Với sự “lên ngôi” của thư điện tử và các thiết bị thông minh, giấy và bút đã trở thành những thứ bất tiện và lỗi thời dần dần sẽ không ai còn muốn mua nữa, thế nhưng hãng bút mực Nakaya tại Nhật Bản vẫn tiếp tục tăng trưởng đều đặn qua từng năm.
Khoảng thời gian 10 năm trở lại đây đánh dấu sự lên ngôi của các thiết bị di động thông minh cũng như của mạng xã hội trong đời sống của con người. Cùng với đó nhiều người đã cho rằng giấy và bút trong thời đại này đã trở thành những thứ bất tiện và lỗi thời, những thứ mà sẽ không ai còn cần đến và muốn mua nữa. Nhưng sự thật không phải như vậy. Thị trường buôn bán những cây bút máy vẫn bất chấp việc vạn vật số hóa mà tiếp tục tăng trưởng đều đặn qua từng năm.
Cụ thể năm 2016, doanh số bán lẻ bút mực đã tăng 2,1% so với năm 2015 – biến thị trường này trở thành thị trường 1 tỉ USD (theo báo cáo của Euromonitor International). Cùng thời điểm đó, thị trường các mặt hàng xa xỉ phẩm khác như đồng hồ hay túi xách khi ấy đang có dấu hiệu chững lại. Có vẻ như đối với nhiều người, đầu tư vào một cây bút tốt vẫn luôn là một sự lựa chọn hợp lý.
Tại thị trường Nhật Bản, sự phát triển của thị trường bút mực lại càng được thể hiện rõ nét hơn. Theo báo cáo của viện nghiên cứu Yano, doanh thu của thị trường bút mực tăng trưởng 19,1% chỉ trong một năm, từ 2014 đến 2015. Nguyên nhân của con số ấn tượng kể trên đến từ việc ngày càng có nhiều khách nước ngoài “chịu chi” cho những sản phẩm bút mực cao cấp của Nhật Bản. Có vẻ như trong thời đại số hóa thì những nét bút mực trên giấy đã trở thành thứ xa xỉ bậc nhất.
Công ty sản xuất bút mực Nakaya tại Tokyo là một trong những nhà sản xuất đầu tiên nhận ra điều này, và kiên quyết giữ nguyên phong cách chế tác thủ công tinh xảo – trong khi những người khác dần chuyển sang sản xuất hàng loạt theo kiểu công nghiệp. Phong cách tưởng chừng như điên rồ khi ấy, hóa ra lại trở thành lựa chọn vô cùng sáng suốt vào 20 năm sau.
Công ty Nakaya được thành lập bởi Nakata Toshiya, một người đàn ông Nhật Bản sinh ra trong gia đình có truyền thống với nghề làm bút. Ông nội của ông Toshiya là Nakata Shunichi, cũng là người đồng sáng lập công ty sản xuất bút Platinum Pen. Bản thân cha ruột ông, ông Toshihiro cũng là người nắm quyền điều hành Platinum Pen ở thời điểm giữa những năm 90 của thế kỷ trước.
Ông Toshiya khi ấy 29 tuổi, đã từ bỏ công việc của mình tại ngân hàng để quay về nối nghiệp gia đình. Đó là thời điểm hết sức khó khăn, khi mà những người thợ thủ công lành nghề nhất của Platinum Pen tuyên bố giải nghệ. Cùng với đó, ngành sản xuất bút khi ấy đang chịu sự đe dọa bởi sự lên ngôi của thư điện tử – nhiều nhà sản xuất đã lo ngại rằng sản phẩm của mình sẽ sớm biến mất khỏi thị trường.
Công ty Nakaya được thành lập tại Taito, Tokyo, như một phương án của ông Toshiya để níu giữ những người thợ lành nghề ở lại với công việc này. Những người thợ này thường xuyên được nhờ tới để hỗ trợ trong việc sửa chữa và điều chỉnh lại những cây bút cũ. Có điều là tham vọng của ông Toshiya không chỉ dừng lại ở đây, mà ông còn muốn công ty Nakaya có thể tự mình sản xuất ra những cây bút mực riêng nữa.
Năm 1999, những người nghệ nhân làm bút kia ký hợp đồng với công ty Nakaya để quay trở về với công việc quen thuộc của họ. Tới năm 2003, nhà thiết kế Yoshida Shinichi đang làm việc tại Platinum Pen được ông Toshiya mời về để đảm nhận công việc thiết kế các mẫu bút cho dòng sản phẩm bút mực Nakaya.
Theo lời ông Nakata Toshiya chia sẻ, thì 75% doanh thu của công ty Nakaya đến từ bên ngoài Nhật Bản – mặc dù chính bản thân ông chưa từng một lần đem sản phẩm của mình đi tham gia bất kỳ một buổi hội chợ hay triển lãm bút mực nào trên thế giới. Thay vào đó, danh tiếng của những cây bút mực Nakaya chủ yếu đến từ những lời truyền miệng, từ các diễn đàn cũng như các trang blog cá nhân, nơi mà những cây bút được miêu tả là “viết mượt”, “bóng bẩy”, và “hào nhoáng”.
Và đương nhiên cách tốt nhất để trải nghiệm một cây bút mực của Nakaya, chính là tự tay mình cầm lấy bút và viết. Nơi lý tưởng nhất để làm điều này là ở hiệu sách Maruzen – một trong những cửa hiệu bút nổi tiếng nhất tại Tokyo. Nơi đây trưng bày rất nhiều sản phẩm của các hãng bút nổi tiếng tại xứ sở mặt trời mọc, mà có thể kể tên một số như Pilot, Sailor, hay Platinum.
Điểm khác biệt lớn nhất của những cây bút mực Nakaya so với những cây bút khác nằm ở ngay chính vẻ ngoài. Trong khi những cây bút mực của các hãng bút nổi tiếng khác trông đều na ná giống nhau, với tông màu tối làm nổi bật phần cài bút bằng kim loại, thì những cây bút mực của Nakaya lại rực rỡ đủ loại sắc màu.
Mặc dù rất nhiều người cuồng bút mực “mê mẩn” những cây bút của Nakaya, nhưng khi hỏi họ điều gì khiến cho những cây bút này trở nên hấp dẫn đến như vậy, thì họ đều không có được câu trả lời cụ thể rõ ràng.
“Khi cầm bút do Nakaya sản xuất, bạn sẽ cảm nhận thấy một điều gì đó hết sức khác biệt so với những cây bút mực khác.”
“Tôi không giải thích được,” – Brad Dowdy, một tay cuồng bút mực chính hiệu, cũng đồng thời là chủ của trang blog Pen Addict chia sẻ. Trong suốt 10 năm qua, anh đã dành ra hàng triệu từ để nói về những công cụ viết thủ công, thế nhưng khi nói về cây bút mực Portable Cigar mà anh yêu thích do Nakaya sản xuất, thì Brad lại không nói nên lời.
Còn đối với một nhà sưu tập lâu năm như Brian Anderson, thì điều làm nên “đẳng cấp” của Nakaya so với các sản phẩm khác trên thị trường chính là việc công ty này cho phép khách hàng tự ý lựa chọn các bộ phận cho cây bút mà mình muốn mua. Theo lời anh, thì những cây bút của Nakaya “giống như những bộ vest được đặt may riêng. Bạn có thể tùy chọn bất kỳ mẫu bút nào, bất kỳ màu sắc nào, bất kỳ chất liệu nào, và bất kỳ ngòi bút nào.”
Đương nhiên, muốn được như vậy thì bản thân bạn cũng phải chịu khó chờ đợi. Một năm, công ty Nakaya chỉ sản xuất 1500 chiếc bút mực mà thôi. Và vì những cây bút của Nakaya được phủ lên thân mình rất nhiều lớp sơn mài để tạo thành chiều sâu cho sản phẩm, nên chỉ riêng quá trình này cũng đã mất tới tận hai tháng trời.
Ngày nay, hầu như phần thân bút của tất cả mọi chiếc bút mực cao cấp đều được gửi về Wajima ở phía Tây Tokyo. Vùng đất này vốn nổi tiếng với di sản văn hóa phi vật thể là sơn mài urushi, được các nghệ nhân tại đây nghiên cứu chế tác từ hơn 500 năm trước.
Để có được sản phẩm cuối cùng là những cây bút được sơn mài tinh xảo đã trở thành thương hiệu của Nakaya, những người nghệ nhân cần phải dùng đến phần nhựa cây màu trắng sữa của cây urushi. Do nhu cầu sử dụng nhựa cây của các nhà sản xuất bút mực đang ngày một tăng cao, mà người ta đã phải nhập khẩu nhựa cây từ Trung Quốc để dùng cho những lớp sơn mài ở dưới; còn nhựa cây urushi tại Wajima được dùng cho những lớp trên cùng.
Mặc dù được sản xuất kỳ công là vậy, nhưng những sản phẩm bút mực của Nakaya có mức giá khởi điểm tương đối dễ tiếp cận, chỉ khoảng 650 USD mà thôi. Trong khi đó, dòng sản phẩm Urushi của hãng bút mực Sailor có giá thấp nhất là 1900 USD; còn dòng sản phẩm sơn mài đen Montblanc 149 có giá khoảng 950 USD. Theo báo cáo của viện nghiên cứu Yano thì chính những sản phẩm giá thấp như vậy dành cho những người “mới tập chơi” đã góp phần tạo thêm một lượng lớn fan cho những chiếc bút mực thủ công.
Mặc dù một số nghệ nhân làm bút mực thủ công của châu Âu phàn nàn rằng những cây bút của Nakaya không đủ độ nặng, thì đây lại trở thành một điểm hết sức hấp dẫn đối với những người yêu thích bút mực Nakaya. Theo lời Dowdy, khi viết thì những cây bút của Nakaya như “biến mất” khỏi lòng bàn tay.
Trong thế giới của những cây bút mực, vẫn luôn có rất nhiều tranh cãi giữa những người mua bút để sưu tầm và những người mua bút để sử dụng. Những cây bút của Nakaya luôn tỏ ra hấp dẫn đối với cả hai nhóm người này: khi mà chúng là những tác phẩm thủ công tinh xảo được làm từ chính đôi tay của những người thợ “dành cả đời mình để làm bút”, nhưng cũng đồng thời viết rất mượt, rất trơn, và cầm rất vừa tay.
Theo ttvn