Người biểu tình bị bắt, sẽ bị buộc tội?

Có thông tin nói, mặc dù người biểu tình tự nguyện rời khỏi trường theo lời kêu gọi của cảnh sát, nhưng vẫn bị bắt vì liên quan đến “tội tham gia bạo động”.

Về việc này, ông Hứa Trí Sùng (Hui Chi-fung), nghị viên Hội đồng Lập pháp kêu gọi người biểu tình, dù dùng phương thức nào để rời khỏi trường, trong bất cứ tình huống nào thì cũng mong không biểu đạt “đầu hàng” hoặc “tự thú” với bất cứ ai, bởi vì làm thế có khả năng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi trước pháp luật về sau này. Có người có kinh nghiệm về trinh sát hình sự tiết lộ, người bị bắt khi tự nguyện rời khỏi trường sẽ được ghi vào hồ sơ, một khi bị buộc tội, việc tự nguyện rời trường có thể là lý do được xin giảm nhẹ hình phạt.

Theo tờ Headline Daily đưa tin, ông Trương Đạt Minh (Eric Cheung), giảng viên Học viện Luật thuộc Đại học Hồng Kông kêu gọi, tất cả những người bên trong Đại học Bách khoa Hồng Kông bị bắt trong hòa bình, đừng làm vật hy sinh một cách vô vị. Ông Trương nói, tin rằng có nhiều người vì nhiều nguyên nhân hợp lý hợp pháp khác nhau mà đi vào và ở bên trong phạm vi Đại học Bách khoa Hồng Kông, ví dụ như cứu trợ người bị thương, biểu tình hòa bình và bảo vệ trường không bị cảnh sát xâm phạm, v.v, không thể cáo buộc tất cả họ đều là tham gia vào bạo động.

Ông cho rằng, nếu họ đồng ý rời trường một cách trật tự và hòa bình, hoặc tập trung hòa bình bên trong trường và hát lớn “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng”, dù cuối cùng có bị cảnh sát bắt giữ, cũng không có nghĩa là cảnh sát có đầy đủ chứng cứ để sau này cáo buộc họ tội bạo động hoặc tội danh khác.