Tinh Hoa

Đau lòng cảnh mẹ già phải chăm con trai bị tai biến cùng con dâu phát bệnh tâm thần

Cụ Lê Thị Phi nay đã 77 tuổi, hiện đang ở Ấp Thới Hiệp B, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai TP. Cần Thơ. Vì hoàn cảnh trớ trêu, cụ phải chăm sóc cho con trai là ông Nguyễn Văn Khương (56 tuổi) bất ngờ bị tai biến bại liệt, cùng con dâu là bà Nguyễn Thị Của (51 tuổi) bị tâm thần.

Cả hai vợ chồng phải trông chờ vào thu nhập ít ỏi và sự chăm sóc của mẹ già. (Ảnh: Dân trí)

Trước đó, ông Khương vốn là trụ cột duy nhất trong gia đình. Nhưng trong một lần, ông đột ngột bị choáng váng, rồi ngất xỉu khi đang trong ca trực tại trường học. Khi đến bệnh viện, bác sĩ kết luận ông bị tai biến phải phẫu thuật não. 

Mặc dù ca phẫu thuật thành công, nhưng ông Khương từ đó bị liệt toàn thân. Gia đình không còn nguồn thu nhập từ ông, cùng chi phí chạy chữa phải vay mượn, khiến kinh tế gia đình lụi bại.

Bà Của là vợ ông Khương vì quá đau lòng mà trở nên điên dại. Con cái ông bà người thì đi lấy chồng xa, hoàn cảnh cũng khó khăn. Người thì đang tuổi ăn học, nhưng khi hay tin dữ cũng buộc phải bỏ học, đi làm mà chẳng đủ sống. Bất đắc dĩ, hai vợ chồng ông Khương đành nương nhờ nhà mẹ đẻ, là cụ Phi.

Cuộc sống sinh hoạt của ông Khương hoàn toàn phải dựa vào mẹ già. Bà Của bình thường vốn là một người hiền lành, tận tụy lo cho gia đình. Nhưng từ khi phát bệnh, bà không còn nhận ra ai, thường chửi bới, đập phá đồ đạc, có khi còn bỏ nhà đi không về.

Sau đợt điều trị tại Bệnh viện tâm thần Cần Thơ, may mắn tình trạng bà Của đã ổn định trở lại, bà nhận ra mọi người và còn có thể chăm sóc chồng.

Bà Của chỉ chăm sóc chồng được khi còn tỉnh táo. (Ảnh: Dân trí)

Vui sướng khi thấy con dâu đã bình thường trở lại, cụ Phi không ngại bán cả ruộng đất, cho vợ chồng con trai 60 triệu để xây nhà mới. Đáng tiếc, căn nhà đang bắt đầu xây dựng chưa bao lâu thì con dâu lại phát bệnh. Toàn bộ số tiền để xây nhà nay phải dùng để chạy chữa cho bà Của.

Căn nhà đang xây dở phải dừng lại vì chạy chữa bệnh cho bà Của. (Ảnh: Dân trí)

Cũng như trước kia, mỗi lần phát bệnh là bà Của lại quên hết người nhà, chửi bới cả hàng xóm xung quanh, thậm chí ném gạch đá vào chồng và mẹ chồng. Những lúc này cụ Phi chỉ biết ôm con dâu mà khóc, mặc cho người kia chửi rủa, đấm đá liên tục.

Cụ Phi chia sẻ, ông Khương là người vất vả, chịu khó nhất trong gần 10 đứa con của mình. Ông là người gánh vác mọi việc trong nhà từ bé, cứ 1 buổi đi học lại 1 buổi làm cỏ, gặt lúa ở ruộng đồng, vừa vất vả vừa bận rộn nhưng hồi đó ông vẫn học rất khá. Bươn trải vì gia đình cho đến khi gần 30, ông mới lấy vợ là bà Của bây giờ.

Cụ Phi phải để riêng hộp thuốc đắt tiền vì sợ con dâu có thể lấy nhầm thuốc của bà với chồng. (Ảnh: Dân trí)

Hai người cùng lên Sài Gòn lập nghiệp, vợ làm may vá còn ông làm bảo vệ. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vẫn rất ổn định. Sau này hai người chuyển về Long An khi có với nhau hai con, một trai một gái.

Giờ đây, hai vợ chồng đã sống cùng nhau hơn nửa đời người lại phải trông chờ vào mẹ già đã qua tuổi xế chiều. Tương lai của họ sẽ tiếp tục thế nào khi cả hai đều vướng vào bệnh tật cùng ngôi nhà xây dở có lẽ chẳng thể hoàn thiện.

Mạch Khê (t/h)