Tinh Hoa

Đảo chính và ba vấn đề của nhà đầu tư nước ngoài ở Myanmar

Cuộc đảo chính của quân đội Myanmar chống lại chính quyền dân sự Myanmar ngày 1/2 đã gây “sốc” cho các công ty nước ngoài trong đó có các công ty Việt Nam đang làm ăn tại Myanmar đang hoạt động tại quốc gia Đông Nam Á này.

(Ảnh minh họa: vietnambusinessinsider.vn)

MỘT

Chiều nay (2/2), Tập đoàn Amata của Thái Lan tuyên bố ngừng dự án xây khu công nghiệp trị giá 1 tỷ USD ở ngoại ô thành phố Yangon.

Hãng xe Suzuki của Nhật Bản cũng tạm dừng nhà máy lắp ráp xe mới dự kiến khởi công vào tháng 9 tới ở Đặc khu kinh tế Thilawa. Suzuki vốn chiếm đến 60% thị trường xe hơi ở Myanmar và đóng vai trò “cột cái” của ngành công nghệ lắp ráp xe ở Myanmar với hai nhà máy ở Yangon và Thilawa.

Hãng hàng không All Nippon Airways cũng tuyên bố đình hoãn chuyến bay thường lệ vào Thứ tư và Thứ sáu mỗi tuần giữa Tokyo và Yangon.

Đây là những phát súng đầu tiên báo động cho làn sóng đóng cửa nhà máy và rút đầu tư ra khỏi Myanmar của các tập đoàn đa quốc gia. Đây là hệ quả của cuộc đảo chính sáng 1/2 khi cố vấn Aung San Suu Kyi và các nhà lãnh đạo cấp cao của Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) bị bắt giữ.

Các doanh nghiệp nước ngoài lẫn Myanmar đang lo ngại về các biện pháp trừng phạt kinh tế mà cộng đồng quốc tế sẽ sớm đưa ra. Các lệnh trừng phạt của Mỹ trước năm 2015 với các công ty nước ngoài giao dịch và làm ăn với các công ty Myanmar có mối quan hệ gần gũi với quân đội vẫn còn là ám ảnh.

Các lệnh trừng phạt mới, nếu có, sẽ là lực cản lớn nhất cho các tập đoàn đa quốc gia muốn làm ăn tại Myanmar trong năm 2021 và giai đoạn sau đó.

HAI

Sẽ khó có trường hợp các tập đoàn rời bỏ Myanmar, mà họ sẽ cố bám trụ và nhiều nhất là tạm đình hoãn các hoạt động.

Tình trạng khẩn cấp dài một năm là phép thử cho môi trường kinh doanh ở Myanmar sau chính biến 1/2. Thông thường, các công ty châu Á ít có tiếng nói hay lên tiếng mạnh mẽ so với các đối thủ châu Âu và Mỹ trước các biến đổi chính trị ở nước họ đang kinh doanh. Ngay cả trong trường hợp họ lên tiếng, vẫn chỉ là thái độ yếu ớt và e dè.
Nay, dù chỉ tuyên bố đình hoãn hay tạm dừng, các công ty châu Á lại làm mọi người ngạc nhiên, bởi nó như một điều cấm kỵ ở các nước chưa có được mạch chảy dân chủ như phương Tây.

“Covid đã đánh chúng tôi rất mạnh. Giờ cuộc đảo chính làm tình hình tồi tệ hơn. Chúng tôi và khách hàng của chúng tôi rất lo ngại về các trừng phạt thương mại rất có thể xảy từ Hoa Kỳ và châu Âu. Và nếu điều này xảy ra, các dự án đầu tư mới ở Myanmar sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”, Viboon Kromadit, CMO của Amata, phát biểu tại Bangkok.

Làn sóng bãi công của các nhà đầu tư nước ngoài ở Myanmar chắc chắn sẽ lan rộng. Dù có là thật tâm dũng cảm gọi sự kiện 1/2 là đảo chính – tức cái tát thẳng vào giới cầm quyền, nhưng sự kiện này tại cho họ một cơ hội khác khi đánh giá lại triển vọng làm ăn trong bối cảnh Covid lan tràn khắp mọi nơi.

Số xe mới bán được của Suzuki trong năm 2020 giảm mạnh hơn năm trước đó. All Nippon Airways đang lỗ nặng do ảnh hưởng của dịch bệnh và đang nằm trong kế hoạch sáp nhập với Japan Airlines. Amata thì lo ngại các công ty Nhật Bản và phương Tây sẽ không vào đầu tư. Và ngay tại quê nhà Thái Lan, Amata cũng đang có những khó khăn tài chính riêng.

BA

Cuối cùng là đến các công ty Việt Nam đang làm ăn tại Myanmar.

Hơn 200 tập đoàn, công ty quốc doanh lẫn tư nhân của Việt Nam đang làm ăn tại Myanmar. Trong đó, có các tên tuổi lớn như tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, hãng hàng không Vietnam Airlines, tập đoàn viễn thông Viettel, ngân hàng BIDV, ngân hàng SHB, hãng xe Thaco Trường Hải, hãng gọi xe công nghệ FastGo…

Ngoại trừ FastGo gặp khó khăn do ít vốn, các tập đoàn còn lại của Việt Nam từng ăn nên làm ra từ 2019 trở về trước, trong đó đặc biệt nổi bật là Viettel, Hoàng Anh Gia Lai và BIDV.

Chưa có tin tức gì về kết quả kinh doanh của các tập đoàn này ở Myanmar, nhưng chắc chắn khó khăn không ít.

Sự kiện 1/2 là một nguyên cớ tốt để rút, nhưng cái cớ vững chắc hơn và dễ nói hơn vẫn là Covid.

Đây là một tấm ảnh tôi chụp ở Bagan lúc chập choạng tối, hình như năm 2016. Ở Yangon, tôi từng đến trước tư dinh của bà Aung San Suu Kyi để nhìn cái cổng hàng rào thép gai và tưởng tượng bà xuất hiện ở đó – như những tấm hình mình thường thấy trên báo chí. Nhưng rồi, vài năm sau đó là một thất vọng rất lớn về một Aung San Suu Kyi thỏa hiệp và câm lặng…

Theo Ricky Hồ