Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật nên nếu ông bố đập 7 hộp sữa có thể bị khởi tố thì hành vi hủy hoại 7 cây cầu không thể không bị truy cứu trách nhiệm.
Cho rằng con trai uống sữa không đảm bảo chất lượng nên bị đi ngoài, anh Nguyễn Cảnh Cường (xã Nghi Phú, TP Vinh) đến siêu thị Tú Bắc lấy 7 hộp sữa mang ra đường đập phá. Hậu quả, ngày 30/7 Cường bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Vinh khởi tố để điều tra về hành vi hủy hoại tải sản.
Chỉ 2 ngày sau đó, nhiều cơ quan báo chí đồng loạt phản ánh về hiện tượng một số cán bộ ở xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ tổ chức đập phá lan can 7 cây cầu chỉ để… tiện cho ô tô đi lại?
Vụ việc ông bố đập 7 hộp sữa ở siêu thị Tú Bắc (TP Vinh) và 7 cây cầu bị phá ở Cần Thơ xảy ra ở cùng một khoảng thời gian và có chung một dấu hiệu hủy hoại tài sản. Chỉ duy nhất một điều khác là ông bố đập 7 hộp sữa đã bị khởi tố hình sự còn người phá hủy 7 cây cầu dân sinh thì vẫn chưa rõ trách nhiệm.
7 hộp sữa có giá khoảng 2 – 3 triệu đồng, 7 cây cầu bị phá chắc hẳn chí ít cũng tổn thất vài chục triệu. Không cần làm phép tính cũng dễ dàng nhận ra hành vi nào gây thiệt hại lớn hơn, nguy hiểm hơn cho xã hội. Đó là chưa kể việc phá hủy cầu là trực tiếp xâm phạm đến tài sản thuộc sở hữu của nhà nước, của nhân dân.
Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, nên nếu ông bố đập 7 hộp sữa có thể bị khởi tố thì hành vi hủy hoại 7 cây cầu không thể không bị truy cứu trách nhiệm.
So sánh hai sự việc khác nhau có thể bị coi là khập khiễng nhưng những câu chuyện như vậy đang khiến dư luận đặt rất nhiều dấu hỏi về cách đối xử pháp lý giữa một người dân và những “ông quan”.
Dĩ nhiên, không phải ngẫu hứng mà người ta lại đặt ra câu chuyện: “Con mèo tha con cá thì bị đuổi đánh, con hổ tha con lợn thì không ai nói gì”. Ngay mới đây, trong khi 2 thanh niên cướp bánh mì trị giá chưa đến 50 ngàn đồng phải lãnh án tù thì cựu lãnh đạo Vinaconex làm vỡ ống nước sông Đà gây thất thoát hàng tỉ đồng lại được miễn trách nhiệm hình sự.
Một sự đối nghịch đến khó hiểu nhưng vẫn đang hiện hữu hàng ngày trong đời sống xã hội khiến dư luận xôn xao về “cán cân công lý”.
Trở lại với câu chuyện hủy hoại 7 cây cầu ở Cần Thơ, trong khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang kêu gọi cán bộ công chức tiết kiệm, chống lãng phí thì hành động đập phá cầu để một vài cá nhân tiện đi lại không những là hành động hủy hoại tài sản nhà nước mà nó còn cho thấy sự lãng phí rất ngang ngược.
Rõ ràng nếu không làm mạnh tay, làm nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trắng trợn như vậy thì pháp luật đang dung thứ cho những cái sai lớn hơn chỉ vì họ có một vị trí nhất định trong xã hội.
Nhất Phiến
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Theo nguoiduatin