Là người cẩn thận, tôi thường chuẩn bị rất chu đáo cho những chuyến đi xa. Nhưng đi Nepal thì không, bởi lúc đó công việc của tôi khá bận rộn, phần nữa vì tôi muốn để cảm xúc của mình thật tự nhiên mà không bị dẫn dắt qua những bài viết hay lời kể của người khác. Vậy đó, tôi đến Nepal bằng trái tim trống rỗng và mang về hàng tá những yêu thương.
Kỷ niệm nhớ đời nơi biên giới Tôi ác cảm với Nepal ngay khi vừa tiếp cận với đất nước này qua cửa khẩu Kodari, biên giới đường bộ giữa Nepal và Tây Tạng, bởi sự xô bồ không thể tả. Đoàn chúng tôi bị một nhóm thanh niên hung tợn chặng lại ngay biên giới, chỉ vì trót hỏi giá xe về thủ đô Kathmandu mà không đi. Sau khi cố gắng giải thích, họ vẫn không chịu bỏ qua. Kiên quyết nói không và tỏ thái độ giận dữ, chúng tôi bảo rằng sẽ đi bằng xe buýt. Ngay lập tức, nhóm thanh niên nhảy lên xe máy và chạy đến chặn cửa xe buýt. Đến đây, chúng tôi cảm thấy thật sự bất an bởi không thấy bóng dáng cảnh sát nào, trong khi khu vực này núi đèo hiểm trở, cách xa trung tâm và trời đã về chiều. Chúng tôi quyết định vác hành lý lên và… đi bộ, dù chẳng biết đoạn đường phía trước sẽ ra sao. May thay, trên con đường đèo gập ghềnh và hiểm trở ấy, chúng tôi cũng đón được một chiếc kiểu như xe cải tiến để về Kathmandu. Chưa kịp mừng, bác tài thông báo rằng đoạn đường đèo phía trước bị sạt lở khoảng hơn 10km, xe không qua được. Cả đoàn bất đắc dĩ phải trekking một đoạn đường đèo núi.
Mất hơn 4 giờ đồng hồ, xuống được đường chính thì trời đã tối om. Chuyện đón xe về lại Kathmandu khó tựa hái sao. Chúng tôi lả người đi vì đói, mệt, cộng thêm cảm giác bực tức nên cứ ngồi bẹp xuống đường. Tôi cảm thấy điên tiết thật sự, bởi, nếu không xảy ra những rắc rối kia thì giờ này, chúng tôi đã đến Kathmandu an toàn. Nhưng rồi, chính lúc đó trái tim tôi đã từ tốn khuyên giải. Nó nhắc tôi nhớ đến anh chàng khuân vác hành lý giúp chúng tôi vượt quãng đường đèo dài dằng dặc. Nó bảo tôi đừng quên bác tài xe cải tiến âm thầm xuống giữa đèo đón chúng tôi khi chứng kiến toàn bộ sự việc rắc rối. Tôi mỉm cười rồi tự nghĩ trải cái túi ngủ ra rồi qua đêm ở đây chắc cũng lãng mạn phết khi đêm ấy trăng sáng vằng vặc và bên tôi là những người bạn đồng hành quá tuyệt vời. Nhưng rồi, điều kỳ diệu đã xảy ra. Một chuyến xe khách từ đâu chạy đến, đề nghị chở chúng tôi về Kathmandu. Khỏi phải nói chúng tôi đã mừng như thế nào, đến nỗi quên cả mệt mỏi và cơn đói cồn cào. Sắc màu Kathmandu Chúng tôi đến thủ đô của Nepal vào lúc nửa đêm và quyết định thuê phòng khách sạn ở Thamel, khu vực đông đúc và nhộn nhịp nhất. Dù đã được một thành viên trong đoàn cảnh báo là ở đây cái gì cũng phải trả giá xuống một nửa, nhưng tôi vẫn bất ngờ khi phải mặc cả như mua món hàng ngoài chợ. Quá vất vả cho một người không quen với việc cò kè như tôi! Cần phải nói một chút về thủ đô Kathmandu. Thành phố này là một thung lũng được bao quanh bởi những dãy núi cao ngất ngưởng, quanh năm phủ tuyết trắng xóa. Nó nhộn nhịp nhất Nepal bởi vị trí khá đặc biệt khi nằm trên tuyến đường chinh phục đỉnh Everest – điểm dừng chân khá lý tưởng cho các nhà leo núi trước và sau khi đặt chân lên ngọn núi cao nhất thế giới này. Không những vậy, Kathmandu còn sở hữu rất nhiều công trình kiến trúc văn hóa lâu đời cùng đời sống văn hóa đa sắc màu.
Khác với những chuyến đi trước, tôi thường lao vào tham quan ngay lập tức khi máy bay vừa hạ cánh, lần này tôi dành hẳn một ngày lười biếng ở Kathmandu để cảm nhận từng hơi thở cuộc sống ở đây. Nhờ vậy, tôi dần nhận ra Nepal gần gũi hơn mình nghĩ từ nhịp sống, văn hóa và cả con người cũng đáng yêu không thể tả. Người dân Nepal đa phần theo đạo Hindu nhưng Phật giáo cũng có một vị thế rất lớn. Điều đặc biệt dễ nhận thấy là các thánh tích của người Hindu xen kẽ, thậm chí hòa quyện với những ngôi chùa Phật giáo, tạo ra một không gian tôn giáo đầy mầu nhiệm. Tôi thích những buổi sáng bình minh lang thang thành phố cổ Bhaktapur để thấm đẫm từng nét văn hóa lâu đời. Được phát tấm bản đồ khi mua vé tham quan Bhaktapur nhưng hầu như tôi không sử dụng mà để cho trái tim mình dẫn đường. Mỗi bước chân ở Bhaktapur như đưa tôi về thời trung cổ khi xung quanh là những công trình kiến trúc cổ, những con đường cũ kỹ lát đá, những kiệt tác kiến trúc với các đường nét chạm trổ tinh xảo. Hiếm có nơi nào khiến tôi nổi da gà khi cả một thành phố được bảo tồn toàn vẹn qua hàng trăm năm trời. Một vẻ đẹp vừa mộc mạc, vừa kiêu kỳ, vừa phô trương nhưng vẫn đầy nét bí ẩn. Ở Bhaktapur, các đền đài, công trình kiến trúc công cộng được xây dựng liền kề với những dãy phố nhà dân và hoàn toàn không có sự tách biệt. Điều này có nghĩa là, từ xa xưa, những giá trị văn hóa, tôn giáo luôn gắn liền với nếp sống thường nhật của người dân bản địa. Diện kiến Thánh nữ Kumari Đến Nepal, tôi hoàn toàn không biết thông tin về Thánh nữ sống Kumari, chỉ đến khi được diện kiến, tôi mới biết đó là một trong những thiếu sót lớn nhất trong chuyến đi của mình.
80% dân số Nepal theo đạo Hindu nhưng cả nước lại tôn thờ một bé gái có dòng dõi nhà Phật. Chính vì thế, Nepal được xem như xứ sở của đời sống văn hóa tâm linh đầy bí ẩn. Thánh nữ Kumari là một bé gái đồng trinh được tuyển chọn với những tiêu chuẩn cực kỳ gắt gao từ gia tộc Newar nhằm bảo hộ và mang đến may mắn, thịnh vượng cho người dân. Trong suốt thời gian đương nhiệm, Thánh nữ cùng với gia đình phải dọn đến ở trong các đền thờ hoặc khu vực dành riêng, với tên gọi Kumari Bahal, và được phục vụ chu đáo cẩn thận từ việc ăn uống, nghỉ ngơi, học hành. Đặc biệt trong suốt thời gian đương nhiệm, Thánh nữ không được phép đặt chân xuống đất, muốn di chuyển phải có người bế hoặc ngồi trên ngai vàng trong mỗi dịp đại lễ. Mỗi năm, Thánh nữ sẽ xuất hiện gần hơn với công chúng vài lần trong những dịp lễ lớn. Còn lại, mỗi ngày Thánh nữ chỉ xuất hiện hai lần vào lúc 12h trưa và 4h chiều. Lúc này, tất cả mọi người sẽ được nhìn thấy Thánh nữ qua khung cửa sổ trên cao. Tôi cũng rất hào hứng và có mặt tại Kumari Bahal từ 3h chiều để một lần được diện kiến Kumari. Gần 4h chiều, nơi đây đã rất đông người dân và du khách chờ được ban phước lành. Cả quảng trường đang nhốn nháo bỗng có tiếng hô lớn “nữ thần, nữ thần”. Tất cả người Nepal đều quỳ xuống thành tâm khấn nguyện. Tất cả du khách đều được yêu cầu không chụp ảnh Nữ thần. Tôi đứng khá gần khu vực Kumari xuất hiện. Thánh nữ là một cô bé chừng 8 tuổi, với gương mặt trong sáng, được trang điểm khéo léo với con mắt thứ 3 vẽ ngay giữa trán nhằm xua đuổi tà ma và điểm gở cho toàn dân. Tôi gần như không chuyển hướng nhìn của mình cho đến khi Kumari đi mất hút vào trong. Quốc Duy |
Theo VietnamNet