Vừa qua, Cộng đồng chung châu Âu đã cấp phép lưu hành cho sinh phẩm xét nghiệm virus Vũ Hán (covid-19) được phát triển bởi nhóm nghiên cứu của giảng viên TS Lê Quang Hòa, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ngày 25/5 vừa qua, phiên bản thứ hai cải tiến từ bộ sinh phẩm RT-LAMP xét nghiệm virus Vũ Hán trước đó của đội ngũ nghiên cứu TS. Lê Quang Hòa, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã được cấp chứng chỉ CE-IVD để lưu hành tại châu Âu.
Được biết, Bộ sinh phẩm RT-LAMP này dựa trên công nghệ khuếch đại đẳng nhiệt RT-LAMP, có ưu điểm là đơn giản, không yêu cầu trang thiết bị phức tạp và kết quả có thể đọc trực tiếp bằng mắt thường nhờ quan sát sự đổi màu của chất chỉ thị.
Hơn nữa, kết quả thử nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho thấy độ nhạy của sinh phẩm đạt 100%, độ đặc hiệu đạt 99,6% đồng thời không cho kết quả dương tính giả với một số loại virus thuộc chủng corona khác như SARS-CoV, MERS-CoV, HKU4, HKU1, OC43 và 229E.
Tuy nhiên, khuyết điểm tồn tại là thời gian phân tích mẫu còn dài, khoảng 150 phút (kỹ thuật real-time RT-PCR mất 120 phút).
TS Lê Quang Hòa tiết lộ thêm, nhóm đang phát triển phiên bản thứ ba ở dạng đông khô, có thể đơn giản hóa quy trình vận chuyển để không cần bảo quản đông lạnh. Nếu thành công, phiên bản này sẽ có ưu thế đến được các vùng dịch tại Châu Mỹ và Châu Phi xa xôi, góp phần kiểm soát dịch tại các quốc gia còn thiếu thốn về phương tiện xét nghiệm.
Được biết, công trình này của nhóm thuộc khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu hoàn tối ưu hóa quy trình chế tạo sinh phẩm RT-LAMP phát hiện nhanh vi rút Vũ Hán và một số kit tách chiết RNA của virus” của Bộ Y tế, do Công ty Cổ phần Sao Thái dương đầu tư.
Từ Thức(t/h)