ĐBQH: Đề nghị nâng tuổi thanh niên lên 35
Nhiều đại biểu đã đề nghị nâng độ tuổi tối đa của thanh niên lên 35 thay vì 30 như hiện nay trong dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) trình Quốc hội mới đây.
Chiều 21/11, tại phiên thảo luận về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), đại biểu Mai Thị Kim Nhung – Bí thư Thành đoàn thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã nêu hàng loạt lý do cần thiết và đề nghị tăng độ tuổi thanh niên lên 35.
Tăng tuổi thanh niên lên 35 vì tuổi thọ trung bình tăng, thuận lợi bố trí Đoàn
Lý do thứ nhất, theo bà Nhung là do tuổi thọ bình quân của Việt Nam đã tăng, sức khỏe thể chất được cải thiện nhiều so với thời kỳ trước. Thứ 2, việc tăng độ tuổi thanh niên sẽ tập hợp được đông đảo lực lượng phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tạo thuận lợi cho việc bố trí cán bộ Đoàn.
Mặc dù điều lệ Đoàn quy định đoàn viên từ 16 đến 30 tuổi nếu có nguyện vọng thì tham gia sinh hoạt đoàn đến 35 tuổi, nhưng trên thực tế đa số các cơ sở đoàn trong khối Đảng, đoàn thể, cơ quan hành chính nhà nước đều giữ đoàn viên sinh hoạt đến 35 tuổi.
“Nếu quy định độ tuổi thanh niên tối đa 30 thì các cơ sở đoàn khu vực hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập sẽ có rất ít đoàn viên, khó hoạt động”, bà Nhung khẳng định.
Ngoài ra, đại biểu Nhung còn cho biết, theo khảo sát của Viện nghiên cứu Thanh niên thuộc Trung ương Đoàn thì hiện nay trên thế giới đã có nhiều quốc gia quy định tuổi thanh niên tối đa từ 35 – 40 tuổi, như Singapore quy định độ tuổi thanh niên từ 15 – 35 tuổi, Ấn Độ là từ 10 – 35 tuổi còn Brunei là từ 15 – 40 tuổi.
Tuổi nghỉ hưu tăng nên độ tuổi thanh niên cũng cần cao hơn
Đồng tình với ý kiến của bà Nhung, đại biểu Triệu Thanh Dung – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Cao Bằng cho rằng, việc nâng độ tuổi tối đa của thanh niên lên 35 tuổi là cần thiết, vì hiện nay điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao nên tính năng động sáng tạo, tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ cũng được duy trì dài thêm.
“Thực tế, rất nhiều người đã qua tuổi thanh niên nhưng suy nghĩ, sự sáng tạo, ý chí, nhiệt huyết trong lao động, học tập vẫn như thanh niên”, đại biểu Cao Bằng nói.
Ngoài ra, bà Dung lý giải thêm rằng, Quốc hội vừa thông qua bộ luật Lao động sửa đổi, quy định nâng tuổi nghỉ hưu lên 2 tuổi đối với nam và 5 tuổi đối với nữ, do đó việc kéo dài độ tuổi thanh niên là phù hợp…
Từng là Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn, đại biểu Vũ Trọng Kim cũng đồng tình “cần có những cánh chim đầu đàn 30 đến 35 tuổi, là những người đã thành đạt, dẫn dắt các bạn cùng tiến”.
Chưa thấy vấn đề phát sinh với độ tuổi thanh niên
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện có một số ý kiến thống nhất theo dự thảo luật rằng, nên bắt đầu từ 16 đến 35 tuổi, cũng có ý kiến từ 15 đến 35 tuổi hoặc từ 18 đến 30 tuổi, có ý kiến đề xuất nên chia ra làm 4 nhóm.
Tuy nhiên, theo Luật năm 2005 đã quy định độ tuổi thanh niên từ 16 đến 30 tuổi và quá trình thực hiện Luật đến nay chưa thấy phát sinh vấn đề cần phải nghiên cứu sửa đổi.
Ban soạn thảo thấy độ tuổi thanh niên ở các nước cũng trung bình từ 15 đến 30 như Philippines, Syria, Indonesia, Lào từ 15 đến 30, Thái Lan từ 18 đến 25, Hàn Quốc từ 9 đến dưới 24…Do đó, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến đại biểu để tiếp tục nghiên cứu, xem xét dự luật này tại kỳ họp tới vào giữa năm 2020.
Vũ Tuấn (t/h)