Trong suốt quá trình xây dựng và củng cố quyền lực, Đảng Cộng sản Trung Quốc thường sử dụng bạo lực và đấu tranh để trấn áp người dân. Bởi vậy, việc lựa chọn những người có thừa hưởng gen ‘bạo lực’ luôn được đảng chú trọng. Và Giang Trạch Dân chính là ứng viên ‘sáng giá’.
Phần 1: Chân dung cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân
1. Xuất thân Hán gian và bán nước cho Nga (Xem P.1)
2. Quyền lực bằng mọi giá
2.1 Thảm sát Thiên An Môn – Bước lên đỉnh cao sự nghiệp nhờ ủng hộ bạo lực
Trong sách “Sự thật về Giang Trạch Dân”, ông Chu Hạnh Thanh, cựu Phó Tổng biên tập báo Kinh tế Thế giới đã kể lại chi tiết về quá trình phát sinh và phát triển của phong trào Thiên An Môn, lột trần vai diễn của ông Giang Trạch Dân trong vở kịch lịch sử này.
Năm 1989, trong thời điểm phong trào sinh viên đòi dân chủ đang lên cao, tờ Kinh tế Thế giới đã có bài đưa tin chi tiết dài 5 trang kể về buổi tọa đàm tưởng nhớ ông Hồ Diệu Bang, trong đó có những câu nhạy cảm chỉ trích giới lãnh đạo cấp cao chính quyền Trung Quốc.
Sau khi ông Giang Trạch Dân, Bí thư Thành ủy Thượng Hải đương nhiệm biết tin đã yêu cầu ông Tổng biên tập Khâm Bản Lập phải cắt bỏ những nội dung nhạy cảm. Nhưng bài viết chưa bị cắt bỏ đã được phát hành rộng rãi, những ngôn từ sắc bén nhất đã được truyền ra khiến bầu không khí chính trị đặc biệt căng thẳng.
Ngay sau bài báo, ông Giang Trạch Dân đã đình chỉ chức vụ Tổng biên tập của ông Khâm Bản Lập. Ủy ban thành phố Thượng Hải đã cử Tổ công tác tới phụ trách ban biên tập, tước bỏ quyền tự chủ của tờ báo.
“Chữ ký của tôi đã không còn tác dụng, phải có chữ ký của Tổ công tác mới được cho in ấn, còn Tổ công tác thì quyết tâm phải thay đổi hướng làm việc của tờ báo”. Nhưng ông Phó Tổng biên tập Chu Hạnh Thanh không muốn khuất phục nên đã làm trái ý Tổ công tác, trong một kỳ báo ông quyết định cho đăng tiêu đề trên trang nhất là “Chúng ta cần môi trường tự do để kể sự thật!”
Thái độ của ông Giang Trạch Dân đối với tờ Kinh tế Thế giới đã gây làn sóng bất bình trong giới báo chí trên khắp cả nước, một sự kiện chưa từng thấy kể từ khi xây dựng chính quyền Trung Quốc. Lúc này, phong trào dân chủ đã lan rộng sang nhiều lớp người khác.
Cuối cùng vào khoảng giữa tháng 5, tờ Kinh tế Thế giới đã bị đình bản. Ông Chu nói: “Nếu tồn tại mà phải giả dối thì đi ngược lại giá trị tồn tại của công tác thông tin, như thế thà không tồn tại nữa còn hơn. Khi đó tôi đã nói: Thà làm ngọc nát chứ không làm ngói lành”.
Theo thông tin, trong sự kiện Thiên An Môn, ông Chu Hạnh Thanh không được đến hiện trường săn tin cùng đồng nghiệp mà phải ngồi tại văn phòng trông ngóng tình hình, khi đó ông đã tính đến trường hợp xấu nhất là quân đội sẽ thực hiện quản chế quân sự, thậm chí còn dùng súng đạn để xử lý…
Sau sự kiện Thiên An Môn, ông Khâm Bản Lập bị quản thúc rồi bị bệnh qua đời, còn ông Chu Hạnh Thanh thì bị loại khỏi hệ thống công chức. Sau này ông Chu Hạnh Thanh chuyển đến Hồng Kông và tiếp tục con đường làm báo, từng làm việc tại VOA, kiên trì đưa tin về tình hình nhân quyền và dân sinh ở Trung Quốc Đại Lục.
Những rối loạn xã hội sau cải cách của Đặng Tiểu Bình
Đầu năm 1989, kế hoạch cải cách kinh tế của ông Đặng Tiểu Bình đã đem lại sức sống mới cho Trung Quốc, nhưng cũng gây ra những rối loạn trong xã hội. Tuy kinh tế Trung Quốc không ngừng phát triển, hàng hóa dồi dào, nhưng số thuế mà chính quyền Trung ương thu được từ các tỉnh lại giảm đi 1/3, còn lạm phát lên đến gần 20%. Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhà nước phải đóng cửa khiến hàng chục triệu công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp.
Tình trạng này khiến cho nhóm lợi ích của thể chế cũ và mới ngày càng mâu thuẫn nhau gay gắt. Một nhóm người giàu lên nhờ giỏi làm buôn bán, trong khi vô số người thuộc các doanh nghiệp nhà nước trước đó bị mất các loại phúc lợi và chế độ hưu trí. Họ biến thành một lớp người mới trong xã hội. Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng tăng. Đặc biệt là nhân thời cơ cải cách, giới tham quan lợi dụng quyền hành trong tay cấu kết với gian thương, tình trạng bất công xã hội ngày càng lên cao…
Ngày 8/4, ông Hồ Diệu Bang (người được xem là thuộc phái có lương tâm trong đảng) bất ngờ phát bệnh tim tại một cuộc họp của Bộ Chính trị, sau một tuần thì qua đời. Cái chết của ông Hồ Diệu Bang như giọt nước làm tràn ly.
Các trường đại học nổi tiếng như Bắc Kinh, Thanh Hoa, Sư phạm Bắc Kinh, Chính trị… đều tổ chức hoạt động tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang. Hàng ngàn sinh viên tiến về quảng trường Thiên An Môn mang theo vòng hoa đặt trước đài tưởng niệm anh hùng nhân dân. Sinh viên trên toàn quốc hưởng ứng, tổ chức diễu hành và thỉnh nguyện quy mô lớn, những người đi đầu là các giáo sư tóc bạc trắng.
Hòa vào phong trào, hàng triệu người dân Bắc Kinh gồm các cán bộ cơ quan, các phóng viên báo chí ùa nhau kéo ra đường ủng hộ sinh viên. Phóng viên các cơ quan truyền thông Trung ương giơ biểu ngữ “Chúng ta cần sự thật”…
Chỉnh đốn hoạt động đưa tin
Cùng với bài xã luận trên Nhân dân Nhật báo, một mồi lửa khác gây phẫn nộ trong dân chúng chính là hành động trấn áp của ông Bí thư Thành ủy Thượng Hải Giang Trạch Dân đối với tờ Thông tin Kinh tế Thế giới. Nó khiến một nhóm cán bộ kỳ cựu trong đảng hạ quyết tâm phải dùng vũ lực để “ổn định” tình hình. Quá trình ông Giang Trạch Dân xử lý tờ Thông tin Kinh tế Thế giới đã làm hài lòng họ, hành vi này của ông Giang là bước ngoặt khiến phong trào lan rộng.
Bốn ngày sau khi ông Hồ Diệu Bang qua đời (ngày 19/4), các biên tập viên của tờ Kinh tế Thế giới đã tổ chức một buổi thảo luận. Ngày 20/4, Ban Tuyên truyền thành phố Thượng Hải được biết thông tin tờ Thông tin Kinh Thế giới sẽ mở chuyên mục kỷ niệm ông Hồ Diệu Bang. Bà Trưởng ban Tuyên truyền Trần Chí Lập liền thông báo cho ông Giang Trạch Dân biết.
Chiều ngày 21/4, ông Phó Bí thư Thành ủy Thượng Hải Tăng Khánh Hồng đã cùng bà Trần Chí Lập tìm gặp ông Tổng Biên tập Khâm Bản Lập nói chuyện. Ông Khâm Bản Lập nói, chúng tôi sẽ đăng vài trang trong số mới này và sẽ cùng tạp chí “Quan Sát Mới” tổ chức tọa đàm về đồng chí Hồ Diệu Bang vào ngày 19/4 tại Bắc Kinh.
Ông Tăng Khánh Hồng và bà Trần Chí Lập yêu cầu được xem bản in thử trước khi xuất bản. Khoảng 8h30 tối ngày hôm sau, sau khi ông Tăng Khánh Hồng xem qua số báo (kỳ 439) thì yêu cầu ông Khâm Bản Lập rút gọn còn 500 chữ, chủ đề tập trung vào những phát biểu của ông Đới Tinh và Nghiêm Gia Kỳ thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Ông Khâm Bản Lập nói: “Xảy ra chuyện gì thì tôi chịu trách nhiệm, dù sao ông Giang Trạch Dân cũng không xem qua bản in thử. Nếu có hậu quả gì thì Thành ủy và Ban Tuyên truyền cũng không chịu trách nhiệm”.
Ông Giang Trạch Dân cũng không ngờ ông Khâm Bản Lập lại cứng rắn như thế, liền cùng ông Tăng Khánh Hồng đưa chuyện đến ông Giám đốc danh dự của tờ báo là Uông Đạo Hàm. Có ông Uông Đạo Hàm ủng hộ, Giang Trạch Dân yêu cầu ông Khâm Bản Lập phải sửa bản in thử.
Ông Uông Đạo Hàm cũng dùng nguyên tắc Đảng để gây áp lực với ông Khâm Bản Lập. Trong lúc ông Giang Trạch Dân và Uông Đạo Hàm đang khuyên ông Khâm Bản Lập thì phát hiện hàng trăm ngàn tờ báo đã in xong, có 400 tờ đã tung ra các sạp báo. Ngoài ra, một số lượng tương đương cũng đang được gửi tới Bắc Kinh, cuối cùng chỉ thu hồi lại được 20 nghìn tờ.
Sáng ngày 22/4, lễ truy điệu ông Hồ Diệu Bang được tổ chức tại Đại Lễ đường Nhân dân, Chủ tịch nước Dương Thượng Côn chủ trì nghi lễ, hầu hết các lãnh đạo cấp cao đều tham gia. Tại Thượng Hải, ông Giang Trạch Dân phản đối tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang, nhưng mặt khác lại gửi vòng hoa đến lễ tưởng niệm tại Bắc Kinh.
Ngày 26/4, Nhân dân Nhật báo đăng bài xã luận cho rằng phải kiên quyết chống lại tình trạng rối loạn, bài viết đúng ý của ông Giang Trạch Dân, sau đó ông Giang triệu tập gấp cuộc họp kéo dài đến tận 1 giờ sáng, đề nghị phải có biện pháp quyết đoán. Cùng ngày, tại một hội nghị lớn với sự tham gia của hàng ngàn đảng viên, ông Giang tuyên bố đình chỉ chức vụ lãnh đạo của ông Khâm Bản Lập và quyết định phải chỉnh đốn lại tờ Kinh thế Thế giới.
Ngày 27/4, ông Giang Trạch Dân điều “Tổ lãnh đạo chỉnh đốn thành phố Thượng Hải” do ông Lưu Cát và bà Trần Chí Lập phụ trách về làm nhiệm vụ tại tờ Kinh tế Thế giới. Bà Trần Chí Lập đã cho giải tán đội ngũ nhân viên của tờ báo, ngoài ra còn cấm biên tập viên không được tham gia hoạt động báo chí nữa.
Khi ông Khâm Bản Lập bị ung thư kỳ cuối không ra khỏi giường được, bà Trần Chí Lập vừa đi đến phòng bệnh của ông Khâm Bản Lập vừa cười. Bà Trần không phải đến để thăm bệnh, bà ta đến để đọc quyết định xử phạt kỷ luật Đảng ông Khâm Bản Lập.
Câu chuyện ông Giang Trạch Dân và thân tín ra tay thô bạo với tờ Kinh tế Thế giới đã khiến hệ thống truyền thông khắp cả nước lên tiếng chỉ trích. Ngay ngày hôm sau đã diễn ra biểu tình quy mô lớn tại Thượng Hải yêu cầu phục hồi lại chức vụ cho ông Khâm Bản Lập và nêu cao khẩu hiệu tự do ngôn luận. Nhiều nhân sĩ nổi tiếng trong giới truyền thông và giới trí thức đã gọi điện cho ông Giang Trạch Dân yêu cầu phải thu hồi lại quyết định xử lý.
Trước tòa nhà hành chính thành phố, giới sinh viên tụ tập đông đúc hô vang khẩu hiệu, số sinh viên ước tính lên đến hơn 8.000 người. Có thể nói là đợt biểu tình có quy mô lớn nhất của giới sinh viên Thượng Hải.
Sự kiện làm ông Giang Trạch Dân bắt đầu sợ hãi. Ông ta phải thừa nhận “hậu quả nghiêm trọng ngoài dự tính”. Thực tế, hành vi của ông Giang không những dẫn đến hoạt động thị uy ở Thượng Hải mà còn lan rộng ở cả Bắc Kinh.
Tối ngày 27/4, ông Giang Trạch Dân lo lắng gọi điện thoại hơn 40 phút cho ông Lý Nhuệ, cựu Phó Trưởng ban tổ chức Trung ương, khi đó là Ủy viên Ủy ban Tư vấn Trung ương. Ông ta cầu xin ông Lý Nhuệ nhờ bạn bè ở Bắc Kinh giúp đỡ, đồng thời cũng dò hỏi tình hình ở Bắc Kinh. Ông Giang còn than thở với ông Lý Nhuệ rằng bị suy sụp tinh thần.
Ngày 30/4, ông Tổng Bí thư Triệu Tử Dương đi thăm Triều Tiên trở về, ngay tối hôm đó ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng bay đến Bắc Kinh để báo cáo công việc với ông Triệu Tử Dương và xin ý kiến. Ông Triệu Tử Dương sau khi nghe xong, cho rằng ông Giang Trạch Dân xử lý chuyện nhỏ hóa lớn tự đưa mình vào ngõ cụt. Theo một người chứng kiến sự việc tiết lộ, khi đó ông Giang Trạch Dân mặt thẫn thờ, lặng người cả chục phút ngơ ngác nhìn theo hình bóng ông Triệu Tử Dương.
Dĩ nhiên, ông Triệu Tử Dương quá bất mãn với cách xử lý công việc của ông Giang, lời của ông Triệu thốt ra làm tâm trí ông Giang hoảng loạn. Sau đó ông ta còn đi khắp nơi dò la thông tin xem thái độ của các quan to trong đảng thế nào. Từ đây ông Giang biết được Trung ương cũng có nhiều chia rẽ, lời của ông Triệu Tử Dương không đại biểu cho tinh thần của Trung ương.
Thế rồi hơn 600 sinh viên (chủ yếu từ Đại học Bắc Kinh) bắt đầu đến quảng trường Thiên An Môn tuyệt thực kháng nghị, phóng viên các nước đặc biệt chú ý sự kiện này, họ chỉ trích ông Giang Trạch Dân phá hoại nền tảng pháp luật. Tại Thượng Hải, hơn 4.000 sinh viên đến tụ tập trước Ủy ban thành phố yêu cầu ông Bí thư ra mặt. Nhưng ông Giang không dám xuất hiện. Thái độ của ông ta càng thúc đẩy tinh thần phản kháng của sinh viên.
Tại buổi họp của Bộ Chính trị vào khoảng giữa tháng 5, cuộc tranh luận trong nội bộ đảng càng căng thẳng, ông Triệu Tử Dương tuyên bố, sự kiện tờ Kinh tế Thế giới do Thành ủy Thượng Hải gây ra, vì thế họ phải giải quyết. Việc ông Triệu Tử Dương công khai điểm danh ông Giang Trạch Dân, người được lòng ông Trần Vân và ông Lý Tiên Niệm, đã khiến bầu không khí trong đảng càng thêm căng thẳng.
Một sự kiện nữa gây bối rối cho giới lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm khi đó là sự kiện ông Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev bay đến thăm Bắc Kinh…
Cuộc họp của Bộ Chính trị hoàn toàn thất bại, ông Triệu Tử Dương có lẽ cũng thầm dự tính được sắp tới sẽ phải đối diện với chuyện gì, ông tiến vào quảng trường Thiên An Môn nhìn những sinh viên tuyệt thực mà không cầm được nước mắt. Khoảng 10 giờ tối hôm đó, ông Lý Bằng lên tiếng nhắc lại lập trường của Trung ương Đảng sẽ “trừng phạt nghiêm những đối tượng muốn làm loạn”. Nửa đêm hôm đó, một hồi còi lớn vang lên tuyên bố lệnh giới nghiêm tại quảng trường Thiên An Môn.
Vào 2h sáng ngày 20, không lâu sau khi nói chuyện với ông Lý Bằng, ông Giang Trạch Dân lập tức cho đánh điện báo biểu thị thái độ kiên quyết ủng hộ lập trường của Trung ương. Động thái kịp thời của ông Giang rất được lòng những nguyên lão trong đảng, họ cảm thấy như tìm được người “thay ca” đáng tin cậy. Vào ngày 20/5, các nguyên lão đã họp và có quyết định, ông Giang Trạch Dân sẽ trở thành Tổng Bí thư trong nhiệm kỳ mới.
Giang Trạch Dân hưởng lợi nhiều nhất nhờ thảm sát Thiên An Môn
Ông Giang Trạch Dân đã 63 tuổi, vốn dự tính sau hai năm công tác nữa sẽ nghỉ hưu, sau đó sẽ đến giảng dạy tại Đại học Giao thông Thượng Hải, ngôi trường cũ của ông ngày xưa. Nhưng không ngờ, ông Đặng Tiểu Bình lại giao cho chức Tổng Bí thư khiến Giang Trạch Dân hoàn toàn bất ngờ, vậy là ông Giang trở thành người được hưởng lợi nhiều nhất trong sự kiện Thiên An Môn.
Tại buổi gặp vào một ngày gần cuối tháng 5/1989, ông Đặng Tiểu Bình đã khen ngợi cách xử lý của ông Giang đối với tờ Kinh tế Thế giới, đồng thời nói công tác đón tiếp Gorbachev ở Thượng Hải làm tốt hơn ở Bắc Kinh. Lúc này ông Giang thở phào nhẹ nhõm, trong lòng thầm nghĩ thật may đã không nghe lời ông Triệu Tử Dương, nếu không hậu quả không biết như thế nào.
Sau đó, ông Đặng Tiểu Bình muốn ông Giang Trạch Dân đón ông Vạn Lý (Ủy viên trưởng Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc) trong chuyến đi thăm Canada về nước trước thời hạn dự tính. Họ sẽ cho máy bay chở ông Vạn Lý đáp xuống Thượng Hải, nhiệm vụ của ông Giang là khuyên ông Vạn Lý chấp nhận chủ trương của các nguyên lão, nếu không thì không cho về Bắc Kinh.
Ông Đặng Tiểu Bình giải thích, do khi đó có 57 Ủy viên Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc yêu cầu mở Hội nghị thảo luận về tuyên bố của ông Lý Bằng liên quan tính hợp pháp của lệnh giới nghiêm ở Bắc Kinh. Nếu để ông Vạn Lý về kinh chủ trì hội nghị thì tình hình vô cùng bất lợi cho họ và cục diện rất khó kiểm soát. Ông Đặng Tiểu Bình nói bóng gió đây là thử thách đầu tiên của Trung ương đối với ông Giang, nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp chính trị.
Ngày 23/5, ông Giang trở lại Thượng Hải, khoảng 3h chiều ngày 25/5, máy bay chở ông Vạn Lý đáp xuống sân bay Thượng Hải, ông Giang ra đón và chuyển lại bức thư của ông Đặng Tiểu Bình. Ông Vạn Lý là bạn chơi bài brit của ông Đặng, trong thư ông Đặng cầu xin ông Vạn Lý niệm tình bạn bè giúp đỡ trong thời khắc quan trọng này.
6 ngày ở lại Thượng Hải là 6 ngày đau khổ của ông Vạn Lý, ông Giang được lệnh phải giữ ông Vạn Lý ở lại Thượng Hải. Ngày 27/5, ông Vạn Lý đã lên tiếng chấp nhận với lệnh giới nghiêm. Hành động áp bức của ông Giang đối với ông Vạn Lý, về mặt chiến lược chính là đã chặt đứt cánh tay của ông Triệu Tử Dương.
Cùng ngày 27/5, ông Đặng Tiểu Bình mời 8 vị nguyên lão cùng họp để quyết định chức vụ Tổng Bí thư. Ban đầu ông Đặng Tiểu Bình đề nghị ông Kiều Thạch và Lý Thụy Hoàn, nhưng việc ông Trần Vân đưa thêm ông Giang Trạch Dân vào danh sách, và ý kiến của ông Lý Tiên Niệm cùng ông Bạc Nhất Ba là bước ngoặt quan trọng để ông Đặng Tiểu Bình chọn dùng ông Giang Trạch Dân. Ông Lý Tiên Niệm nói: “Giang Trạch Dân tuy thiếu kinh nghiệm làm việc ở Trung ương nhưng là người có đầu óc chính trị, đang ở độ tuổi sung sức, có thể tín nhiệm được”.
Che giấu sự thật, không cho phép lật lại bản án
Cho dù sự kiện ngày 4/6/1989 đã qua nhiều năm và ông Giang Trạch Dân luôn muốn xóa sạch ký ức về nó trong tâm trí mọi người, nhưng hàng năm, cứ đến ngày này, hình ảnh và các bài viết để tưởng nhớ những người đã hy sinh oan uổng vẫn được đăng tải. Đây là điều mà ông Giang Trạch Dân không muốn nhìn thấy. Vào năm 2002, khi ông Giang miễn nhiệm chức Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, ông đã đưa ra một số quy tắc cho các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, trong đó có quy tắc “không được nhắc lại sự kiện Thiên An Môn”.
Trong khoảng hơn một năm sau khi xảy ra sự kiện Thiên An Môn, ông Giang Trạch Dân đã ra lệnh điều tra về những người ủng hộ sinh viên và phản đối trấn áp, mục đích để “quét sạch mọi dấu vết”. Quan cảnh khủng bố chính trị khiến đề tài về sự kiện Thiên An Môn trở nên đặc biệt nhạy cảm ở Trung Quốc sau đó.
Khi một phóng viên người Pháp hỏi lại chuyện nữ nghiên cứu sinh bị cưỡng hiếp tập thể trong khi đang bị giam giữ vì sự kiện Thiên An Môn, câu trả lời của ông Giang đã gây chấn động thế giới: “Cô ta xứng đáng bị như thế!”
Vì muốn xóa sạch ký ức trong lòng người dân Trung Quốc, ông Giang Trạch Dân đã ra lệnh xây dựng một chương trình truyền hình nhằm vu khống và bôi nhọ giới sinh viên. Thậm chí ông còn cho đốt nhiều xe quân đội và ghi hình lại, khiến người dân Trung Quốc tin tưởng, nhằm biện minh cho hành động nổ súng của quân đội. Thủ đoạn này đã khiến nhiều người không tham gia sự kiện này tin vào tuyên truyền của nhà nước.
Hơn 20 năm đã qua đi, mọi người hầu như đều biết sự thật về việc này. Đoạn phim đốt xe quân đội mà truyền thông Trung Quốc đưa tin hoàn toàn là do quân đội tự biên tự diễn. Họ đưa những chiếc xe cũ đến đường Tây Trường An, sau đó huy động nhiều cảnh sát đóng giả sinh viên phóng hỏa đốt xe và quay phim lại. Từ đây, họ vu oan cho người dân và sinh viên để biện minh cho hành động nổ súng trấn áp. Ngày càng nhiều người trong quân đội tham gia vở kịch này đã âm thầm tiết lộ bí mật.
Theo trithucvn.net