Tinh Hoa

ĐCSTQ ban hành “Luật mật mã” nhằm bảo vệ chính quyền?

Từ ngày 1/1/2020, “Luật mật mã” của chính phủ Trung Quốc sẽ chính thức có hiệu lực. Theo “Luật mật mã”, tất cả mật mã trực tuyến sẽ được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quản lý theo một cách thống nhất, người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, mức phạt dân sự tối đa có thể hơn 1 triệu nhân dân tệ.

Ngày 1/1/2020, “Luật mật mã” của chính phủ Trung Quốc sẽ chính thức có hiệu lực. (Ảnh: Epoch Times)

Ngày 25/6/2019, “Cơ quan quản lý mật mã nhà nước” của ĐCSTQ đã đề xuất lập ra “Luật mật mã”, được thông qua tại Hội nghị thứ 14 của Ban Thường vụ Đại hội Nhân dân toàn quốc khóa 13 vào ngày 26/10, số điều khoản lên tới 5 chương 44 điều.

“Luật mật mã” quy định ba loại mật mã: mật mã cốt lõi, mật mã phổ thông và mật mã thương mại. Mật mã cốt lõi và phổ thông thích hợp với thông tin bí mật quốc gia, trong khi mật mã thương mại thích hợp với thông tin bí mật phi quốc gia, chẳng hạn như công dân, pháp nhân và các tổ chức khác.

Các tiêu chuẩn quốc gia và ngành nghề cho mật mã thương mại được xây dựng bởi các bộ ngành liên quan, nếu như phát hiện nghi ngờ “có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia” thì việc sử dụng mật mã phải được xem xét.

Theo “Tân Hoa Xã”, Luật mật mã “nhằm quy phạm ứng dụng và việc quản lý mật mã, thúc đẩy phát triển mật mã, đảm bảo an ninh mạng và thông tin, cải thiện mức độ quản lý mật mã khoa học, chuẩn hóa và hợp pháp hóa, là một luật toàn diện, cơ bản trong lĩnh vực mật mã Trung Quốc”.

Cơ quan quản lý mật mã nhà nước ĐCSTQ cũng biểu thị, phải kiên quyết quán triệt nguyên tắc “Đảng quản lý mật mã”, thực hiện tinh thần “chỉ thị và phê chuẩn của Trung ương”, đi theo “con đường phát triển mật mã đặc biệt của Trung Quốc”.

Điều này có nghĩa là cuộc sống và tư tưởng của người dân Đại lục sẽ hoàn toàn công khai, quyền riêng tư cá nhân sẽ không còn được pháp luật bảo vệ. Trước đây, ĐCSTQ đã chính thức lập ra một số phương án nhằm tăng cường giám sát cho điện thoại di động và Internet, thậm chí ở trường học cũng sử dụng hệ thống nhận dạng khuôn mặt như “vòng điện não đồ” để theo dõi biểu hiện của học sinh, khái niệm “công dân” trong pháp luật đã hoàn toàn bị biến chất.

Trường học ở Trung Quốc sử dụng “Vòng điện não đồ” để theo dõi biểu hiện của học sinh. (Ảnh: NTDTV)

Truyền thông nước ngoài và truyền thông Hồng Kông chỉ ra rằng, “Luật mật mã” là một phần của chính sách “blockchain” chính thức của ĐCSTQ, bởi vì trước hai ngày thông qua “Luật mật mã”, Tập Cận Bình đã nhấn mạnh trong nghiên cứu tập thể của Bộ Chính trị ĐCSTQ, phải đẩy nhanh sự phát triển của công nghệ blockchain và đổi mới công nghiệp.

Phân tích cho rằng, ĐCSTQ đã đẩy mạnh việc thực hiện “Luật mật mã” nhằm mục đích kiểm soát công nghệ “blockchain” mà tiền tệ kỹ thuật số dựa vào. “Mật mã cốt lõi”“mật mã phổ thông” chính là “blockchain +” mà Tập Cận Bình nói tới, thuộc cấp độ bí mật quốc gia, trong khi “mật mã thương mại” có mức độ tập trung tương đối thấp, dữ liệu rất khó bị sửa đổi, từng được dùng để duy hộ quyền lực.

Ví dụ như “vụ vắc-xin sinh học Trường Sinh” vào năm ngoái, đã gây ra nỗi kinh hoàng cho cả Trung Quốc vì Quản lý mạng ĐCSTQ không thể xóa dữ liệu được tải lên nền tảng điện toán phân tán khối chuỗi Ethereum, người dùng có thể lướt xem ở bất cứ lúc nào và ở đâu, điều này đã khiến chính quyền Bắc Kinh lo lắng.

Theo “Luật mật mã” của ĐCSTQ quy định, “Cơ quan lãnh đạo công tác mật mã trung ương tiến hành lãnh đạo thống nhất đối với công tác mật mã toàn quốc”, “không tổ chức hay cá nhân nào có thể sử dụng mật mã để tham gia vào các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”…

Phân tích cũng cho rằng, rõ ràng ĐCSTQ đã sớm nhìn thấy tác động trực tiếp của các công nghệ mã hóa thông tin như blockchain đến sự ổn định của chính quyền, vì vậy mà “Luật mật mã” được cho ra đời.

Giới quan sát bên ngoài phổ biến cho rằng, ĐCSTQ phát triển blockchain là có ba mục đích chính, ngoài việc quốc tế hóa Nhân dân tệ, tự chủ về chính sách tiền tệ và giám sát tài chính nội bộ, họ cũng có kế hoạch thiết lập một hệ thống tiền tệ kỹ thuật số để chống lại hệ thống tiền tệ quốc tế tập trung vào đồng đô la Mỹ, kết hợp hệ thống này với sáng kiến “Vành đai và Con đường” để mở rộng cỗ máy toàn trị, mục tiêu cuối cùng là tạo ra một chính phủ kỹ thuật số khổng lồ thống trị thế giới.

Đến lúc đó, các thủ đoạn kiểm duyệt của ĐCSTQ có thể sẽ mở rộng ra nước ngoài, làm tăng các vấn đề an ninh toàn cầu. Nói cách khác, khi các quốc gia dọc Vành đai và Con đường bắt đầu sử dụng hệ thống thanh toán xuyên biên giới của ĐCSTQ, khi nhiều quốc gia bị chi phối bởi hệ thống giám sát mạng hoặc nhận diện khuôn mặt được sản xuất bởi các công ty như Huawei và ZTE, khi mọi người đang sử dụng các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, như WeChat, Weibo… hoặc khi mua hàng trên Taobao, khi đó không chỉ thông tin cá nhân của người dùng mà cả mật khẩu tài khoản của người dùng cũng có thể rơi vào tay ĐCSTQ.

Minh Huy (Theo SOH)