Sau sự kiện cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân chạy trốn đến Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô tiết lộ “cuộc đảo chính Bạc Chu”, khiến Tập Cận Bình vừa lên nắm quyền đã hạ quyết tâm “đả hổ”, loại bỏ các “hổ lớn” có thực quyền của phe cánh Giang Trạch Dân như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Cốc Tuấn Sơn…
Năm nay, sự kiện cựu Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lực Quân, Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật tỉnh Giang Tô Vương Lập Khoa và hàng loạt “hổ lớn” trong hệ thống Chính trị Pháp luật bị “ngã ngựa”, âm mưu “hành thích Tập Cận Bình” của băng nhóm đảo chính lại một lần nữa được đưa ra ánh sáng.
Cháu trai của Giang Trạch Dân âm mưu ám sát Tập Cận Bình
Sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, bóng đen của “cuộc đảo chính” vẫn luôn ám ảnh đối với chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Vào tháng 4/2020, Thứ trưởng Bộ Công an ĐCSTQ Tôn Lực Quân đã bị “ngã ngựa”. Một năm sau đó, vào ngày 30/9 năm nay, Ủy ban Kỷ luật Trung ương đã ra thông báo “song khai” (khai trừ khỏi Đảng và chức vụ).
Những người hiểu chuyện cho biết, lý do thực sự khiến Tôn Lực Quân “ngã ngựa” là do ông ta đã tham gia vào một cuộc đảo chính chống lại Tập Cận Bình. Tôn Lực Quân là người thuộc phe cánh Giang Trạch Dân, vị trí của ông ta có tính đe dọa rất lớn đối với Tập Cận Bình, lớn đến mức có thể khiến tính mạng của Tập không còn được đảm bảo. Tôn Lực Quân ngã ngựa, có nghĩa là Tập Cận Bình đã khống chế được cục diện.
Vào ngày 30/9/2021, trang web chính thức của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã đưa ra thông báo về việc khai trừ đảng và công chức của nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lực Quân với những ngôn từ nghiêm khắc chưa từng thấy. Thông báo nêu rõ: “Tôn Lực Quân đã không từ thủ đoạn, thao túng quyền lực, kéo bè kết phái trong đảng, vun đắp quyền lực cá nhân, hình thành nhóm lợi ích, thành lập các nhóm để kiểm soát các bộ phận chủ chốt…”.
Những từ ngữ như “tham vọng chính trị cực kỳ lớn”, “thao túng quyền lực, kéo bè kết phái trong đảng” trước đây cũng được dùng để kết tội “Chính Pháp Vương” (lãnh đạo Ủy ban Chính trị Pháp luật) Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai, và cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ. Những người này đều từng tham gia vào kế hoạch đảo chính nhắm vào ông Tập Cận Bình.
Điều đáng suy nghĩ là, ngay trong đêm Tôn Lực Quân “ngã ngựa”, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Triệu Khắc Chí đã liệt kê Tôn Lực Quân, Chu Vĩnh Khang và Mạnh Hoành Vĩ vào danh sách “3 loại nọc độc lớn”.
Được biết, vào thời điểm bùng phát dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đầu năm 2020, Tôn Lực Quân là một trong những thành viên của Tổ chỉ đạo Trung ương đến Hồ Bắc phụ trách công tác thu thập, xử lý tài liệu về dịch, mục đích chính không phải để ngăn chặn dịch mà là để chặn tin tức. Đến ngày 19/4, Tôn Lực Quân chính thức bị “song quy” chỉ sau hơn một tháng. (“Song quy” tức những cán bộ nòng cốt bị buộc tội tham nhũng và vi phạm kỷ luật khác sẽ phải chịu hình phạt tống giam ngoại tụng, cách ly và tra khảo do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc tiến hành).
Ông Quách Văn Quý, một tỷ phú Trung Quốc sống lưu vong ở Mỹ, đã trích dẫn bản điều tra của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đối với Giang Chí Thành (cháu trai của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, hiện đã trốn sang Nhật Bản) cho biết: Trước đây, điều tra Giang Chí Thành là vì lúc đó quân khu Hồ Bắc và khu cảnh bị Thượng Hải đều có người báo cáo với ông Tập Cận Bình, nói rằng Tôn Lực Quân và “hổ Chính Pháp” Vương Lập Khoa định ngày gặp mặt là muốn ám sát Tập Cận Bình, bởi vì lúc đó ông Tập đang chuẩn bị đến Vũ Hán.
Tập Cận Bình liền phái thân tín Đinh Tiết Tường và Bộ Tổng tham mưu 3 (đây là hạt nhân của chiến lược quân sự của ĐCSTQ, đảm nhận nhiệm vụ giám sát, phân tích số lượng lớn thông tin liên lạc toàn cầu, bao gồm điện thoại đại sứ quán, thư doanh nghiệp và mạng lưới tội phạm) cùng đi điều tra. Bộ Tổng tham mưu 3 sau khi điều tra đã báo cáo lại, nói rằng Vương Lập Khoa, Tôn Lực Quân, La Văn Tiến (đội trưởng đội cảnh sát hình sự thuộc Phòng Công an tỉnh Giang Tô), những người này đang chuẩn bị cho âm mưu ám sát.
Tập Cận Bình nghe xong lập tức phái người của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương lập án điều tra, bắt đầu có hành động đối với Tôn Lực Quân. Tôn Lực Quân sau khi bị bắt vẫn tỏ ra rất cứng rắn, cái gì cũng không khai, mãi đến lúc nói chuyện phiếm mới phát hiện ông ta có quan hệ với Giang Chí Thành. Mời Giang Chí Thành đến nói chuyện, đại khái bốn năm lần, nhưng anh ta cũng vô cùng kín tiếng. Sau đó lại mời Mạnh Kiến Trụ, Vương Lập Khoa đến nói chuyện, nhưng cả 2 cũng đều rất cứng rắn.
Về sau, Tôn Lực Quân ở bên trong không chịu nổi nữa, liền khai ra Jack Ma chính là “găng tay trắng” của Giang Chí Thành. 170 hạng mục ở nước ngoài của Jack Ma đều là để giấu tiền, ông chủ phía sau Jack Ma chính là Giang Chí Thành và gia tộc họ Giang, ngoài ra còn có cổ phần của Tăng Khánh Hồng, Mạnh Kiến Trụ. Cũng trong lúc bị bắt, người đầu tiên mà Tôn Lực Quân khai ra chính là vợ chồng Triệu Vy, Hoàng Hữu Long.
Không chỉ có Jack Ma, hầu hết những ông lớn trong giới doanh nghiệp Trung Quốc có quan hệ với Giang Chí Thành như Sử Ngọc Trụ, Đổng Văn Tiêu, Liễu Truyền Chí, con gái Liễu Truyền Chí, Trương Nhất Minh, Mã Minh Triết,… đại khái hơn 100 người đều có dính líu trong vụ án.
Giang Chí Thành bị bắt vào cuối tháng 3/2021, anh ta cho rằng đến Singapore sẽ được an toàn, nhưng chính quyền Tập Cận Bình vì để nhà họ Giang tận mắt chứng kiến, nên đã không bắt người ở trong nước, cũng không đả động tới Giang Chí Thành, cho đến lúc anh ta vừa tới Singapore liền bị bắt.
Cũng kể từ ngày đó, Tập Cận Bình rất ít khi bước chân ra ngoài. Tập nằm mơ cũng không nghĩ được rằng những người này lại dám giết mình. Tập càng không thể ngờ, tất cả cảnh vệ Cục 9 của mình đều đã bị phe phái Giang cài cắm, những người này cũng đều muốn lấy mạng Tập Cận Bình. Cho nên từ ngày đó, Tập hiếm khi xuất hiện công khai, cũng nhanh chóng thay đổi người bên cạnh mình.
Đợt điều tra này đúng là “máu chảy thành sông”, Quách Văn Quý hình dung vào năm 2020, suốt mấy ngày 2, 3, 4 tháng 10 đều tiến hành truy bắt người, cả nước đều bắt người. Cảnh sát vũ trang cũng đã điều động 15.000 người đi điều tra, tất cả những người có liên quan đến Mạnh Kiến Trụ, Trần Trăn, Vương Lập Khoa, ngay cả tài xế, bảo mẫu, toàn bộ gia đình đều bị khống chế, một ngày mà bắt tới 60.000 người, niêm phong hơn 1 triệu tài khoản cùng tài sản 2 triệu NDT, số tiền liên quan ở hải ngoại lên đến 5 triệu USD.
Ông trùm đằng sau “băng nhóm đảo chính”
Từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền tới nay, do liên tiếp có những hành động mạnh tay chống tham nhũng, nên cũng gặp phải nhiều sự phản công, âm mưu chính biến, ám sát cũng liên tiếp diễn ra. Có kênh truyền thông cho biết, mấy năm gần đây, ông Tập Cận Bình đã ít nhất 10 lần gặp nguy hiểm, phần lớn liên quan tới âm mưu ám sát.
Tờ Oriental Daily của Hồng Kông trước đó trích dẫn các nguồn tin cấp cao gần gũi với Trung Nam Hải cho biết, tại hội nghị Bắc Đới Hà diễn ra vào mùa hè năm 2012, có ít nhất 2 lần Chu Vĩnh Khang có âm mưu ám sát ông Tập Cận Bình: một lần là bố trí đặt bom trong phòng họp, một lần là nhân cơ hội ông Tập kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện 301 để tiêm thuốc độc.
Ngày 14/9/2021, trang tin Sohu và 163 đăng bài viết có tựa đề “Nắm đấm sắt đối với những kẻ hám lợi mất khôn!”. Bài viết nói về cuộc họp báo do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương mở ra nhằm thông báo về các vấn đề liên quan đến “bang tư pháp” Giang Tô do nguyên đội trưởng đội cảnh sát hình sự thuộc Phòng Công an tỉnh Giang Tô La Văn Tiến đứng đầu.
Trong đó nhắc đến La Văn Tiến và Giám đốc công an thành phố Trùng Khánh Đặng Khôi Lâm là người cùng quê Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc, “bù đắp cho nhau, tùy tiện thảo luận về trung ương”, “nhục mạ lãnh đạo chính của đất nước. Thậm chí có kế hoạch gây rối khi lãnh đạo tổ chức hoạt động kỷ niệm tại Nam Kinh, nhưng đã bị nhân viên cơ quan an ninh ngăn chặn”.
La Văn Tiến đã nghỉ hưu vào tháng 7/2018. Vào ngày 31/7/2020, La đã bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh Giang Tô thông báo điều tra. Bài báo nói trên tiết lộ rằng nửa tháng trước khi La Văn Tiến bị điều tra, cựu phó kiểm sát viên thường trực của Viện kiểm sát tỉnh Giang Tô là Nghiêm Minh “ngã ngựa”, đã khai ra những trao đổi bất hợp pháp giữa La Văn Tiến, Đặng Khôi Lâm và cựu Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch Công ty cổ phần hữu hạn Quản lý tài sản Hoa Dung Lại Tiểu Dân. Khoảng hai tháng sau phiên tòa xét xử La Văn Tiến, sếp cũ của La Văn Tiến là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Giang Tô, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật, cựu Trưởng phòng Công an Giang Tô Vương Lập Khoa cũng chủ động đầu thú.
Nhiều phân tích chỉ ra “lãnh đạo chính của đất nước” được nhắc đến là chỉ ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc sau đó đã chặn bài viết này, cũng không lên tiếng để trả lời về những nghi ngờ của ngoại giới.
Vào ngày 6/ 2/2012, Vương Lập Quân đã mang theo tài liệu mật của mình lẩn tránh tại Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô, gây ra một trận “sóng to gió lớn”, khiến bức màn đen của “cuộc đảo chính Bạc Chu” đã được đưa ra ánh sáng. Cũng trong tháng 2/2012, trong thời gian đương nhiệm Phó Chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình có chuyến thăm tới Mỹ. Tờ The Washington Free Beacon đã phơi bày các tài liệu mà cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân giao cho Lãnh sự quán Mỹ, trong đó có kế hoạch Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang liên thủ cùng âm mưu phát động chính biến, cuối cùng lật đổ ông Tập Cận Bình. Theo bản tin, lần chính biến này là do Giang Trạch Dân cầm đầu chủ đạo, nhân vật thứ 2 của phe Giang là Tăng Khánh Hồng chủ mưu, Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh khang liên thủ thực thi.
Vào năm 2021, cuộc tranh đấu giữa ông Tập Cận Bình và lực lượng chống Tập do Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đứng đầu đã đến hồi vô cùng quyết liệt. Giang Trạch Dân là cựu độc tài của ĐCSTQ, còn Tăng Khánh Hồng là cựu Ủy viên Ban Thường vụ Tổng cục Chính trị kiêm phó Chủ tịch nước. “Phe Giang Trạch Dân”, “Tập đoàn Giang Trạch Dân” hoặc “Băng đảng nợ máu” do Giang và Tăng đứng đầu là đoàn thể tham nhũng nhất trong nội bộ ĐCSTQ.
Kể từ năm 2013, ông Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch chống tham nhũng, loại bỏ những phần tử tham nhũng nghiêm trọng cho đến cấp cao nhất trong lực lượng chính trị và quân sự của ĐCSTQ, tất cả đều là phe cánh của Giang. Giang và Tăng là cây gậy chống lưng của họ.
Vào giữa tháng 9 năm nay, các kênh truyền thông ở Đại lục bất ngờ rộ lên tin rằng có người đang cố gắng âm mưu chống lại các lãnh đạo đất nước. Tin tức về “ám sát”, “đảo chính”, “thay thế” tràn ngập khắp nơi, đẩy cuộc chiến ác liệt giữa ông Tập với các lực lượng chống Tập do Giang và Tăng đứng đầu đến hồi đọ sức căng thẳng cuối cùng.
Năm 2021 cũng là một năm quan trọng trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ. Đối với phe của Giang, đây là cơ hội cuối cùng để lật đổ ông Tập. Tuy phe Giang không còn mạnh như trước nhưng vẫn sẽ muốn lợi dụng cuộc khủng hoảng lớn trong và ngoài nước mà ông Tập đang phải đối mặt để tỉ thí với ông Tập một trận cuối cùng.
Ngày 15/11 sẽ là hạn chót cho cuộc thanh trừng chính trị của ông Tập ở cấp trung ương và cấp tỉnh. Trước hoặc giữa tháng 11, cuộc đọ sức giữa ông Tập với Giang và Tăng trong lĩnh vực chính trị và luật pháp sẽ có kết quả sơ bộ. Dự kiến trong đợt giao tranh lần này, có thể có một con hổ lớn của phe Giang sẽ bị ngã ngựa.
Tuệ Tâm (Theo Vision Times)