Lực lượng y tá tại Italy đã có những giây phút kinh hoàng, làm việc kiệt sức đến nỗi ngủ gục trên bàn, mặt in hằn vết bầm tím do liên tục phải đeo khẩu trang và kính bảo hộ trong công cuộc chiến đấu với bệnh dịch COVID-19 tại quốc gia này.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các bệnh viện tại quốc gia này đang trong tình trạng quá tải vì số lượng bệnh nhân đến khám. Một y tá tên Alessia Bonari tại thành phố Milan đã đăng tải tấm hình chụp gương mặt in hằn những vết bầm tím của cô sau khi phải đeo khẩu trang phòng hộ nhiều giờ liên tục.
Khi kể lại tình hình diễn ra tại bệnh viện, cô tiết lộ một khi các bác sỹ đã mặc trang phục bảo hộ vào rồi thì sẽ không thể uống nước hay đi vệ sinh trong suốt 6 giờ. Bonari cũng chia sẻ rằng, cô rất sợ mình sẽ bị lây nhiễm chủng virus trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.
“Tôi cũng đang rất lo sợ, nhưng không phải lo sợ khi đi mua sắm mà lo sợ khi phải đi đến chỗ làm. Tôi lo sợ rằng chiếc khẩu trang khả năng không ôm sát được mặt hoặc có thể tôi sẽ vô tình đưa chiếc găng tay dính đầy virus lên mặt. Hay chiếc kính bảo hộ có thể sẽ không che kín được hết vùng mắt khiến cho giọt bắn bị lọt vào trong.
Cơ thể tôi mệt rã rời vì phải mặc trang phục và đồ bảo hộ, quần áo bảo hộ rất nóng khiến tôi chảy mồ hôi liên tục và một khi đã mặc chúng vào thì tôi sẽ không được uống nước hay đi vệ sinh trong suốt 6 giờ. Tôi còn thấy cạn kiệt về mặt tinh thần, các đồng nghiệp của tôi cũng đều có chung cảm giác như này do họ cũng phải túc trực trong hoàn cảnh giống tôi suốt nhiều tuần.”
Nữ y tá cũng kêu gọi mọi người cần tuân thủ những quy định cách ly được chính phủ thông báo vào thứ Hai vừa qua (9/3), sau khi lệnh phong tỏa cả nước lần đầu tiên được ban hành vì những diễn biến ngày một nghiêm trọng của COVID-19.
“Tôi sẽ tiếp tục điều trị, chăm sóc cho các bệnh nhân, bởi tôi cảm thấy tự hào và trân trọng công việc mình đang làm. Điều mà tôi muốn gửi đến cho những ai đang đọc bài viết này chính là đừng nên đạp đổ những nỗ lực mà chính quyền và lực lượng y tế đang làm, hãy đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích bản thân, hạn chế đi ra ngoài và bảo vệ những người có nguy cơ bị lây nhiễm nhất trong gia đình.
Những người trẻ tuổi như chúng ta vẫn không hề miễn dịch với chủng virus này, chúng ta vẫn hoàn toàn có nguy cơ bị lây nhiễm và phát bệnh. Hiện giờ tôi còn không thể trở về ngôi nhà hiện đã bị cách li của mình. Tôi đang phải ngày đêm túc trực tại bệnh viện và hoàn thành công việc được giao. Chính vì thế, tôi xin mọi người cũng hãy làm tốt những nghĩa vụ của mình”.
Trong một bối cảnh khác, một y tá tên Elena Pagliarini đã kiệt sức đến mức ngủ gục trên bàn làm việc trong khi vẫn đeo khẩu trang và mặc trang phục bảo hộ tại một bệnh viện ở thành phố Cremona. Sau đó hình ảnh của cô đã được một đồng nghiệp chụp lại và chia sẻ lên mạng xã hội:
“Chúng tôi bắt đầu ca trực từ 8 giờ tối và làm việc liên tục trong suốt hơn 10 tiếng đồng hồ. Tôi nhìn thấy Elena gục ngủ trong 5 phút sau khi cô ấy phải chạy từ bệnh nhân này tới bệnh nhân khác, rồi lại chạy qua điều trị cho một bệnh nhân đang bị sốt và suy hô hấp. Chúng tôi đều bị suy kiệt cả về thể xác lẫn tinh thần”, người đồng nghiệp chia sẻ.
Thực tế lực lượng y tế trong các bệnh viện tại Italy hiện nay đều phải hoạt động với “200% công suất”, hàng loạt các phòng mổ đều nhanh chóng bị chuyển thành khu vực điều trị tích cực. Các bác sĩ buộc phải đưa ra những quyết định mang tính sống còn về việc ai sẽ được nhận vào đơn vị điều trị tích cực trong bối cảnh một loạt các trường hợp lây nhiễm đến khám.
Một bác sỹ từ phía bắc Italy chia sẻ những bệnh nhân không bị nhiễm COVID-19 sẽ được chuyển đến cho những bác sĩ thực tập điều trị. Những bác sĩ thực tập này phải thực hiện một số tác vụ chuyên môn dù họ chưa được cấp bằng chứng nhận. Trong khi đó, một số bệnh nhân lây nhiễm từ 65 tuổi trở lên sẽ không được tiếp nhận để ưu tiên cho những người trẻ vì tỉ lệ phục hồi của họ cao hơn. Vị bác sĩ này cũng đưa ra những cảnh báo cho chính quyền Anh, nói rằng họ sẽ đi vào vết xe đổ của Italy nếu ‘không chú trọng vào vấn đề này’.
Lời cảnh báo này sau đó đã được một bác sĩ khác lên tiếng và khuyến cáo người dân cần đề phòng hơn với dịch bệnh. Mặc dù chính quyền thường đưa ra các thông báo đại loại như “những gì nguy hiểm đang diễn ra sẽ không xảy đến với mọi người đâu”, nhưng tình hình thực tế có khi còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Các chuyên gia cũng cho biết dịch bệnh COVID-19 đã bùng phát tại Anh 2 tuần sau khi bùng phát tại Italy. Điều này đồng nghĩa rằng Anh có khả năng sẽ rơi vào tình trạng tương tự trong vòng 2 tuần tới.
Được biết, theo một báo cáo mới nhất, Italy hiện đã có 10.149 ca lây nhiễm COVID-19 và 631 người tử vong. Chỉ riêng thứ Ba vừa qua, quốc gia này xác nhận có thêm 168 ca tử vong mới, tăng 36%, là con số lớn nhất được xác nhận kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại Italy vào ngày 21/2. Số lượng bệnh nhân cần điều trị tích cực cũng đã tăng thêm 144 ca lên tổng số 877 ca toàn quốc.
Thanh Thiên (Theo Daily Mail)