Kể từ đầu năm 2022, hàng chục người đã bị sa thải khỏi hệ thống y tế của Trung Quốc trong một chiến dịch “chống tham nhũng” trên diện rộng. Đợt thanh lọc này đã ảnh hưởng đến nhiều quan chức trong chính phủ và các bệnh viện lâm sàng. Điều này xảy ra khi mọi ánh mắt chú ý của cộng đồng quốc tế đang đổ dồn vào nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Nhà bình luận chính trị Nhật Bản Triệu Tiệp (Chao Jie) nói với The Epoch Times: “Việc thu hoạch nội tạng sống đang đi quá xa khỏi giới hạn đạo đức của con người. Ngày nay, nhiều quan chức trong hệ thống y tế đang bị thanh trừng, cũng có thể nói rằng đây là một dạng quả báo.”
Trong nhiệm kỳ của cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân (1993–2003), ĐCSTQ đã bắt đầu cuộc đàn áp tàn bạo đối với cộng đồng tu luyện Pháp Luân Công. Chiến dịch này đã thúc đẩy ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng người phát triển nhanh chóng.
Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công, là một môn tu luyện tâm tính gồm các bài tập tĩnh tại và một bộ các bài giảng đạo đức tập trung vào các nguyên lý Chân, Thiện, và Nhẫn. Pháp môn này phổ biến trong dân chúng ở Trung Quốc vào những năm 1990, ước tính có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người theo học vào cuối thập niên đó. Xem sự phổ biến của môn tập này là một mối đe dọa, lãnh đạo đương thời là Giang Trạch Dân đã khởi xướng một chiến dịch bức hại sâu rộng đối với các học viên Pháp Luân Công nhằm mục đích ‘xóa sổ’ môn tu luyện này.
Năm 2000, ĐCSTQ bắt đầu thu hoạch và bán nội tạng một cách có hệ thống từ các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ, như một phần trong chiến dịch đàn áp. Hệ thống y tế cũng đã dấn sâu vào hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức này. Trong những năm sau đó, hệ thống y tế của ĐCSTQ đã giảm đáng kể thời gian cần thiết để tìm một cơ quan hiến tặng tương thích xuống chỉ còn vài ngày hoặc vài tuần. Trong khi đó, ở Hoa Kỳ, thời gian chờ đợi để ghép tim có thể dao động từ 180 ngày đến vài năm.
ĐCSTQ thanh trừng các quan chức trong ngành y tế
Sau khi Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2012, ông bắt đầu chiến dịch “chống tham nhũng” để thanh trừng phe đối địch của Giang Trạch Dân. Trong những năm gần đây, nhiều quan chức y tế có liên đới với phe Giang bắt đầu bị sa thải.
Từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, hàng chục quan chức cao cấp đã bị sa thải trong cuộc thanh trừng hệ thống y tế của ĐCSTQ — từ quản lý y tế trung ương đến các bệnh viện lâm sàng cấp cơ sở, cho đến các sở y tế của chính quyền địa phương.
Trong số những người bị sa thải có ông Sào Bảo Hoa (Chao Baohua), giám đốc Ủy ban Phòng chống và Kiểm soát Đột quỵ và phó thanh tra của Ủy ban Y tế Quốc gia. Hôm 29/07, Sào Bảo Hoa bị bắt để điều tra. Lý do cụ thể vẫn chưa được công bố.
Ông Vương Bân Toàn (Wang Binquan), cựu giám đốc Bệnh viện Số 1 thuộc Đại học Y Sơn Tây, đã bị khai trừ khỏi đảng và cách chức hôm 22/07. Ông này bị cáo buộc có nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng trong khi thi hành công vụ và nhận nhiều khoản hối lộ.
Ông Trương Chí Khoan (Zhang Zhikuan), bí thư đảng ủy kiêm giám đốc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Bắc Kinh, đang bị điều tra giám sát, chính quyền Trung Quốc đưa tin vào ngày 27/03. Ông này bị nghi ngờ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Ông Chu Tấn (Zhou Jin), cựu giám đốc Bệnh viện Số 1 thuộc Đại học Y Cáp Nhĩ Tân, đã bị khai trừ khỏi đảng vào ngày 23/06. Một danh sách dài các cáo buộc bao gồm “tham gia vào giao dịch tiền bạc-quyền lực” cũng như “tham gia vào các giao dịch quyền lực-tình dục” và nhận những khoản hối lộ rất lớn.
Thu hoạch nội tạng cưỡng bức tiếp tục thu hút sự chú ý của toàn thế giới
Mặc dù chiến dịch “chống tham nhũng” tăng cường này có thể cho thấy một điều gì đó khác, nhưng hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức tiếp tục và vẫn là tâm điểm trong sự chú ý của thế giới.
Lịch sử lâu dài của ĐCSTQ về thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công đã nổi tiếng bên ngoài Trung Quốc. Một phân tích trên tạp chí Đạo đức Y tế hàng Quý Cambridge (Cambridge Quarterly of Healthcare Ethics) của Anh phát hành hôm 28/07 cho thấy Trung Quốc vi phạm các tiêu chí xác định chết não trước khi có thể lấy nội tạng.
Với nhan đề “Các Trường Hợp Lạm Dụng Định Nghĩa Chết Não Trong Mua Bán Nội Tạng Ở Trung Quốc” (“Cases Abusing Brain Death Definition in Organ Procurement in China”), bài báo này trích dẫn các tạp chí y khoa của Trung Quốc trong đó mô tả các phương pháp mổ lấy nội tạng và đi đến kết luận rằng một số người hiến tạng không chết não hoặc chết tim tại thời điểm lấy tạng.
Bài báo đề cập đến một phương pháp lấy nội tạng trong đó các bác sĩ gây ngừng tim để thực hiện phẫu thuật cắt tim cho những người có trái tim hoạt động đầy đủ. Bài này viết, “Những người hiến tặng tim còn đập này không phải là những người hiến tặng nội tạng đã chết não nhưng tim vẫn đập (nhờ máy thở). Điều này có nghĩa là tình trạng của những người hiến tặng này không đáp ứng được các tiêu chí về chết não cũng như chết tim. Nói cách khác, trong những trường hợp này, ‘các cơ quan hiến tặng’ có thể đã được thu hoạch từ những người còn sống.”
Thời gian chờ đợi nội tạng ngắn là một dấu hiệu
Thời gian chờ đợi nội tạng ngắn ở Trung Quốc được nhiều người cho là dấu hiệu cho thấy người dân đang bị giam giữ để nội tạng của họ có thể được thu hoạch theo yêu cầu.
Đơn cử như trường hợp của ông Mục Kiến Cương (Mu Jiangang), một giáo viên tại Đại học Lan Châu. Vào ngày 08/04 năm nay, ông bị lên cơn đau tim đột ngột và được đưa đến bệnh viện để cấp cứu. Các bác sĩ sau đó xác định ông cần được ghép tim sau khi thủ thuật đặt ống thông (stent) để mở rộng lòng động mạch vành thất bại.
Hôm 06/05, ông Mục được chuyển đến Bệnh viện Liên hiệp Vũ Hán, một trong những cơ sở cấy ghép nội tạng hàng đầu của Trung Quốc. Ông đã nhanh chóng được đưa vào danh sách chờ ghép tim. Bốn ngày sau, ca ghép tim của ông Mục đã hoàn thành.
Nguồn cung cấp nội tạng phong phú
Ngoài thời gian chờ đợi nội tạng tương thích vô cùng ngắn của Trung Quốc, một số bệnh nhân ghép tạng của Trung Quốc còn được cung cấp nhiều cơ quan cùng một lúc.
Vào tháng 06/2020, cô Tôn Linh Linh (Sun Lingling), 24 tuổi, quốc tịch Trung Quốc định cư ở Nhật Bản, được đưa đến Bệnh viện Liên hiệp Vũ Hán của Trung Quốc để thực hiện một ca ghép tim. Chỉ trong vòng 10 ngày, bệnh viện này đã tìm được bốn nguồn tim phù hợp để cô lựa chọn.
Trái tim đầu tiên đến bệnh viện vào ngày 16/06, nhưng bác sĩ phụ trách ca phẫu thuật cho rằng động mạch vành của tim không phù hợp. Trái tim này đã bị loại. Trái tim thứ hai đến bệnh viện vào ngày 19/06 nhưng cũng phải bỏ vì hôm đó cô Tôn Linh Linh bị sốt và ca phẫu thuật phải hoãn lại.
Thêm hai trái tim nữa được đưa đến bệnh viện vào ngày 25/06. Bác sĩ phẫu thuật đã chọn một trái tim và bỏ trái tim còn lại vì nó không đủ khỏe mạnh.
Tiến sĩ Torsten Trey, Giám đốc điều hành của Tổ chức Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH), nói với The Epoch Times rằng tính sẵn có của nội tạng không phải một, mà là bốn trái tim cho một bệnh nhân cấy ghép là “ngoài sức tưởng tượng”. Tuy nhiên, những trường hợp như thế này là chuyện như cơm bữa ở Trung Quốc.
Trường hợp của ông Mục Kiến Cương được báo chí Trung Quốc đưa tin vì các đồng nghiệp của ông đang gây quỹ để trang trải chi phí phẫu thuật cho ông. Câu chuyện của cô Tôn Linh Linh được cho là tuyên truyền của Trung Quốc, để minh họa cho cái được cho là sự vượt trội của nhà cầm quyền nước này so với Nhật Bản. Các hãng thông tấn chính thức đưa tin rầm rộ trên các mặt báo phô trương thời gian chờ đợi ghép tạng trong nháy mắt của cô Linh Linh ở Trung Quốc, để so sánh với thời gian chờ đợi dài đằng đẵng ở Nhật Bản.
Theo The Epoch Times