Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có thông báo về việc ‘dịch tả lợn Châu Phi’ tái bùng phát tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước khiến gần 4.000 con heo phải tiêu hủy để phòng dịch.
Ngày 26/5, Bộ NN&PTNT có văn bản gửi 20 tỉnh, thành phố bị tái phát dịch tả lợn Châu Phi, yêu cầu các tỉnh thành này có biện pháp thiết thực, tăng cường kiểm soát dịch bệnh, tránh để lây lan trên diện rộng.
Các tỉnh trên gồm: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu và Hà Nội.
Theo Bộ Nông nghiệp, hiện dịch tả lợn châu Phi đã tái phát tại 155 xã của các địa phương trên, buộc Bộ phải tiêu hủy gần 4.000 con heo.
Chỉ riêng Cao Bằng tính đến ngày 24/6, toàn tỉnh đã có 138 hộ chăn nuôi tại 9/10 huyện, thành phố trong tỉnh tái phát dịch tả lợn châu Phi. Sở NN&PTNT cho biết số lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy là 600 con, tổng trọng lượng trên 25 tấn.
Nguyên nhân dịch tả heo Châu Phi tái phát được Sở Nông Nghiệp xác định là do người dân lén lút giết mổ, mang lợn đi tiêu thụ và việc vận chuyển lợn hơi, thịt lợn từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh không được kiểm soát tốt, mang theo mầm bệnh. Một nguyên nhân khác là do người dân chưa thực hiện triệt để các biện pháp khử trùng tiêu độc.
Chi hơn 13.200 tỷ đồng vì dịch tả lợn châu Phi
Theo Bộ NN&PTNT, dịch tả lợn châu Phi là bệnh rất nguy hiểm ở lợn, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vaccine phòng bệnh; diễn biến dịch bệnh ở các nước trong khu vực đang rất phức tạp; nguy cơ tái phát dịch trên cả nước là rất cao.
Tính đến hết tháng 5/2020, kinh phí từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và kinh phí được các ngân hàng, tổ chức tín dụng hỗ trợ việc phòng dịch tả lợn châu Phi đã lên tới 13.248 tỷ đồng.
Trong đó, tổng số tiền ngân sách phải chi để phòng dịch là trên 12.000 tỷ đồng, bằng khoảng 98% nhu cầu kinh phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, kinh phí tiêu hủy lợn mắc bệnh,…
Hiện nay Trung ương còn 2.100 tỷ đồng ngân sách để hỗ trợ người dân phòng dịch tả lợn châu Phi. Nếu được duyệt, người chăn nuôi sẽ được hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn con, lợn thịt các loại; và hỗ trợ 35.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn nái, lợn đực.
Đối với doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa, có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ hỗ trợ 10.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn con, lợn thịt các loại; hỗ trợ 12.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn nái, lợn đực. Mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tối đa không quá 30% số lỗ do dịch bệnh.
Vũ Tuấn (t/h)