Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì việc thu phí cao tốc cả đời, kể cả các BOT hết thời hạn thu phí là một trong những nội dung mới trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
Vào chiều 8/6, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có buổi họp công bố về những điểm mới của dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
Theo đó, việc thu phí cao tốc cả đời, kể cả các BOT hết thời hạn thu phí là một trong những điểm nổi bật được nhắc đến trong dự thảo này. Trường hợp người tham gia giao thông không muốn trả phí thì có thể lưu thông trên đường song hành.
Xác nhận thông tin trên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: “Tất cả cao tốc đều là đường có đường song hành rồi, cho nên thu phí đường cao tốc là sẽ thu cả đời, tức là bằng nguồn vốn nào cũng phải thu phí. Kể cả BOT sau này, hết thời hạn hoàn vốn thì Nhà nước sẽ bảo trì, tức là dùng nguồn ngân sách hoặc nguồn vốn khác bảo trì và tiếp tục thu phí”.
Ngoài ra, ông Huyện cũng cho biết thêm rằng, trước khi đưa ra đề xuất trên, Tổng cục Đường bộ đã xem xét ý kiến của nhiều chuyên gia nước, các chuyên gia này cũng nhận định rằng nếu dùng vốn ngân sách để đầu tư các dự án cao tốc như Hà Nội – Thái Nguyên, Nội Bài – Nhật Tân mà không thu phí thì ngân sách rất khó đảm bảo.
Liên quan đến các trạm thu phí, theo Bộ GTVT, hiện nay cả nước đang có 93 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và cao tốc, trong đó Bộ GTVT quản lý 74 trạm, UBND các tỉnh quản lý 19 trạm.
Bộ GTVT chia hệ thống trạm thu phí BOT thành 2 giai đoạn để triển khai thu phí không dừng: Giai đoạn I áp dụng đối với Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, một số tuyến cao tốc và quốc lộ khác. Giai đoạn II áp dụng các trạm còn lại trên toàn quốc.
Tổng số trạm thuộc phạm vi dự án của giai đoạn I (Dự án BOO1) là 44 trạm. Tính đến đầu tháng 5/2020, Bộ GTVT đã lắp đặt, vận hành từ 2 – 6 làn thu phí tự động không dừng tại 39 trạm.
Giai đoạn II (Dự án BOO2) của Vietel, do vướng mắc thành lập doanh nghiệp dự án nên chưa thể triển khai thực hiện.
Vũ Tuấn (t/h)