Tả Tông Đường tự Quý Cao (1812-1885 CN), là một danh tướng kiệt xuất cuối đời nhà Thanh, trọng thần của triều đình. Ông từng trải qua nhiều cột mốc quan trọng trong lịch sử như Thái Bình Thiên Quốc, Phong trào Tây Phương hóa, chiến tranh Thiểm Cam, Tân Cương v.v… Tuy nhiên, ít ai biết rằng rất nhiều những chiến công đó của ông đã từng được ông nhìn thấy trước đó qua những giấc mơ.
Mơ thấy “Sao Ngưu Lang”, Tả Tông Đường ra đời
Theo ghi chép trong “Tiên Khảo Sự Lược” của Tả Hiếu Đồng, con của Tả Tông Đường ghi rằng, vào ngày Tả Tông Đường được sinh ra, Dương lão phu nhân tuổi đã gần bát tuần đang nằm ngủ thì đột nhiên mơ thấy có một vị thần tiên từ trời hạ thế vào khuôn viên nhà mình, tự xưng là “Sao Ngưu Lang”.
Sau đó lão thái thái giật mình tỉnh giấc, ngay lúc ấy, phòng bên cạnh bỗng vang lên tiếng trẻ con khóc, hóa ra đêm hôm đó trong nhà lại có một đứa trẻ ra đời, đặt tên là Tả Tông Đường. Lúc bấy giờ, trong lòng Dương lão phu nhân đã ngầm hiểu rằng, đứa trẻ mới sinh này lai lịch chắc chắn không bình thường.
Dần dần câu chuyện về Tả Tông Đường chính là “Sao Ngưu Lang hạ phàm” cũng nhanh chóng được lan truyền khắp nơi.
Tả Tông Đường mơ thấy trước sự đời của mình
Vào cuối thời Minh, đại thần Tiết Phúc Thành (1838-1894 CN) từng ghi chép trong cuốn “Dung Am bút ký” rằng, khi Tả Tông Đường còn trẻ đã từng mơ một giấc mơ kỳ lạ.
Trong mơ ông thấy mình tham gia đăng ký đi thi, tự thấy tài văn chương không tệ nhưng không hiểu sao thi mãi vẫn không thể đậu.
Lúc bấy giờ, triều đình Chính Phùng bỗng rơi vào cảnh lâm nguy, thấy vậy Tả Tông Đường quyết định bỏ văn luyện võ, nào ngờ sau đó lập nên nhiều chiến công, được phong tước vị ngũ đẳng.
Trong mơ ông còn thấy mình chiến đấu liên tục ở một vài tỉnh, sau đó hành quân tiến về phía Tây Bắc, dọc ngang vạn dặm, tiến quân thần tốc, đánh bại quân giặc thu phục được Cương thổ. Từ đó công danh ngày càng hưng thịnh, triều đình phong thưởng, vinh quy quê nhà. Mơ tới đây xong ông liền tỉnh mộng.
Quả thật năm đó mấy lần tổ chức thi cử ông đều không trúng tuyển nên quyết định không thi nữa. Sau đó, Tả Tông Đường xin gia nhập vào tuần phủ Hồ Nam của Trương Lượng Cơ, Lạc Bỉnh Chương và trở thành phụ tá, những ý kiến của ông đưa ra đều luôn được tiếp nhận.
Sau đó ông tiếp tục được đề cử, trở thành tuần phủ Chiết Giang, thống lĩnh đội quân đánh hạ Hàng Châu. Tuy nhiên trên đường đến Tây Hồ, đột nhiên ông cảm thấy như đang đến một nơi rất quen thuộc, những cảnh này ông đều đã nhìn thấy trong giấc mơ trước đó, kể cả những trải nghiệm sau này cũng đều vô cùng trùng khớp.
Đặc biệt trong lần tiến quân vào vùng Tân Cương, triều đình có nhiều người cảm thấy hoài nghi về lần tấn công này do địa thế ở Tân Cương rộng lại xa. Thế nhưng Tả Tông Đường vẫn thản nhiên hùng hồn xuất quân viễn chinh mà không hề do dự. Ông biết chắc chắn lần này sẽ thành công, vì trong giấc mơ trước đó Tả Tông Đường đã từng đi qua khu Tân Cương này rồi.
Tiết Phúc Thành là người ghi chép lại câu chuyện này cuối cùng cũng phải cảm thán một câu: “Phàm là một người đạt được chiến thắng, vinh danh đầu tiên, hẳn là định trước, huống hồ công lao to lớn sự nghiệp vĩ đại như Tả công đây!”.
Thành Hoàng điểm hóa diệt nạn sói
Trên đường tiến quân về phía Tây chinh chiến, đúng lúc đi qua Cam Túc, Tả Tông Đường vô tình nghe thấy bá tánh than thở rằng, có một bầy sói hoang gần đây hay tụ tập thành đàn, gây họa cho cả người lẫn động vật, khiến người dân bị thiệt hại nặng nề.
Tả Tông Đường thấy vậy bèn sai binh lính đi dẹp tan đàn sói, giải vây cho bá tánh. Thế nhưng do đàn sói hành tung bất định, binh sĩ dù tìm mọi cách để bao vây tìm bắt nhưng mãi vẫn không thành công mà còn bị tấn công lại.
Có người nghĩ đến việc rút lui nên nói với Tả Tông Đường rằng đám sói hoang này là do thần Thành Hoàng quản, dựa vào sức người thì khó mà đánh dẹp, ý muốn Tả Tông Đường hãy ngừng việc bắt đàn sói này lại.
Nghe thấy vậy Tả Tông Đường liền nghiêm nghị nói, nếu đây là do Thành Hoàng thần quản, vậy thì ta sẽ mời Thành Hoàng ra đây. Sau đó, ông lập tức dẫn binh đến miếu Thành Hoàng, đem bức tượng Thành Hoàng đặt bên ngoài viên môn rồi nói với bức tượng rằng:
“Đám sói hung hăng, gây hại cho bá tánh, đáng lẽ nên quản chặt. Nếu người để nó làm hại đến sinh linh, tôi đây sẽ xử lý người theo quân pháp, nhất định không thể tha!”.
Vốn dĩ, Tả Tông Đường chỉ là cố ý làm ra vẻ để biểu thị sự quyết tâm, thề nhất định sẽ dẹp loạn đàn sói, nhưng không ngờ đêm hôm ấy, ông lại nằm mơ gặp được thần Thành Hoàng.
Thành Hoàng còn nói với ông rằng:
“Đám sói này không phải do ta quản, ta cũng bị thiệt hại nặng nề, mặc dù ta quản không nổi chúng nhưng ta biết hang ổ của bọn chúng ở đâu”.
Sau giấc mơ, Tả Tông Đường tỉnh dậy bèn lập tức dựa theo chỉ điểm của thần Thành Hoàng thuận lợi tìm ra được hang ổ của bầy sói, thế là lần đó bầy sói nhanh chóng đã bị Tả Tông Đường cho tiêu diệt hoàn toàn.
Sau khi dẹp tan bầy sói trở về, ông vội vã đem bức tượng của Thành Hoàng trả về chỗ cũ rồi liên tiếp khấu đầu tạ ơn.
Ba giấc mơ kỳ lạ này đối với người hiện nay mà nói, quả thật có ý nghĩa phi phàm. Ai mà biết được, từ khi còn là một chàng trai trẻ bình thường, Tả Tông Đường đã nhìn thấy trước được tương lai của mình. Điều đó cũng nói lên rằng, có thể con đường của mỗi người đều đã được thần an bài, đều là có định số.
Chúc Di (Theo Kannewyork)