“Nếu cá cứ chết, Việt Nam chỉ còn đơn độc một ngành công nghiệp thế giới đã dư thừa và công nghệ dùng từ thế kỷ trước” – GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Câu nói hớ của Phó phòng đối ngoại Formosa Chu Xuân Phàm về việc lựa chọn Cá tôm hay Nhà máy thép khiến dư luận bức xúc trong bối cảnh cá ven biển 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên – Huế đã chết hàng loạt.
“Một khi cá chết, sinh vật biển bị hủy diệt thì kinh tế biển của Việt Nam sẽ chỉ đơn độc một ngành công nghiệp mà thế giới đã dư thừa và công nghệ dùng từ thế kỷ trước”, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trầm tư.
Tuần trước, lần đầu tiên các quốc gia sản xuất thép hàng đầu thế giới ngồi lại với nhau để thảo luận về thực trạng dư cung trên thị trường. Hiện tượng dư cung diễn ra chủ yếu từ Trung Quốc – nơi sản xuất một nửa lượng thép thế giới, khiến thị trường thế giới đang “bội thực” thép từ quốc gia này.
Trong khi cả thế giới đang dư cung, câu hỏi “Chọn cá tôm hay nhà máy thép” bỗng dưng có chút gì chua xót.
“Không nước nào có kiểu đánh đổi như Formosa nghĩ, dù chỉ trong suy nghĩ, lời nói, chứ chưa đến hành động. Đó là sự lựa chọn cho một nước nhược tiểu, hy sinh tài nguyên đổi lấy tăng trưởng. Chúng ta không thiếu các dự án thép”, GS. Mại nói.
Trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam, đến năm 2020 kinh tế biển phải chiếm 50 – 55% GDP. Có nghĩa là, tổng cộng của: du lịch biển, đánh bắt, nuôi trồng và khai khoáng, vận tải biển… sẽ chiếm phần nửa tổng thu nhập quốc nội của Việt Nam.
Vậy nếu cá cứ chết thì lấy đâu ra kinh tế biển và tăng trưởng cho Việt Nam?
Về khu công nghiệp Formosa, ông Mại cho biết: Công nghệ làm sắt thép đời cũ, bao giờ cũng gắn với ô nhiễm môi trường.
Riêng với Formosa, ban đầu đơn vị này muốn làm dự án công suất 20 triệu tấn/năm (tương đương 20 tỷ USD). Tuy nhiên, các cơ quan quản lý và giới chuyên gia khuyến cáo Hà Tĩnh cho họ thực hiện giai đoạn 1 chỉ 10 tỷ USD. Nếu làm tốt, sẽ cho họ làm giai đoạn 2.
Bình luận về câu hỏi đưa ra 2 lựa chọn của Phó phòng đối ngoại Formosa, G.S – TSKH Nguyễn Quang Thái – Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho biết: “Chúng ta không thể trả giá tương lai chỉ bằng 1 cái nhà máy, một dự án. Đất nước này không bao giờ đánh đổi FDI để lấy bất cứ một cái gì, nếu không phải vì lợi ích đất nước. Người dân không bao giờ chấp nhận đánh đổi bất cứ điều gì”.
“Điều bây giờ cần nhất là các cơ quan chức năng sớm công bố nguyên nhân, đối tượng gây ra. Nếu Formosa có gây ra sự việc này thì rất đáng lên án, chúng ta từng biết Vedan đã đầu độc con sông Thị Vải phải trả giá như thế nào: Người dân tẩy chay, sau đó Vedan bắt buộc phải đền bù cho người dân….”
Theo cafebiz.vn