Tết Trung thu vào ngày 15/8 âm lịch hàng năm là một lễ hội truyền thống của một số nước ở châu Á như Việt Nam, Trung Quốc. Cứ đến dịp Tết Trung Thu, mặt trăng sáng rọi cả bầu trời, ánh trăng tỏa sáng vạn dặm, lúc này thì ngắm trăng và đàm luận về trăng trở thành đề tài chính trong cuộc nói chuyện của mọi người.
Tại sao người ta thường ngắm trăng vào đêm Trung thu? Bởi lẽ trong đêm Trung thu, bầu trời trong xanh quang đãng như được gột rửa đi lớp bụi trần, khiến trăng vừa sáng lại vừa tròn, ánh trăng tròn vạnh chiếu rọi khắp nhân gian.
Tết Trung thu người ta ngâm thơ, làm văn, nói những lời hay ý đẹp, có thể nói là đâu đâu cũng có, nhiều không kể xiết, dưới đây là một vài bài thơ cổ nói về Tết Trung thu.
Bài thơ “Thập ngũ dạ vọng nguyệt” (Đêm rằm trông trăng) của tác giả Vương Kiến
Vương Kiến, tự là Trọng Sơ, sinh ra ở Dĩnh Xuyên (nay là thị trấn Hứa Xương, tỉnh Hà Nam) là một nhà thơ nổi tiếng thời Đường, ông từng giữ chức Tư Mã (tướng quân) ở Sơn Châu, được người đời xưng là Vương Tư Mã. Bài thơ “Thập ngũ dạ vọng nguyệt” của Vương Kiến là một trong những bài thơ theo thể thất tuyệt (thể thơ gồm có bốn câu, mỗi câu bảy chữ) với nội dung ngắm trăng trong đêm trung thu trông ngóng về nơi xa.
“Trung đình địa bạch thụ thê nha”: Ám chỉ ánh trăng chiếu rọi trong sân nhà và mặt đất giống như được bao phủ bởi một màn sương. Lúc đó quạ ồn ào náo động đã im lìm chìm vào giấc ngủ trong bóng cây dưới ánh trăng. Khi nhà thơ viết đến ánh trăng trong sân chỉ dùng hai từ “địa bạch” (mặt đất trắng xóa) nhưng đã gợi cho ta cảm giác thanh bình, tĩnh lặng. Ba chữ “thụ thê gia” (quạ đậu trên cây) giản dị, xúc tích không chỉ gợi tả cảnh bầy quạ đậu trên cây mà còn góp phần làm nổi bật sự tĩnh lặng của đêm trăng mùa thu.
“Lãnh lộ vô thanh thấp quế hoa”: Có nghĩa là do đêm khuya nên sương thu làm ướt hoa quế trong vườn tỏa ra mùi hương thơm ngát, càng khiến người ta liên tưởng đến cung Quảng Hàn trên cung trăng, giọt sương có nhất định phải làm ướt hoa quế không? Như vậy, ý cảnh của câu này lại càng gợi lên vẻ xa xưa, làm nén bao tâm tư của người đọc. Nhà thơ sử dụng hai từ “vô thanh” (lặng lẽ) để diễn tả sự nhẹ nhàng không dấu vết của giọt sương rơi đọng trên hoa, đồng thời cũng làm gợi lên sự dài lâu của giọt sương thấm đẫm trên hoa quế.
Tuy nhiên, đêm đã khuya mà sao người vẫn thức? là bởi lẽ gì? Khi vầng trăng sáng trên bầu trời, chẳng lẽ chỉ có một mình thi nhân ở đó trầm ngâm đứng ngắm trăng? Dưới trần gian, có ai lại lưỡng lự không ngắm trăng, xa rời tâm linh? Vì thế, như đã là điều đương nhiên, tác giả suy bụng ta ra bụng người, mà thốt lên rằng: “Kim dạ nguyệt minh nhân tận vọng, Bất tri thu tư lạc thùy gia?”
Một từ “lạc” (rơi) thể hiện một hàm nghĩa sâu xa, như thể những mạch suy tư mùa thu kia đồng loạt chìm đắm trong sự trong veo của vầng trăng bạc trôi dạt nơi nhân gian. đồng thời hài hòa với sự “lặng lẽ” càng làm nổi bật sự tĩnh lặng của đêm trăng, bất giác làm ta cảm thấy nhớ nhà, nhớ người thân, bạn bè ở một nơi xa xăm nào đó, khắc họa nỗi nhớ nhung, thể hiện sự khao khát được đoàn tụ trong đêm Trung thu, và rồi muốn quan tâm đến nhau và cầu chúc cho người khác được bình yên.
Bài thơ “Bát nguyệt thập ngũ nhật dạ ngoạn nguyệt” (Ngày mười lăm tháng tám thưởng trăng) của tác giả Lưu Vũ Tích
Lưu Vũ Tích, tự là Mộng Đắc, sinh ra ở Lạc Dương (nay là tỉnh Hà Nam), là một nhà thơ và nhà văn nổi tiếng thời Đường. Vì đưa ra lời can gián thẳng thắn lên trên mà ông bị giáng chức và chuyển đến làm thứ sử nhiều châu ở vùng biên cương, tuy trải qua nhiều thăng trầm, nhưng trước sau ông vẫn luôn kiên định với lý tưởng tận lực tận tâm với đất nước và nhân dân, lo lắng cho thiên hạ. Ông từng viết cuốn “lậu thất minh” nổi tiếng cho Minh Chí.
Bài thơ trên của ông có ý nói rằng: Đấng tạo hóa làm sạch toàn bộ vũ trụ ở nhân gian bằng ánh trăng trong veo như nước. Hơi nóng đã tan đi, bầu trời quang đãng, sắc thu thanh nhàn, mọi thứ thật tươi đẹp.
Bầu trời đầy sao đã ẩn đi ánh sáng của mình để nhường cho ánh trăng. Gió thu, nước chảy, sương rơi làm phản chiếu lên ánh sáng rực rỡ. Nhân gian thường biến đổi, mà vầng trăng sáng, cảnh tiên trên trời thì mãi vĩnh cửu!
Bài thơ này mô tả cuộc dạo chơi đầy lý thú khi ở cung trăng. Đọc tới sẽ cảm thấy bị cuốn hút bởi ánh trăng, cảnh sắc tráng lệ như thiên đường tại nhân gian, cảnh vật tùy thời mà biến đổi, mạch cảm xúc thay đổi theo cảnh vật, khi thăng lên lúc lại hạ xuống, đủ để thấy sự tài tình trong tư duy của thi nhân, thể hiện nỗi niềm của thi sĩ về thế giới thần tiên và vĩnh hằng.
Bài thơ “Trung thu” của tác giả Lý Phác
Lý Phác, tự là Tiên Chi, sinh ra ở Hưng Quốc (nay là huyện Hưng Quốc, tỉnh Giang Tây) thuộc Kiền Châu vào thời nhà Tống, ông từng giảng dạy tại Quốc Tử Giám. Vốn là vị quan có chí nguyện tương trợ và cứu giúp người đời, thẳng thắn, cương trực, không sợ gian quyền.
Bài thơ “Trung thu” của Lý Phác muốn tả rằng: Trên bầu trời đêm mênh mông rộng lớn, vầng trăng từ từ nhô lên như một tấm gương báu, mọi âm thanh như ngưng lại, chỉ có làn gió nhẹ lướt qua, bản nhạc thần tiên lúc ẩn lúc hiện trong mây lúc này cũng im bặt.
Hướng mắt lên bầu trời cao, ánh trăng tròn đầy đủ để chia cả trời thu, một mảnh trăng treo trên những tầng mây chiếu sáng vạn nhà, ánh sáng chiếu rọi khắp nhân gian.
Khi trăng tròn, con thỏ tinh ranh không còn cách nào khác ngoài việc từ sợi dây leo xuống, và con cóc trông trăng không thể nào xuất hiện để che lấp mặt trăng.
Nếu có thể ngồi trên chiếc chiếc thuyền nhỏ thần kỳ để tới mặt trăng, thì tôi muốn mời những người bạn của tôi cùng nắm tay nhau rong ruổi vui chơi trên khắp cung trăng và bầu trời rộng lớn, nhưng phải đợi đến khi khắp thiên hạ hoàn toàn được tẩy tịnh.
Thật là một đêm trăng Trung thu tuyệt đẹp tựa như bức tranh thủy mặc! Bài thơ này miêu tả bầu trời đêm Trung thu mênh mông vô tận, ánh trăng sáng như gương, miêu tả không khí đêm trăng nên thơ và đẹp như tranh vẽ.
Cứ thế mà đắm chìm trong trí tưởng tượng, đợi cho đến khi Dải Ngân hà đã hoàn toàn kiền tịnh thì sẽ cùng chúng bạn leo lên thiên đường thần tiên, khiến cho ánh trăng càng đầy đặn thanh khiết và triển hiện ra một cảnh giới mới.
Chân Chân (Theo Secretchina)