Theo một báo cáo từ công ty nghiên cứu Rhodium Group và Ủy ban Quốc gia về mối quan hệ Mỹ – Trung Quốc, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm xuống còn 5 tỷ USD vào năm 2019, giảm nhẹ so với một năm trước và là mức giảm thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Báo cáo được công bố ngày 11/5 cho biết, bằng cách kìm hãm thỏa thuận và gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế, đại dịch Vũ Hán có thể làm mất đi những tác động tích cực của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà Mỹ và Trung Quốc đã ký hồi tháng 1/2020.
Thống kê sơ bộ cho thấy đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ trong quý I/2020 hụt hơi còn 200 triệu USD, bằng 1/10 con số 2 tỷ USD bình quân hàng quý của năm 2019. Ngoài ra, đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ đã giảm từ 5,4 tỷ USD (năm 2018) xuống còn 5 tỷ USD trong năm 2019.
Báo cáo cho biết, mức đầu tư sụt giảm là do Trung Quốc giới hạn nguồn tiền ra nước ngoài, Mỹ tăng cường các biện pháp giám sát, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại và căng thẳng giữa hai nước gia tăng. Báo cáo còn cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ thậm chí đã giảm từ trước khi xảy ra đại dịch.
Trong khi đó ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư Mỹ dường như không chùn tay khi mà vốn đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp Mỹ vào Trung Quốc trong quý I/2020 đạt 2,3 tỷ USD, giảm nhẹ so với mức trung bình hàng quý của năm 2019. Đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc năm 2019 cũng tăng nhẹ từ mức 13 tỷ đô la một năm trước đó lên 14 tỷ đô la.
Tuy nhiên, đại dịch đã đặt ra sức ép cho các công ty Mỹ ở Trung Quốc, khiến họ phải cân nhắc đến việc chuyển hoạt động sản xuất kinh doanh ra khỏi nước này.
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã xấu đi trong những tuần gần đây trong bối cảnh virus Vũ Hán lan rộng trên toàn cầu.
Vào ngày 8/5, Tổng thống Donald Trump cho biết ông đang đắn đo về việc có nên chấm dứt Thỏa thuận Thương mại Giai đoạn 1 với Trung Quốc hay không. Mặc dù trước đó vài giờ, các quan chức thương mại cấp cao của 2 nước còn cam kết sẽ tiếp tục triển khai thỏa thuận này bất chấp nền kinh tế bị tàn phá bởi virus.
Ông Trump đe dọa sẽ chấm dứt thỏa thuận với Trung Quốc nếu nước này không đáp ứng các cam kết mua hàng.
Các chuyên gia đánh giá, chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ có thể làm tăng rủi ro cho các khoản đầu tư của Trung Quốc, kể cả các thương vụ mua lại ngoài vùng giám sát của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) khi cơ quan này ngày càng lên gân đối với doanh nghiệp Trung Quốc.
Đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ đạt đỉnh trong năm 2016, trong bối cảnh chạy đua một loạt các thỏa thuận ở nước ngoài đầy tham vọng. Các nhà điều hành kể từ đó đã thắt chặt kiểm soát với những gì họ mô tả như đầu tư nước ngoài phi lý.
Thùy Linh (t/h)