Tinh Hoa

Đào rừng xuống phố, nhiều hộ gia đình miền núi thu về hàng trăm triệu đồng

Còn khoảng chục ngày nữa là đến Tết Mậu Tuất, đồng bào các dân tộc địa phương ở Lai Châu, Sơn La đã bắt đầu nhộn nhịp chuyển đào rừng xuống phố phục vụ người dân chơi Tết. Nhiều hộ gia đình thu lãi gần 100 triệu đồng cho thú chơi đào dưới xuôi. 

Đào được vận chuyển từ các vùng miền núi xuống phố huyện. (Ảnh: Baonghean)

Giữa thời tiết rét căm căm 8 độ C, khu vực quốc lộ chạy dọc huyện Vân Hồ, Mộc Châu (Sơn La) từ sáng sớm đã tấp nập người dân tập kết bán đào rừng. Những cành đào cổ xù xì hoang dã với chi chít nụ hoa màu hồng phớt lâu nay luôn mê hoặc những tín đồ chơi hoa khắp miền Bắc.

Không khó để tìm mua một cành đào ưng ý giữa bạt ngàn đào rừng hay đào tự trồng phần lớn của người dân tộc Mông mang về bán. Ông Sàng A Bua – chủ vườn đào rừng tự trồng nhiều năm nay ở xã Lóng Luông, cho biết cả gia đình ông đã tập trung tại đường quốc lộ, sẵn sàng bán đào khi tết đang đến rất gần.

Ông Bua cho biết, gia đình ông trồng đào hàng chục năm nay, tiếp nối từ bố ông, rồi đến ông và con trai. Năm nào cũng mang đào xuống bán ở Vân Hồ, khoảng nửa tháng trước tết Nguyên đán.

“Năm nay nhuận một tháng nên đào có thời gian nhiều hơn để kết nụ, cành đào ra rất nhiều nụ, đẹp lắm! Năm ngoái nhà tôi bán lãi mấy chục triệu rồi, nhiều khách lên tận vườn để chọn” – ông Bua cho hay.

Chủ vườn Sàng A Bua đang chăm chút một cành đào “cưng” với giá 2,5 triệu đồng. (Ảnh: D.H)

Theo lời chủ vườn đào này, thời điểm nửa tháng trước tết là hợp lý để chặt đào. Giá mỗi cành đào dao động từ 200.000 đồng đến cả chục triệu, có gốc còn lên đến 15 triệu. Ông khoe, năm ngoái ông bán được cho một khách sộp tận Hải Phòng một gốc đào rừng giá 15 triệu. “Nhiều khách lắm tiền lắm, thấy đào đẹp là bỏ tiền ra mua ngay!” – ông Bua phấn khởi.

Trời rét căm căm nhưng người dân vẫn kiên trì đứng dọc lề đường chờ khách du lịch ghé mua đào. (Ảnh: D.H)

Vườn nhà ông có khoảng 300 gốc đào, có gốc hàng chục năm, có gốc từ 7 – 10 năm. Năm nay, thời tiết tuy rét nhưng khô ráo nên khách du lịch lên Mộc Châu rất đông. Đang là mùa hoa mận nên đây cũng là thời điểm hợp lý để khách vừa kết hợp đi chơi, thăm thú Mộc Châu, vừa tranh thủ tìm đặc sản vùng cao về ăn tết, trong đó có đào rừng.

Anh Quân, một du khách từ Hà Nội cho biết năm nào anh cũng “đánh” một chuyến xe bán tải lên để săn đặc sản về ăn tết. Hàng gồm có thịt lợn tươi, trâu – bò khô, rau rừng, khoai sọ… và tất nhiên là không quên những cành đào rừng mê hoặc.

“Đào rừng đẹp hoang sơ, nhiều hoa, và chơi rất bền, có thể ra tết cả tháng rồi vẫn có nụ. Năm nào nhóm bạn thân chúng tôi cũng rủ nhau lên chơi, rồi chở về phải gần chục cành đào vừa chưng ở nhà, vừa tặng ông bà, họ hàng… Tầm 500.000 đồng là đã có một cành đào mỹ mãn rồi!” – anh Quân chia sẻ.

Khách du lịch mê mẩn lưu lại hình ảnh sắc hoa đào – đặc sản vùng cao Sơn La. (Ảnh: D.H)

Vân Hồ được xem là “thủ phủ” đào rừng nên đây là đoạn đường bán đào tấp nập nhất. Khách du lịch có thể ngắm ngía trước khi lên Mộc Châu, rồi khi quay về có thể dừng chân để chọn cho mình một cành đào rừng ưng mắt.

Giá cả của một cành đào từ 200.000 đồng có thể xem là hợp túi tiền, nhiều lựa chọn cho du khách. Hình ảnh quen thuộc thường thấy trên đường quốc lộ những ngày này là xe bán tải, xe tải, thậm chí cả những chiếc xe con mở tung nắp cốp sau và chạy thật chậm về xuôi chỉ để nâng niu những cành đào đặt trong cốp.

Ngoài đào rừng, đây đang là thời điểm của các loại rau cải mèo, khoai sọ, măng, ngô tím… nên chị em hoàn toàn có thể “khuân” về những món ăn đặc sản của vùng cao đáng yêu này, đổi vị cho một kỳ nghỉ tết Mậu Tuất sắp đến.

Theo PNVN