Tinh Hoa

Đi chợ ‘lạ’ Biên Hòa

(PLO) – Nói là chợ “lạ” vì “chợ” không bán đại trà những mặc hàng thông thường như ở các chợ truyền thống. Người ta tìm đến các “chợ” này chủ yếu để “săn” hàng độc – lạ – hiếm nhưng mua với mức giá rất “bình dân”.

Xôm tụ ở chợ “chà đồ nhôm”

Cái “chợ trời” chồm hổm tự phát hàng chục năm nay bên vỉa hè dọc từ con đường Hưng Đạo Vương kéo dài qua đường Phan Đình Phùng (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Khu vực này còn có tên gọi dễ nhớ là Dốc Sỏi, toàn bán những thứ “hằm bà lằng” bày biện la liệt dưới nền đường. Người lớn tuổi có thể bắt gặp và nhận ra sự quen thuộc các vật dụng ở thời xa xưa, thời bao cấp như: một chiếc gương tròn khung nhôm nhưng đã méo mó, chiếc lược ngà gãy rụng mấy hàng răng cưa, hộp băng cát sét giọng ca Hùng Cường – Mai Lệ Huyền, radio nghe bằng cục pin con Ó, chiếc vòng đeo tay đá long não lên nước óng ánh. Rồi hạt loạt nút áo, cây kim gúc, dây đeo cổ, cái muỗng inox US, thẻ bài inox sáng choang của lính Mỹ sót lại… Thậm chí cũng có bán mấy quyển sách, truyện tranh giấy ố váng, bìa rách tơi bời xuất bản ở thế kỷ trước.

Ông Tư Kiệt (69 tuổi), người chuyên bán đồ cũ ở chợ “chà đồ nhôm”, dù tiền thu lời kiếm được không đủ trang trải cho cuộc sống nhưng ông đeo bám riết tại “chợ” này suốt chục năm để mưu sinh

Những vật dụng mà đối với người giàu đó là đồ dư thừa, vứt đi để trống trải nhà cửa nhưng đối với người nghèo thì hàng “secondhand” có thể tận dụng xài đỡ, mà được mua lại với mức giá rẻ bèo. Người bán, người mua vô tư, thân thiện, không hề nói thách hay trả giá. Có người đem đến “ký gởi” bán giùm những “cổ vật” hay “kỷ vật” mà mình cảm thấy không còn xài tới, nhưng người khác có thể cần.

Người ta nói đồ cũ bán ở đây là hàng…”chà đồ nhôm” tức là “chôm đồ nhà” đem ra bán cho người có nhu cầu ham rẻ. Tuy vậy, khách ghé vô đây xớn xác cầm mặt hàng lên săm soi rồi buộc miệng hỏi xuất xứ có phải là “đồ chôm” hay không thì rất dễ bị… chửi té tát. Bởi vậy, có người ra chợ nhìn biết là đồ nhà mình đang rao bán mà cũng không dám nhận bừa, chỉ còn cách “méo mặt” móc túi “chuộc” lại. Hàng secondhand bày bán ở đây nhiều nhất là điện thoại di động đủ dòng, đủ hiệu, đủ loại mà gọi chung là “điện thoại siđa”. Chỉ cần bỏ ra từ 200 đến 350 ngàn đồng là có thể “tậu” cái Iphone nhìn còn “mướt” lắm. Mua điện thoại “siđa” ở đây thì không có chuyện bảo hành hay đổi trả. Khách mua và cầm điện thoại vừa bước ra, mà đổi ý không mua trả lại thì người bán “thu” lại với mức giá còn 50% giá trị thực tế ban đầu.

Chợ “chà đồ nhôm” góc đường Dốc Sỏi (Biên Hòa) bày bán đủ thứ đồ cũ, hàng secondhand nhưng nhiều nhất vẫn là “điện thoại siđa”

Ông Võ Tấn Kiệt (Tư Kiệt), 69 tuổi, nhà ở phường Quyết Thắng (TP. Biên Hòa) là người đầu tiên chọn góc ngã ba dốc Sỏi, bên hông nhà thờ Tin Lành Biên Hòa mở bán đồ cũ. Ông Tư Kiệt cho biết thêm “chợ” xôm tụ từ lúc 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa là tan. Tiền thu lời kiếm được chỉ khoảng 50.000 đồng, không đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày, thế mà ông Tư vẫn chịu khó gắn bó với cái “nghề” bán đồ cũ, đeo bám riết tại chợ này để kiếm sống.

Nhẹ nhàng chợ bán hoa “lan rừng”

Bên vỉa hè trước trụ sở chi nhánh một ngân hàng (đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Phong), dân địa phương quen gọi ngã tư cổng 1 – A42 đã từ lâu “mọc” lên cái chợ bán hoa lan rừng. Dân chơi lan đến “chợ” lùng sục tìm mua các chậu lan, nhánh lan rừng đẹp có những cái tên gọi rất “lạ” và “độc” như: Lan tổ yến, hoàng thảo móng rùa, kiến cò, đuôi phượng…

Chợ “lan rừng” vỉa hè cổng 1-42 (Biên Hòa) bày bán nhiều chủng loại lan rừng

Ông Trần Văn Hùng, người lái xe ôm ngay góc ngã tư cổng 1, cho biết “chợ” lan này xuất hiện từ khoảng năm 2000. Ban đầu chỉ là nhóm người dân tộc S’tiêng, họ mang cả bao chứa lan rừng hái được ở vùng rừng biên giới Lộc Ninh (Bình Phước) đón xe đò xuống Biên Hòa bày ra nền đường bán dạo cho người ở thành phố. Nhưng mấy năm trở lại đây, họ không thường xuyên mang lan rừng chính gốc bán nữa mà chỉ cận tết nguyên đán mới thấy.

Ông Hùng cũng tiết lộ, thực ra bây giờ ra chợ lan này rất hiếm tìm thấy lan rừng đúng nghĩa, đa số là các giống lan được lai ghép từ các vựa ở tỉnh Bình Dương hay huyện Trảng Bom, huyện Long Khánh (Đồng Nai). Người ta mua lan sỉ bán lẻ lại để kiếm lời. Tùy theo từng loại lan mà giá giò lan dao dộng từ 60.000-100.000 đồng hoặc chỉ cần bỏ ra từ 20.000-30.000 đồng, người đi đường có thể sở hữu được một nhánh lan. Có khi người ta đến đây chỉ để ngồi ngắm lan suốt hoặc trao đổi kinh nghiệm chơi lan và đứng bình luận râm ran mấy giò lan đẹp và lạ.

Người đi đường ghé chợ “lan rừng” xem, ngắm nghía và chọn cho mình giò lan muôn sắc màu ưng ý.

Thỉnh thoảng người bán lẫn người mua phải xách giỏ lan co giò chạy có cờ bởi sự xuất hiện của lực lượng trật tự công an phường Tân Phong (TP. Biên Hòa) vì cấm buôn bán lấn chiếm vỉa hè lòng lề đường. Mặc dù ở TP.Biên Hòa cũng có nhiều cửa hàng bán phong lan, hoa kiểng lớn nhưng thói quen mua “lan rừng” vỉa hè của người dân vẫn không thay đổi. Cho nên suốt 16 năm nay, ngay góc đường đẹp nhất của trung tâm TP.Biên Hòa cứ tồn tại cái “chợ” hoa lan muôn sắc màu nhộn nhịp nhưng nhẹ nhàng cả buổi sáng.

Ồn ào chợ “chim rừng xuống phố”

Chơi chim cảnh đã và đang trở thành “mốt” thú vui tao nhã thu hút nhiều người thị dân. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều người đã chọn nghề săn bắt và bán chim rừng để mưu sinh. Bởi vậy, dọc hai bên vỉa hè tuyến đường Đồng Khởi (P. Tân Hiệp, TP.Biên Hòa), đoạn từ ngã tư chợ tạm Tân Hiệp đến vòng xoay Tân Phong tồn tại 1 khu chợ chim. Tại đây có đủ các loại chim như: chào mào, chích chòe, họa mi, sáo đá, se sẻ, vành khuyên, két… tha hồ cho khách lựa chọn ưng mắt. Đặc biệt, có người còn mang đến các loại chim lạ ở miền xa như: chim đầu rùi A Lưới (Huế), chim trích cồ rừng U Minh (Cà Mau)…

Chợ “chim rừng” đường Đồng Khởi (Biên Hòa) luôn hút khách bởi hàng trăm tiếng chim hót véo von, rộn ràng cả góc phố.

Mức giá bán cũng phân biệt từng loại chim, chim “sang” như: chích chòe, sáo, chào mào… có giá từ 100.000-200.000 đồng/con; chim bình thường như vành khuyên, se sẻ cũng giá từ 20.000-40.000/con. Riêng mấy loài chim lạ thì, người bán thường “hét” mức giá từ 500.000-1 triệu đồng/1 con, cũng vì ham của lạ và độc dân chơi chim không ngần ngại móc hầu bao ra mua đem về nhà.

“Để có những loại chim rừng lạ, đẹp và quý hiếm, tụi tôi phải lên tận rừng sâu, núi cao giăng bẫy, vất vả lắm chứ mới bắt được không đơn giản đâu” – anh Hồng, người bán chim lâu nay tại chợ chim bày tỏ.

Bên cạnh đó nhằm phục vụ nhu cầu cho dân chơi chim thì cũng trên tuyến đường này, xuất hiện nhiều cửa hàng kinh doanh các loại đồ dùng cho việc nuôi chim như lồng và thức ăn tươi cho chim như châu chấu, dế, trứng kiến… làm ăn cũng khắm khá.

Người bán chim mang đến “chợ” chim giống chim “lạ”, hiếm và thường “hét” mức giá rất cao.

Chợ chim hoạt động huyên náo và ồn ào nhất là vào buổi sáng cuối tuần. Tranh thủ những ngày nghĩ cuối tuần, người ta đến tìm xem, lựa chọn, chỉ trỏ và mua những loại chim ưng ý nhất. “Thay vì đến quán cà-phê tán gẫu với bạn bè, lâu nay tôi lại thích ra đây để xem đủ loại chim và đứng nghe tiếng chim hót để thả hồn mình vào không gian thiên nhiên rất thú vị”, anh Thế Bảo (nhân viên ngân hàng) chia sẻ.

Chim rừng xuống phố mang theo niềm vui và kế sinh nhai cho nhiều người. Thế nhưng, vấn đề đáng quan tâm là việc săn bắt chim rừng vô tội vạ với số lượng lớn có thể dẫn đến sự mất cân bằng sinh thái và tận diệt của nhiều loài chim quý hiếm trong tự nhiên.

TRƯỜNG TRÍ

Theo Pháp Luật TP.HCM