Tạp chí nhân quyền Bitter Winter báo cáo, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cố gắng xóa bỏ Thành Cát Tư Hãn – người sáng lập ra Đế quốc Mông Cổ khỏi lịch sử Trung Quốc.
Thành Cát Tư Hãn lập ra Đế quốc Mông Cổ vào năm 1206. Đây là đế quốc đất liền lớn nhất trong giai đoạn lịch sử khi đó, trải dài khoảng 23 triệu km2 từ biển Thái Bình Dương ở phía Đông đến sông Danube ở phía Tây.
Dưới thời trị vì của Thành Cát Tư Hãn, Đế quốc Mông Cổ đã có một thách thức đầy kịch tính đối với vương triều Nam Tống – Bắc Kim hùng mạnh của Trung Quốc.
Ngày 7/11, Bitter Winter tiết lộ: “Trong tháng qua, 14 tấm bia đá tóm tắt câu chuyện cuộc đời của Thành Cát Tư Hãn và thành tựu của ông đã bị sơn phủ, hoặc phá hủy tại Quảng trường Thành Cát Tư Hãn ở quận Hailar của địa cấp thị Hulun Buir, Nội Mông. Các cuộc phản ánh, biểu tình của người dân địa phương đều bị ngó lơ”.
“Tại một trường trung học cơ sở ở Hexigten thuộc địa cấp thị Xích Phong – Nội Mông, chân dung Thành Cát Tư Hãn và các khẩu hiệu truyền bá văn hóa Mông Cổ đã bị thay thế bằng chân dung các nhân vật lịch sử người Hán, và khẩu hiệu quảng bá văn hóa người Hán”.
Bảo tàng Lịch sử Nantes, Pháp đã đột ngột hủy bỏ cuộc triển lãm Thành Cát Tư Hãn vốn được lên kế hoạch từ lâu.
Triển lãm dự kiến diễn ra vào ngày 13/10, nhưng sau khi Cục Văn hóa Trung Quốc yêu cầu bảo tàng thay đổi tiêu đề của buổi triển lãm, và phải loại bỏ các từ như “Thành Cát Tư Hãn”, “đế chế” và “Mông Cổ”,… tất cả mọi thứ đều ngay lập tức thay đổi.
Bertrand Guillet – Giám đốc Bảo tàng Nantes cho biết, trong một tuyên bố rằng chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu “kiểm soát toàn bộ các sản phẩm, văn bản, bản đồ, danh mục, [và] thông cáo báo chí từ bảo tàng chúng tôi”.
“Bản yếu lược mới được đề xuất, do văn phòng di sản Bắc Kinh soạn, được áp dụng như một sự kiểm duyệt cho dự án ban đầu, bao gồm việc định hướng chỉnh sửa các chi tiết, nhằm làm cho lịch sử và văn hóa Mông Cổ biến mất hoàn toàn vì lợi ích cho một lịch sử mới về đất nước”.
Guillet cho biết thêm, các nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh trong việc kiểm duyệt cuộc triển lãm, là một phần của “sự cứng rắn hơn trong lập trường của chính phủ Trung Quốc đối với dân tộc thiểu số Mông Cổ trong mùa hè này”.
Guillet đã đề cập đến cuộc đàn áp vào mùa hè vừa qua của ĐCSTQ, về việc sử dụng văn hóa và tiếng Mông Cổ trong các trường công lập.
Vào tháng 8/2020, một ủy viên của ĐCSTQ đã “ra lệnh chấm dứt các lớp học tiếng Mông Cổ dành cho học sinh lớp 1 tiểu học, cũng như chấm dứt việc giảng dạy bằng tiếng Mông Cổ, và các tài liệu thay thế tiếng Trung Quốc” ở khu tự trị Nội Mông. Chỉ thị đó ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối của người dân Mông Cổ trên toàn khu vực.
Những nỗ lực quả quyết của ĐCSTQ nhằm loại bỏ các khía cạnh chính của nền văn hóa, và lịch sử Mông Cổ là một phần của chương trình nghị sự tổng thể của ĐCSTQ, nhằm xử lý các mối đe dọa nhận thấy đối với mọi khía cạnh củachính quyền Bắc Kinh trên toàn quốc.
ĐCSTQ thúc đẩy quá trình “Hán hóa” này nhằm củng cố quyền lực của mình. Họ hiện đang áp đặt nền văn hóa dân tộc Hán chiếm đa số lên các nền văn hóa thiểu số ở các khu vực như Mông Cổ, Tân Cương và Tây Tạng. Trong nhiều trường hợp, chính quyền đã có hành vi thực hiện đồng hóa cưỡng chế trái với mong muốn của người dân địa phương.
Việt Anh