Đều là thuộc địa của châu Âu trước khi được trao trả về Trung Quốc, cùng được hưởng quy chế “một quốc gia, hai chế độ”, thế nhưng trong khi Hong Kong thường xuyên nổ ra các cuộc biểu tình rầm rộ đòi dân chủ, thì Macau lại như một “cậu bé biết điều”. Tại sao lại có sự khác biệt như vậy?
Vào ngày đầu tiên của năm mới 2018 vừa qua, hàng ngàn người Hong Kong đã xuống đường biểu tình phản đối việc tuần trước Quốc hội Trung Quốc chính thức áp đặt luật lệ Trung Quốc tại nhà ga West Kowloon (Hong Kong) thuộc tuyến được sắt cao tốc nối Đặc khu này với thành phố Thâm Quyến và Quảng Châu. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh thực thi luật pháp Trung Quốc tại Hong Kong và những người phản đối cho rằng động thái này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới quyền tự trị của hòn đảo này.
Ngoài ra, người biểu tình cũng phản đối những thay đổi trong các điều khoản luật lệ của Hong Kong, họ lo sợ rằng chính quyền sẽ thông qua các luật của đại lục, trong đó có luật an ninh quốc gia đang gây tranh cãi lớn. Họ cũng phản đối việc chính quyền trấn áp các thủ lĩnh của Cách mạng Ô năm 2014, sự bất công xã hội tăng lên và quy hoạnh đô thị không tham vấn ý kiến người dân, cũng như sự độc quyền của các doanh nghiệp lớn.
Các cuộc biểu tình không hề hiếm gặp ở Hong Kong, người dân nơi đây luôn “ồn ào” đòi dân chủ, yêu cầu tự do, hay mang đến rắc rối cho các quan chức Bắc Kinh. Trong khi ở vùng đất có nhiều điểm tương đồng về lịch sử với Hong Kong – Macau, thì đó dường như không phải là điều đáng lưu tâm, nơi đây hầu như không có phong trào dân chủ nào. Đây là lý do tại sao sau Cách mạng Ô, truyền thông nhà nước Trung Quốc khen ngợi Macau.
Ngày 22/12/2014, tờ People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng một bài xã luận viết rằng, “người Macau biết điều và dễ chịu. Người Hong Kong có phần nổi loạn và phản kháng“.
Một trong những bằng chứng gần đây nhất cho thấy rõ sự biết điều này là chính quyền Macau hồi tháng 8/2017 lần đầu tiên để Bắc Kinh triển khai binh lính đại lục trên đường phố đặc khu này kể từ thời điểm trao trả vào năm 1999, sau khi yêu cầu quân đội Trung Quốc hỗ trợ khắc phục hậu quả bão Hato, cơn bão mạnh nhất trong vòng 50 năm.
Nếu đổi lại là Hong Kong, việc quân đội đại lục được huy động, ngay cả trong vai trò nhân đạo, sẽ lập tức làm dấy lên lo lắng. Còn ở Macau, sự hiện diện của binh lính đại lục lại được cổ vũ.
Vậy tại sao Hong Kong “nổi loạn” như vậy mà người anh em Macau được Bồ Đào Nha trao trả cho Trung Quốc sau 2 năm lại như một “cậu bé biết điều”?
Kinh tế
Kinh tế có thể là một phần cho câu trả lời về sự khác biệt giữa 2 thành phố.
Người Anh đã biến Hong Kong thành thành phố đẳng cấp thế giới. Và cách đây 20 năm, khi được Anh trao trả cho Trung Quốc, Hong Kong chiếm tới 16% GDP của nước này, theo báo The Economist. Tuy nhiên, hiện nay không một thành phố nào ở Trung Quốc có thể chi phối GDP như cách đây 2 thập kỷ.
Vậy có phải Hong Kong đã bớt quan trọng với Trung Quốc trong khi người dân đặc khu đang sống trong hào quang của quá khứ?
Không hẳn là vậy. Thực tế, trong lĩnh vực tài chính, không một thành phố nào ở đại lục hiện nay có thể thay thế Hong Kong – nơi được ví như cánh cửa bước ra thế giới của Trung Quốc và được xem là 1 trong 4 con hổ châu Á, bên cạnh Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc.
Xứ Cảng Thơm có một môi trường đầu tư ổn định, được bảo vệ bởi các tòa án công bằng, nền pháp quyền thực thi minh bạch… Đó là những điều nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể tìm thấy tại Hong Kong chứ không phải đại lục.
Trong khi đó, Macau sau khi trở thành thuộc địa của Bồ Đào Nha vào thế kỷ 19 cũng từng là một trung tâm tài chính lớn. Tuy nhiên khi đế chế Bồ Đào Nha suy yêu, nơi đây không còn thịnh vượng như xưa nữa.
Cho tới thời điểm đàm phán về việc trao trả trong những năm 1980, Trung Quốc đã từ chối 2 nỗ lực trao trả của Bồ Đào Nha. Không giống như Hong Kong vốn được Trung Quốc hứa hẹn sẽ áp dụng hình thức “tổng tuyển cử phổ thông” trong các cuộc bầu cử lựa chọn người lãnh đạo thành phố, Macau không nhận được một cam kết nào như vậy. Lễ chuyển giao Macau cho Trung Quốc năm 1999 cũng diễn ra kém phần ồn ã hơn Hong Kong.
Trong vòng 10 năm kể từ khi được trao trả, Macau phát triển mạnh về ngành công nghiệp cờ bạc và trở thành Las Vegas của châu Á. Đây là nơi duy nhất tại Trung Quốc mà việc đánh bạc trong casino được hợp pháp hóa. Năm 2013, ngành công nghiệp cờ bạc tại đặc khu này vượt Las Vegas 7 lần, với doanh thu khoảng 45 tỉ USD. GDP đầu người của Macau thuộc nhóm cao nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, casino là nơi thường bị nhiều thành phần, kể cả các quan chức tham nhũng, lợi dụng để rửa tiền. Vì vậy chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ – diệt ruồi” của chính quyền Trung Quốc không thể bỏ qua Macau. Chỉ 12 tháng sau chuyến thăm Macau của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 12/2014, cổ phiếu của 6 công ty điều hành các sòng bạc ở đặc khu này đã giảm đến 56%.
Chính trị
Một trong những nguyên nhân phải kể đến nữa chính là Trung Quốc đã ảnh hưởng đến nền chính trị của Macau trước cả khi kết thúc sự cai trị của Bồ Đào Nha.
Vào những năm 1960, Cách mạng văn hóa không chỉ diễn ra ở đại lục, mà còn lan sang cả Hong Kong và Macau. Trong khi người Anh đã thành công trong việc ngăn chặn “làn sóng đỏ” ở Hong Kong, tại Macau, Cách mạng văn hóa đã lan rộng, len lỏi vào cả xã hội dân sự và gây ra các cuộc bạo loạn.
Hiện Macau được các quan chức Trung ương xem là đặc khu hành chính khuôn mẫu: phù hợp với mong muốn của đảng Cộng sản Trung Quốc và thể hiện tấm lòng hướng đến Bắc Kinh một cách rõ ràng. Sự trung thành được khắc sâu vào từng người dân, hiện diện trên phương tiện truyền thông và trong trường học.
Trong khi người Hồng Kông biết rõ họ ‘yêu nước’ chứ không ‘yêu Bắc Kinh’, nhiều người luôn cảnh giác và phản đối sự can thiệp của Trung Quốc vào công việc nội bộ đặc khu này.
Việc các nghị sĩ dân cử Hong Kong mất ghế vì không tuyên thệ trung thành với nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” của Bắc Kinh hồi năm 2016 càng củng cố cho niềm tin Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát Hong Kong.
Đặc biệt, Quốc hội Trung Quốc sau đó thông qua việc diễn giải lại Điều 104 Luật Cơ bản Hong Kong, trong đó nói rằng các nhà lập pháp phải thề trung thành với đặc khu như là một phần của Trung Quốc. Động thái này làm tăng thêm nỗi lo lắng của người dân đặc khu.
Đây được xem là sự can thiệp trực tiếp nhất của Bắc Kinh đối với hệ thống pháp luật và chính trị tại Hong Kong kể từ khi Anh trao trả hòn đảo này cho Trung Quốc năm 1997. Khi đó, Hong Kong được trao quyền tự chủ, bao gồm quyền tự do tư pháp dựa trên một “hiến pháp mini” gọi là Luật Cơ bản.
Ngoài ra, các lực lượng trung thành với Bắc Kinh vẫn hiện diện, kể cả trong chính quyền đặc khu. Điều đó đồng nghĩa, cuộc đấu tranh sẽ còn tiếp diễn, giữa những người Hong Kong đòi dân chủ với các ảnh hưởng vô hình của Bắc Kinh và những người trung thành với chính quyền trung ương.
Điều khoản 23 Luật an ninh
Trong Bộ Luật Cơ bản có Điều khoản 23, được sử dụng dưới danh nghĩa trừng phạt tội phản bội tổ quốc và chủ nghĩa ly khai, gây nhiều tranh cãi ở Hong Kong. Những người phản đối lo ngại về một sự kìm hãm quyền và tự do dân sự.
Năm 2003, 500.000 người đã xuống đường tuần hành để phản đối điều luật này. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất từ khi Hong Kong về với Trung Quốc. Vì thế dự luật này cuối cùng đã bị gác lại vô thời hạn.
Trong khi Điều khoản 23 bị phản đối quyết liệt ở Hong Kong, thì tại Macau nó đã được thông qua vào năm 2009. Những người ủng hộ dân chủ lo ngại rằng phạm vi mở rộng quá mức của điều luật này sẽ dẫn đến lạm dụng, lo lắng này được tăng thêm sau khi một số ủng hộ viên dân chủ nổi bật của Hong Kong đã bị từ chối cho nhập cảnh vào Macau trong thời gian thông qua dự luật.
Thỏa thuận trao trả Hong Kong (1997) và Macau (1999) giữa Anh, Bồ Đào Nha với Trung Quốc cho phép hai thành phố này duy trì các hệ thống chính quyền cũ và quyền tự trị trong ít nhất 50 năm sau đó.
Cho đến thời điểm hiện tại, chưa ai có thể trả lời điều gì sẽ xảy ra với Hong Kong và Macau sau khi các thỏa thuận này hết hiệu lực, lần lượt vào năm 2047 và năm 2049.
Liệu Hong Kong với con đường đấu tranh dân chủ có thể giành được thắng lợi hay không? Còn Macau với con đường thuận theo chính quyền Bắc Kinh còn có thể tiếp tục phát triển ngành công nghiệp cờ bạc đang nuôi sống phần lớn người dân nơi đây hay không?
Tú Văn