Ngày 22/4, VOA đã dẫn lại bài báo của Trần Quý Băng, phó Tổng biên tập của tờ “Thượng Hải Thương Báo”, thẳng thắn chỉ ra việc các quan chức chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã che giấu dịch bệnh như thế nào trong trận đại dịch viêm phổi Vũ Hán lần này.
Ngay từ ngày 27/1, tài khoản Wechat công khai “Ipress” của China Tencent News đã đăng tải một bài viết của Trần Quý Băng, phó Tổng biên tập của tờ “Thượng Hải Thương Báo” với tiêu đề: “Dịch viêm phổi Vũ Hán đã kéo dài 50 ngày, tất cả người Trung Quốc đều phải trả giá bởi ‘cái chết’ của truyền thông”. Bài báo liệt kê những khó khăn chồng chất mà các phóng viên truyền thông gặp phải khi đưa tin về dịch viêm phổi tại Vũ Hán – “tâm chấn” của đại dịch.
Bài báo cho biết, khi các phóng viên của Caixin liên lạc với một số bác sĩ thì được báo lại rằng, Trung tâm Kiểm soát và phòng chống bệnh tật (CDC) đã ra lệnh cho nhân viên y tế không được trả lời phỏng vấn, không được làm “rò rỉ” thông tin dịch bệnh ra bên ngoài; một phóng viên Nhật Bản đã bị đưa đến đồn cảnh sát vì chụp ảnh ở cổng chợ hải sản Hoa Nam; một phóng viên cao cấp từ một tờ báo Hồ Bắc đã bị xử phạt vì đăng bài trên Weibo…
Bài báo viết: “Công khai thông tin chính là liều vắc-xin tốt nhất, chặn các kênh thông tin mà xã hội có thể tìm hiểu về những nguy cơ tiềm ẩn, điều này sẽ gây ra tác hại nghiêm trọng hơn cả những ‘tin đồn’”. Sau đó, bài viết này đã bị xóa, đồng thời, tài khoản công khai đăng tải bài viết cũng biến mất.
Một phóng viên trẻ làm việc cho một kênh truyền thông ở Đại lục nói rằng, anh đã được cử đến Vũ Hán sau Tết Nguyên đán, và rời đi sau khi đóng cửa thành phố. Tổng cộng 72 ngày “cắm chốt” ở đó, anh đã chứng kiến sự yếu đuối, giận dữ, đau đớn, tuyệt vọng của thành phố này, và cũng nhiều lần trải qua tình cảnh bản thảo bị xóa, bị gây khó dễ, bị cấm… vì chủ đề nhạy cảm.
“Không ai gây rắc rối cho tôi. Bên trên trực tiếp ‘đánh động’ đến đơn vị của tôi”, anh nói với VOA. “Tôi cũng quen rồi, làm nghề báo ở Trung Quốc là như vậy”.
“Nếu Trung Quốc có tự do báo chí, và nếu những ‘người thổi còi’ không bị bịt miệng thì đại dịch này có thể đã được ngăn chặn và sẽ không phát triển thành đại dịch virus như hiện nay”, Rebecca Vincent – Giám đốc chi nhánh của tổ chức “Phóng viên không biên giới” (Reporters Without Borders – RSF) tại Anh nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN.
Vincent nói, trước đây mọi người thường chỉ nói về tự do báo chí từ mức độ lý thuyết, nhưng dịch bệnh lần này cho thấy tự do báo chí đôi khi có tác động thực sự và nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người.
Vào ngày 21/4, Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) có trụ sở tại Paris này đã công bố “Báo cáo chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2020”. Chính phủ độc tài ĐCSTQ vốn có chỉ số “xấu” trong bảng xếp hạng hàng năm này, và năm nay cũng không ngoại lệ.
Trong số 180 quốc gia và khu vực được đánh giá trong báo cáo, Trung Quốc đứng thứ 177 về tự do báo chí, tương đương với năm 2019 và đứng thứ 4 từ dưới lên. Thứ hạng của Bắc Triều Tiên đã giảm một bậc so với năm ngoái, xếp cuối bảng.
Báo cáo chỉ ra rằng, trong cuộc đua đàn áp tự do báo chí, Trung Quốc luôn “theo sát” Triều Tiên. Bắc Kinh không ngừng nâng cấp hệ thống kiểm soát thông tin và tiếp tục đàn áp các nhà báo và blogger bất đồng chính kiến.
Vào tháng 2 năm nay, chính quyền đã bắt giữ ít nhất 3 phóng viên công dân để che giấu cuộc khủng hoảng virus. Trung Quốc là “nhà tù phóng viên” lớn nhất thế giới, và hiện có khoảng 100 phóng viên, nhà báo đang bị giam giữ, hầu hết là người Duy Ngô Nhĩ.
RSF đã viết một lá thư cho 2 báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc vào tuần trước, yêu cầu một sự khiển trách chính thức đối với chính quyền ĐCSTQ, vì đã cản trở “quyền được biết về tình hình dịch bệnh của người dân” trong thời gian bùng nổ virus ĐCSTQ. RSF nói, bất luận là đối với cộng đồng trong nước hay quốc tế, những chính phủ này đã đẩy sức khỏe người dân và tính mạng nhân loại đứng bên bờ vực nguy hiểm.
Ngoài việc chỉ trích các nhà lãnh đạo của chính quyền độc tài đã đàn áp, phong tỏa thông tin, RSF cũng kêu gọi mọi người hãy cẩn thận với những “đợt tấn công” bằng cách đưa ra các thông tin sai lệch trên khắp thế giới của Bắc Kinh. Tổ chức này cho biết, kể từ khi bắt đầu đại dịch, Bắc Kinh đã cẩn thận lên kế hoạch cho hoạt động này với mục đích loại bỏ những lời chỉ trích.
“Bắc Kinh dựa vào việc ‘chỉnh gốc lọc nguồn’ như một lá chắn để truyền bá những lời dối trá và thông tin không chính xác, bôi nhọ công việc của phóng viên, khiến mọi người hoài nghi về tin tức họ đăng tải”. Cedric Alviani, giám đốc điều hành Văn phòng Đông Á của tổ chức “Phóng viên không biên giới” bày tỏ.
CNN đưa tin, các chính trị gia của ĐCSTQ đã “đánh giá thấp” mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh trong vài tuần đầu tiên, mục tiêu của cảnh sát là những “phần tử tung tin đồn” truyền bá “tin tức giả mạo”, còn các nhân viên kiểm duyệt mạng Internet thì bận rộn xóa bất kỳ bình luận nào hoài nghi về những tuyên bố của chính phủ.
VOA cho hay, ĐCSTQ đã thu hồi thị thực của 3 phóng viên của “Tạp chí Phố Wall” (WSJ) có trụ sở ở Bắc Kinh vào tháng 2.
“Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài của Trung Quốc” (Foreign Correspondents Club of China, FCCC) đã công bố một báo cáo vào ngày 2/3, cuộc khảo sát hỏi đáp do hiệp hội thực hiện trong năm thứ hai liên tiếp cho thấy, không có phóng viên nào được khảo sát nói rằng điều kiện khi họ tác nghiệp tại Trung Quốc được cải thiện. 82% số người được hỏi nói rằng họ đã bị can thiệp, quấy rối hoặc bạo lực khi tác nghiệp.
Minh Huy (Theo NTDTV)