“Họng quỷ” (La Garganga Del Diablo) là tên gọi của một điểm du lịch nằm trong thác Iguazu, có chiều rộng 2,7km trên biên giới Argentina – Brazil.
Ở cái điểm hung dữ của con thác dài nhất thế giới này, mỗi năm không chỉ có hàng chục triệu người đến chiêm ngưỡng mà có cả một số người bất hạnh đi tìm cái chết bằng cách lao mình xuống dòng thác dữ. Tuy nhiên, đến “họng quỷ” là cả một chặng đường dài, nếu bạn bắt đầu từ Buenos Aires. Do thác Iguazu nằm ở tỉnh Misiones, cách Thủ đô của Argentina tới cả nghìn km, chính xác là 1 giờ 20 phút bay trên không, với tốc độ 800 km/h. Du khách phải bỏ ra 260 pesos (tương đương với 26 USD) để mua vé vào cửa. Sau khi đi bộ gần 2km, qua những con đường ngoằn ngoèo rợp bóng cây xanh, chúng tôi đến một sân ga, nơi đã có một chiếc xe lửa với sức chứa vài trăm người đang chờ sẵn. Xe lửa đưa khách du lịch xuyên qua một cánh rừng ẩm thấp, cây cối um tùm, to có, nhỏ có, với rất nhiều dây leo nhưng thực chất là rễ cây. Sau 15 phút ngồi xe lửa, du khách bắt đầu đi bộ trên những cây cầu sắt nhỏ, bắc qua một con sông mênh mông nhưng khá nông. Xung quanh, đồi núi trùng trùng, điệp điệp. Thêm vài trăm mét, thì tiếng nước không phải chảy nữa mà đang gầm rú. Hơi nước bay mù mịt. Không gian như mở rộng ra. Trước mắt, phía trên thác Iguazu, là một dòng sông mênh mang như một biển nước từ Brazil đổ về. Đến lan can của đài quan sát, dựa tay vào thành sắt, hướng mắt về phía trước, tôi nhìn thấy một dòng thác khổng lồ, dài tới 700m và cao trên 80m, trút nước ầm ầm xuống một vực thẳm sâu hun hút, nhìn xuống đến rợn người. Đúng là “họng quỷ” rồi. Xa xa, nơi không có thác, là vách núi xanh thẳm rêu phong bên bờ phía Brazil. Mưa phùn và hơi nước quất rát mặt… Nhưng “họng quỷ” mới chỉ là khởi đầu. Sau bữa trưa từ thác về, chúng tôi leo lên hai chiếc xe du lịch địa hình cao tầng, để bắt đầu một cuộc hành trình mới mang tên Mạo hiểm lớn, với chương trình thăm Vườn quốc gia Iguazu và đi xuồng trên sóng dữ của con sông cùng tên để ngắm từ dưới lên con thác lớn thứ hai, San Martin và nhiều con thác khác như Bossetti, Corbata Blaca, Dos Hermanas. Vườn quốc gia Iguazu rộng tới 67.720 ha. Người chủ đầu tiên của khu rừng này là ông Gregorio Lezama. Do không biết hết giá trị của tài sản thiên nhiên mà mình sở hữu, ông này đã rao bán nó với lời quảng cáo giản dị: một cánh rừng có vài con thác đẹp. Người mua là ông Domingo Avarragaray đã xây một khách sạn và một con đường để đón khách. Vào đầu thập niên 1930, Tổng thống Hipolito Yrigoyen đã quyết định mua lại toàn bộ khu rừng khổng lồ nói trên để biến nó thành một tài sản của Nhà nước và năm 1934 trở thành vườn quốc gia, nhằm bảo tồn thiên nhiên và phát triển ngành du lịch. Khu vườn này hiện nay là nơi trú ngụ của nhiều loại động vật quý hiếm. Trên đường đi, nếu gặp may, từ trên xe cao tầng, du khách có thể bắt gặp cả báo đốm, gấu trúc và rắn san hô cùng nhiều loài chim khác nhau. Người viết đã may mắn chụp được một đàn coaties (một loài động vật giống như cầy vòi) đang băng qua đường, rất nhiều khỉ Prego, một loài khỉ nhỏ, dạn dĩ và nghịch ngợm, cùng cả chim tucano, mỏ to khoằm, lớn hơn vẹt xanh. Đây chỉ nằm trong số 450 loài chim khác nhau ở Vườn quốc gia Iguazu, được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Kết thúc chuyến thăm vườn quốc gia, chúng tôi tới bờ sông Iguazu, nơi đã có những chiếc xuồng cao tốc đợi sẵn. Trẻ em không được tham gia chuyến đi này. Trước khi xuống bến, mỗi người bắt buộc phải đeo phao bơi và được phát một chiếc túi lớn chống nước để cất giày dép, máy ảnh, điện thoại. Trên thuyền, ngoài người lái và nhân viên cứu hộ, còn có một kỹ thuật viên quay video với thiết bị chuyên nghiệp để ghi hình lại chuyến đi và bán cho khách du lịch với giá 25USD. Chiếc xuồng nhô lên, tụt xuống trong dòng nước xiết. Khi đến gần thác San Martin, người lái tạt xuồng vào một vùng nước yên tĩnh hơn sát vách núi và cho phép mọi người chụp hình. Lựa đúng thời điểm, con xuồng máy phóng ào ào sang bên bờ thác, ở đoạn trên của nó. Từ đó, nó quay đầu, lấy đà lại mở hết tốc lực, lao sát rìa thác nước đang đổ ầm ầm trên đầu. Có cảm giác cả con xuồng đang đi trong một cơn bão biển. Dù ai cũng mặc áo mưa, tất cả đều ướt như chuột lột.
Đón xem tiếp kỳ sau: Vào làng thổ dân Guarani Bài và ảnh: Lưu Vạn Kha |
Theo TTVH