sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy vào bìa; sản xuất kinh doanh giấy, bao bì carton sang; sản xuất, bán buôn, bán lẻ bật lửa; in ấn và các dịch vụ liên quan đến in; xuất nhập khẩu trực tiếp và cả kinh doanh bất động sản.
Sau khi sản phẩm diêm đi xuống, Diêm Thống Nhất đã chuyển hướng sang sản xuất bật lửa Thống Nhất và phân phối dòng bật lửa Thống Nhất – Cricket nhập khẩu từ Malaysia, sản phẩm này chủ yếu tiêu thụ qua các hợp đồng quảng cáo với số lượng lớn. Lượng bán phục vụ người tiêu dùng còn thấp do giá cao không hấp dẫn như các dòng bật lửa nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc…
Tuy nhiên, việc sản xuất và phân phối bật lửa càng khiến các sản phẩm diêm do chính Thống Nhất sản xuất gặp khó khăn hơn. Điều này dẫn tới quyết định dừng sản xuất sản phẩm diêm từ năm 2020. Qua đó, Diêm Thống Nhất chính thức khai tử sản phẩm diêm que sau 63 năm.
Ra đời năm 1956, Nhà máy Diêm Thống Nhất là nhà máy đầu tiên được xây dựng tại Miền Bắc. Năm 1993, nhà máy chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp với tên gọi Công ty Diêm Thống Nhất. Đến tháng 1/2002, công ty Diêm Thống Nhất chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần theo Quyết định số 1130/QĐ-TTg ngày 27/8/2001 của Thủ Tướng Chính phủ với tên gọi Công ty cổ phần Diêm Thống nhất. Năm 2011, công ty tăng vốn điều lệ từ 15,719 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng, sau đó hai năm, năm 2014 tăng lên 22 tỷ đồng.
Được biết, với tình hình hiện tại, để giải quyết nhu cầu về vốn, công ty sẽ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Cụ thể, công ty dự kiến phát hành 2.8 triệu cp với giá 10.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu và cán bộ quản lí của công ty. Mỗi cổ đông sở hữu 1 cp sẽ được mua 1 cp phát hành thêm. Ước tính số tiền thu được nếu chào bán thành công là 28 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, công ty sẽ sử dụng quỹ dự phòng tài chính (nay là quỹ đầu tư phát triển) để bù đắp tổn thất trong kinh doanh và hỗ trợ người lao động bị mất việc làm do sắp xếp lại sản xuất.
Tính đến ngày 31/12/2018, quỹ đầu tư phát triển của công ty còn 5.4 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế còn 86 triệu đồng.
Từ Nguyên (t/h)