Các nhà khảo cổ học Trung Quốc hiện đã xác nhận sự tồn tại của kinh đô cổ xưa liên quan đến Nghiêu đế huyền thoại cách đây 4.200 năm, ông được xem là vị vua đã mang lại hòa bình và “soi sáng nhân loại”. Ban đầu người ta chỉ coi ông là một nhân vật thần thoại, nhưng sự thật nay đã khác.
Di chỉ khảo cổ Đào Tự, Sơn Tây, Trung Quốc đã được xác nhận nơi đây từng là kinh đô cổ xưa, với tên gọi là Bình Dương.
“Nhóm các nhà khảo cổ học đã thống nhất ý kiến cho rằng Đào Tự là một kinh đô trong thời kỳ trị vì của vua Nghiêu”, Wang Wei, Giám đốc Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết. Các cuộc khai quật đã được bắt đầu từ năm 1978.
Ông He Nu, một học giả thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết: “Theo một số tư liệu lịch sử Đào Tự chính là Bình Dương, kinh đô của triều nhà Nghiêu…Thời đại vua Nghiêu và hậu duệ là Thuấn và Vũ không phải huyền thoại. Họ thật sự tồn tại trong lịch sử”.
Điện thờ và lăng vua Nghiêu cũng ở Đào Tự, còn có tên khác là Bình Dương, nay là thành phố Lâm Phần.
Sự cai trị của vua Nghiêu thuần thiện đến nỗi thiên nhiên khắp nơi đều tỏa sáng chói lọi. Khổng Tử rất xem trọng Nghiêu đế, và cho rằng ông là người đạo đức, công bình và rộng lượng. Trang Britannica.com viết:
“Truyền thuyết kể lại rằng sau 70 năm cai trị của vua Nghiêu, Mặt trời và Mặt trăng sáng rực rỡ như đồ trang sức, năm hành tinh sáng lên như ngọc trai xâu thành chuỗi, phượng hoàng làm tổ trong sân cung điện, suối pha lê chảy ra từ những ngọn đồi, cỏ ngọc bao phủ các vùng nông thôn, vụ mùa hết sức bội thu, hai con kỳ lân (điềm báo của sự thịnh vượng) xuất hiện tại kinh đô Bình Dương, và lịch hạt kỳ diệu xuất hiện, cho mỗi ngày một hạt đậu trong nửa tháng trước khi 15 hạt héo từng cái một trong những ngày kế tiếp”.
Cái tên của vua Nghiêu cũng thường gắn liền với người kế nhiệm ông là vua Thuấn, một người nông dân do chính vua Nghiêu chọn để nhường lại ngai vàng thay vì trao cho con trai, vì Thuấn xứng đáng hơn. Vua Nghiêu cũng gả hai con gái của mình cho Thuấn.
Cả Nghiêu và Thuấn đều được ca tụng trong lịch sử như những vị vua cai trị nhân từ, song song đó các hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ cũng được cho là phát sinh cũng từ những chuẩn mực đạo đức của vua Thuấn.
Các blogger và các nhà sử học nghiệp dư xem bảy vị anh hùng của Trung Hoa cổ đại gồm: Nghiêu, Thuấn và người kế nhiệm Hạ Vũ. Hai anh hùng trước đó là Phục Hy, người đã dạy dân Trung Quốc thuần hóa động vật và tạo ra bát quái trong cuốn Kinh Dịch; và Thần Nông, người phát minh ra cày cuốc và nông nghiệp cho nông dân.
Ngoài ra còn có một vị khác cũng có đạo đức cao thượng trước thời Nghiêu, Thuấn và Hạ Vũ, đó là Hoàng Đế (hiểu nôm na “Hoàng Đế” là “Vua Vàng”, khác với hoàng 皇 trong hoàng đế 皇帝 là danh xưng của các vua Trung Quốc kể từ thời nhà Tần). Biên Niên Sử nhận xét Hoàng Đế “được xem là vị vua đầu tiên và thủy tổ của người Trung Quốc”. Trung Quốc thời điểm đó đang chìm trong hỗn loạn cho tới khi Hoàng Đế dẫn dắt một đội quân và chinh phục các lãnh chúa nhỏ, sau đó bình định khu vực sông Hoàng Hà. Theo truyền thuyết, ông đã sáng tạo ra văn bản, thuyền, xe, cung tên, đồ gốm, và vợ ông đã phát minh ra lụa.
“Người kế vị Hoàng Đế là Chuyên Húc, là người đã đặt định ra cấu trúc gia đình với người đàn ông làm trụ cột, cấm hôn nhân cận huyết, và truyền lại ngôi vị cho Nghiêu”, Cuốn Biên Niên sử nhận định.
Các nhà sử học cổ đại Trung Quốc cho biết, vua Nghiêu sống ở Hà Bắc nhưng sau đó đã đi về phía Nam và thành lập Bình Dương hay còn gọi là Đào Tự làm kinh đô.
Theo Tân Hoa Xã, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc cho biết, các cuộc khai quật gần đây cho thấy thành phố Đào Tự có diện tích khoảng 2,8 triệu mét vuông và có mốc ranh giới.
Blog Khảo Cổ Học Trung Quốc cho biết tại Đào Tự, các nhà khảo cổ học đã khai quật được một cung điện, một đài quan sát thiên văn, chỗ ở của giới thượng lưu và thường dân, cùng một nghĩa trang quý tộc. Những khám phá này đã truyền cảm hứng và khiến các học giả đặt tên nó là Văn Hóa Đào Tự, có niên đại từ 4.300 đến 3.900 TCN. Những hiện vật tuyệt vời đã được tìm thấy, trong đó có một đĩa gốm trang trí một con rồng xanh, trống gốm, trống da cá sấu, rìu ngọc bích và đá, đồ nghi lễ bằng gỗ và khánh đá.
Thanh Phong, dịch từ Ancient Origins