Người dân cần tích cực hợp tác với cơ quan chức năng và ngành y tế địa phương, thực hiện khai báo y tế đầy đủ, trường hợp phát hiện người nhập cảnh trái phép phải lập tức báo với cơ quan chức năng.
Báo Doanh nghiệp và Tiếp thị đưa tin, theo số liệu thống kê, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn vô cùng phức tạp, các quốc gia Đông Nam Á, cũng không phải ngoại lệ, đặc biệt số ca mới mắc Covid-19 tại Campuchia đang liên tục tăng nhanh.
Theo thông tin trên trang worldometers, trong ngày 8/4, Campuchia đã ghi nhận 113 ca mới mắc Covid-19, trước đó vào ngày 7/4, nước này cũng đã ghi nhận thêm 91 ca. Ngay trong đêm 7/4, Campuchia đã phát hiện 50 công nhân thuộc một nhà máy may ở Phnom Penh (công ty có quy mô 2.562 công nhân) bị nhiễm Covid-19 và khoảng 50 ca dương tính với SAR-CoV-2 tại chợ thực phẩm lớn nhất Phnom Penh.
Trước tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh, Chính phủ Campuchia đã ra lệnh cấm đi lại giữa các tỉnh trong 14 ngày, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/4. Nhiều khả năng Campuchia có thể sẽ trở thành nước đầu tiên trên thế giới bắt buộc người dân tiêm vaccine chống Covid-19.
Theo nhận định của các chuyên gia y tế, nếu Việt Nam không có biện pháp ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả thì nguy cơ bùng phát một đợt dịch mới sẽ rất cao..
Cụ thể, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết, nếu Việt Nam không quản lý tốt được khâu nhập cảnh thì hoàn toàn có nguy cơ dịch từ nước láng giềng lây lan sang Việt Nam.
Do đường biên giới của Việt Nam với Campuchia kéo dài, đi lại dễ dàng cho nên việc kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn, nguồn nhập cư bất hợp pháp hiện đang là mối nguy nhất.
Theo bác sĩ Trường Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), dịch Covid-19 cho biết: “Việc kiểm soát dịch bệnh lần này của Việt Nam sẽ khó hơn rất nhiều do ảnh hưởng của 3 yếu tố: Đường biên giới gồm cả đường bộ và đường biển; Đi lại thuận tiện, dễ dàng; Dân số các vùng giáp ranh biên giới có mật độ dày”.
Ngoài ra, bác sĩ Khanh còn cho rằng việc giao thương đi lại giữa 2 nước cũng rất lớn, nhiều người Việt Nam sang Campuchia sinh sống, làm ăn. Thực tế, những trường hợp Campuchia về Việt Nam gồm cả nhập cảnh trái phép (đã quản lý được) và nhập cảnh hợp pháp được cách ly y tế tỷ lệ mắc bệnh đã lên tới 20-30%.
Hiện Bộ Y tế cùng các ban ngành liên quan đã tăng cường các biện pháp quản lý cửa khẩu, tăng cường giám sát để tránh xảy ra tình trạng nhập cư trên bộ và trên biển để có thể kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Nhà nước cũng kêu gọi người dân cần tích cực hợp tác với cơ quan chức năng và ngành y tế địa phương, thực hiện khai báo y tế đầy đủ, trường hợp phát hiện người nhập cảnh trái phép phải lập tức báo với cơ quan chức năng.
Yên Yên (t/h)