Vào chiều ngày 13/1, tại Hội thảo phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cơ sở giáo dục, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy (Học viện Cảnh sát nhân dân) đã đề xuất cần phải có ‘chứng chỉ tiền hôn nhân’ trước khi kết hôn và đề xuất cho ‘người đồng tính’ được kết hôn hợp pháp.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, tình trạng trẻ em bị xâm hại và phạm tội nói chung và tại cơ sở giáo dục nói riêng có trách nhiệm rất lớn của gia đình và thường xuất phát từ các gia đình “có vấn đề”.
Do đó, để tăng cường vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc ngăn chặn tình trạng trẻ em bị xâm hại và phạm tội Tiến sĩ Thủy đề xuất: “Cần bổ sung quy định về điều kiện kết hôn trong luật Hôn nhân và gia đình theo hướng phải có ‘chứng chỉ tiền hôn nhân’ thì mới được đăng ký kết hôn.”
Theo đề xuất, để có chứng chỉ này, những người muốn kết hôn đều phải trải qua một lớp học về hôn nhân và gia đình; trong đó, học cách làm cha, làm mẹ, học cách làm vợ, làm chồng, học cách dạy con trai, dạy con gái…
Để chứng minh cho đề xuất của mình, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy dẫn chứng:
Ở nước Úc, một điều kiện để được đăng ký kết hôn là các cặp đôi phải hiểu được kết hôn có ý nghĩa như thế nào và các cặp đôi được tự do chấp nhận trở thành vợ chồng. Còn với những người theo đạo Công giáo, trước khi kết hôn, phải tham gia một lớp học tiền hôn nhân, đây là lớp học bắt buộc kéo dài từ 3 – 6 tháng.
Đề nghị hợp pháp hóa ‘hôn nhân đồng tính’
Một đề xuất khác cũng được Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy nêu ra đó là việc xem xét bổ sung quy định cho người đồng tính được kết hôn hoặc đăng ký sống chung, bởi vì con của những cặp đôi đồng tính rất dễ trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục các trong trường học, cơ sở giáo dục.Từ đó, để bảo vệ nhóm trẻ em của các cặp đôi đồng tính tránh bị xâm hại, ông Thủy cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, đưa ra quy định cho người đồng tính được kết hôn hoặc đăng ký sống chung, từ đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của con người nói chung, qua đó cũng dần thay đổi các quan niệm và định kiến xã hội đối với những người đồng tính.
Bên cạnh đó, ông Thủy cũng đề nghị Chính phủ bổ sung quy định xử lý ‘người đứng đầu’ cơ sở giáo dục. Theo đề xuất, nếu lãnh đạo đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng trẻ em bị xâm hại trong các trường học do mình phụ trách cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Mức xử lý sẽ tùy theo mức độ, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, cách chức vụ hay hạ chức vụ…
Ở các địa phương, ông Thủy đề xuất, Chính phủ cần bổ sung các quy định về trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Nếu để xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em thì tùy theo mức độ có thể cách chức vụ, hạ chức vụ, luân chuyển công tác, kỷ luật, hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ có thời hạn…
Ngoài ra, đối với các bậc cha mẹ có con dưới 16 tuổi phạm tội mà bị kết án, ông Thủy cũng đề xuất Chính phủ cần bổ sung các quy định về trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự của cha, mẹ, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm nuôi dạy con cái của gia đình.
Từ Nguyên (t/h)