Chủ nghĩa sùng bái cá nhân đang leo thang mạnh mẽ ở Trung Quốc. Ở Đông Nam nước này, các quan chức địa phương đã tuyên truyền với người dân rằng: “Chúa Jesus không thể giúp bạn thoát khỏi đói nghèo hay chữa lành bệnh tật, nhưng Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ làm cho bạn. Do đó, hãy gỡ bỏ những tấm ảnh thờ Chúa Jesus và thay vào đó bằng một bức ảnh đẹp đẽ của Chủ tịch Tập Cận Bình”.
Hoạt động này có lẽ đã gây áp lực mạnh mẽ đối với các tín đồ Kitô giáo.
Một tài khoản xã hội ở quận Yugan, tỉnh Giang Tây đã nói rằng, người dân đã “sẵn sàng” gỡ bỏ 624 tờ áp phích có hình ảnh và những câu nói liên quan đến Kitô giáo, sau đó thay thế bằng 453 tờ áp phích có in hình ảnh của Tập Cận Bình. Tiến trình tuy không rầm rộ nhưng nhiều người cảm nhận được chủ nghĩa sùng bái cá nhân đã quay lại giống như khi người Trung Quốc tôn sùng Mao Trạch Đông – lãnh đạo đầu tiên của ĐCSTQ.
Trong chiến dịch mới nhất, các đảng viên tham gia công tác xóa đói giảm nghèo đã đến các thôn làng để nói với người dân rằng đảng giúp đỡ họ trong nông nghiệp ra sao và nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân như thế nào. Kết quả, chiến dịch này đã “làm tan chảy trái tim băng giá của các tín đồ tôn giáo” và “giúp họ có nhiều niềm tin hơn vào Đảng”.
Qi Yan, chủ tịch hội đồng nhân dân thị trấn Huangjinbu, quận Yugan là người chịu trách nhiệm xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Ông nói với tờ South China Morning Post rằng người dân không nên dựa dẫm vào Chúa Jesus, mà hãy tin vào sự giúp đỡ của Đảng.
Ông Qi cho biết: “Nhiều hộ nghèo đã rơi vào tình cảnh khó khăn vì bệnh tật. Một số người tin rằng Chúa Jesus có thể chữa bệnh của họ. Nhưng chúng tôi đã cố gắng để nói với họ rằng bệnh tật là vấn đề thể chất và người thực sự có thể giúp họ là Đảng Cộng sản và chủ tịch Tập Cận Bình”.
Ông Qi kể từ tháng 3 năm 2017, tại thị trấn Huangjinbu, người dân đã nhận và treo hơn hơn 1.000 bức chân dung của ông Tập Cận Bình. Trong khi đó, số lượng Kitô hữu ở đây là 5.000-6.000 hộ, chiếm ⅓ dân số.
“Nhiều người dân nông thôn có kém hiểu biết. Họ cho rằng Chúa mới là vị cứu tinh của họ”, ông Qi nói tiếp. “Sau khi các cán bộ của chúng tôi làm việc, họ đã nhận ra thiếu sót của mình và công nhận rằng: Chúng ta không nên dựa dẫm vào Chúa nữa mà hãy tin vào sự giúp đỡ của Đảng”.
Vào tháng 10, các quan chức quận Yugan đã mở một cuộc họp nói về “cảm nhận về cuộc khủng hoảng” của các tôn giáo tại địa phương, theo thông tin tức trang web chính thức của quận. Bí thư đảng ủy quận Hu Wei cho biết họ sẽ kiên quyết đưa “những người có đức tin về quanh Đảng”.
Vào tháng 8/2017, các quan chức bị buộc phải đi gỡ bỏ những cây thánh giá tại quận Yugan. Theo Đài Á Châu Tự Do (RFA), một chiến dịch tương tự cũng được tiến hành tại tỉnh Chiết Giang lân cận.
Ông Liu, một cư dân tại quận Yugan đã nói với South China Morning Post rằng người dân không hề có lựa chọn nào khác, họ buộc phải tuân thủ.
Ông nói: “Có nhà hay đặt câu đối Phúc trước cửa nhà trong dịp Tết Nguyên đán; có nhà thì treo tranh cây thánh giá. Nhưng tất cả đã bị gỡ xuống. Tất cả người dân đều có tín ngưỡng và dĩ nhiên, họ không muốn từ bỏ. Nhưng không có lựa chọn nào khác. Nếu không đồng ý làm theo, họ sẽ không nhận được hỗ trợ từ quỹ xóa đói giảm nghèo”.
Hiến pháp Trung Quốc tuyên bố bảo vệ quyền tự do tôn giáo, nhưng thực tế nhà nước lại mập mờ về bất kỳ tổ chức nào mà họ coi là đe dọa đến quyền kiểm soát người dân của Đảng. Do vậy, các tín đồ Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo và những tín ngưỡng khác và những nơi thờ cúng của họ thường bị kiểm soát chặt chẽ và có thể đóng cửa bất kỳ lúc nào.
Hiện tại, ĐCSTQ đang khao khát quyền kiểm soát người dân hơn bao giờ hết. Tại Đại hội Đảng diễn ra tại Bắc Kinh năm 2017, chủ tịch Tập Cận Bình đã được trao thêm 5 năm tại vị ở chức vụ Tổng Bí Thư, và vị thế của ông được nâng lên ngang tầm với Mao Trạch Đông trong hàng ngũ các lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tên tuổi của ông Tập còn được ghi vào nội dung hiến pháp của Đảng. Các nhà phê bình cho rằng đây là một mối đe dọa lớn đối với bất kỳ người dân nào tại Trung Quốc, giống như những gì diễn ra dưới thời của Mao Trạch Đông.
Trong bài phát biểu tại đại hội, ông Tập nói rằng tôn giáo phải được Đảng dẫn đường để thích nghi với hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Một tờ báo địa phương tại tỉnh Quý Châu đã gọi ông Tập là “lãnh tụ vĩ đại”, cách gọi chỉ được sử dụng dưới thời của Mao Trạch Đông.
Hoàng An (Theo The Washington Post)