Những số liệu khổng lồ về các vụ tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương… trên khắp thế giới được cập nhật mỗi ngày, nhưng chúng sẽ chỉ là những con số vô nghĩa nếu chúng ta quên mất đi rằng: Lỗi một phần là ở bản thân chúng ta.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, hàng năm có khoảng hơn 1,25 triệu người trên thế giới bị thiệt mạng do tai nạn giao thông đường bộ, 20-50 triệu người bị thương trong các vụ tai nạn và rất nhiều trong số đó là những thương tật vĩnh viễn. Cùng với việc vượt quá tốc độ cho phép, lái xe khi say rượu bia là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra những nỗi bất hạnh không đáng có.
Chilli, 15 tuổi, hiện sống tại bang Texas (Mỹ) là một trong số những người không may mắn như vậy. Từ một đứa trẻ lành lặn, cô bé bỗng dưng phải sống cuộc sống của người khuyết tật trên chiếc xe lăn trong rất nhiều năm sắp tới, và có thể sẽ là cả cuộc đời sau này.
Lá thư của Chilli
Vào một buổi chiều thứ bảy nóng bức đầu tháng 7/2010, Xitclalli Vásquez 7 tuổi, gia đình và bạn bè vẫn gọi em là Chilli – đang trên đường về nhà từ trung tâm mua sắm sau khi mới làm tóc và làm móng tay. Con bé muốn mình trông thật xinh đẹp trong ngày sinh nhật vào thứ 2 sắp tới. Nhưng mọi thứ đã bị đảo lộn. Một tài xế say xỉn trên chiếc xe bán tải đánh cắp đang phóng ngược chiều trên con phố Fort Worth tấp nập đã đâm sầm vào xe của em.
Mẹ cô bé, Arabella Vásquez, lao đến bệnh viện, cô thậm chí không dám chắc rằng đứa con của mình có thể sống sót được sau tai nạn khủng khiếp đó hay không. Arabella nói con bé là một đứa trẻ kỳ diệu bởi sau 105 ngày chiến đấu ở bệnh viện, Chilli đã có thể trở về với gia đình và bắt đầu lại cuộc sống, một cuộc sống rất “mới”.
Sau vụ tai nạn, tài xế Jeremy Solis đã nhận mức phạt 10 năm trong nhà tù, còn Chilli thì phải ngồi xe lăn, con bé bị liệt hoàn toàn nửa người dưới. Không phải là chuyện dễ dàng khi một đứa trẻ phải đối mặt với kẻ phạm tội trong phòng xử án. Tuy nhiên, Chilli mạnh mẽ hơn bạn bè cùng trang lứa, và lá thư cảm động dài 4 trang giấy của em vào hai năm sau vụ tai nạn dành cho người tài xế say xỉn khiến em bị bại liệt đã cho thấy điều đó.
Trong bức thư, cô bé kể lại quãng thời gian khó khăn trong bệnh viện, từ những ngày đầu tiên khi thậm chí em không nhận thức được sự bất hạnh của mình, cho đến những ngày trị liệu đầy đau đớn. “Gửi từ một nạn nhân của chú, chào chú Jeremy, cháu là Xitclalli Vásquez, nhưng mọi người vẫn thường gọi cháu là Chilli. Cháu 9 tuổi và đang học lớp 4, cháu bị chuẩn đoán là bị liệt.
Cháu không nhớ gì về những ngày đầu tiên sau vụ tai nạn. Cháu không thể nói được nên cháu phải dùng ngón tay cái để trả lời những câu hỏi “có” hoặc “không”. Khi ở trong phòng cấp cứu, cháu đã có những trải nghiệm vô cùng tồi tệ. Ngày nào họ cũng đưa cháu đi chụp X-quang và cho cháu ăn bằng ống truyền, cháu phải đeo những ống truyền trong miệng và mũi“.Vào ngày tai nạn, dì Tia Maria đến đón cháu và chị Giselle. Dì ấy đưa chúng cháu đến một trung tâm thương mại ở phía Bắc để cắt tóc và làm móng tay. Cháu đã rất háo hức để khoe chúng với mọi người trong gia đình.
Chilli cũng nói rằng có những lúc cô bé cảm thấy bất lực vì không thể làm được những việc đơn giản mà trước đây em từng có thể tự làm được.
“Rất nhiều lần cháu chỉ biết khóc và khóc. Cháu hiểu các cô y tá chỉ muốn tốt cho cháu thôi nhưng nó thật sự rất đau những lúc cháu không thực hiện được. Trong lúc trị liệu, mọi người chỉ cho cháu cách nhấc người lên và tự mặc quần áo. Nhưng cho đến tận bây giờ, công việc này vẫn rất khó khăn. Mẹ đã giúp rất nhiều nhưng cháu cần phải tự cố gắng. Cháu đã khóc suốt nhiều ngày vì cháu không thể làm được những gì trước đây mình đã từng có thể làm”.
Arabella kể rằng, gia đình chị đã trải qua một thời gian khó khăn, có những ngày Chilli buồn và trầm cảm, có những ngày họ không có đủ thời gian để chăm lo việc nhà cửa, và hoá đơn chữa trị thì tăng lên không có điểm dừng, vượt quá 1,6 triệu USD trong tháng đầu tiên Chilli nằm viện.
Tuy nhiên, người mẹ này tự nào về những gì con gái mình đã làm được sau vụ tai nạn, con bé đã vui vẻ trở lại và chơi đùa như những đứa trẻ khác, Chilli học giỏi ở trường và muốn trở thành bác sĩ để giúp người khác theo cách mà các bác sĩ đã giúp em. Và cũng giống như Chilli, Arabella cũng mơ ước rằng, một ngày nào đó con gái cô có thể đi lại bình thường trở lại.
Một vấn đề đáng nói khác là tình trạng thanh thiếu niên sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Số liệu của tổ chức này cho thấy khoảng 4.300 người thiệt mạng mỗi năm do việc sử dụng rượu bia của thanh thiếu niên. WHO cũng cho biết tai nạn giao thông là nguyên nhân tử vong hàng đầu của những người trong lứa tuổi 15-29 ở Việt Nam chứ không phải nguyên nhân nào khác. Sự thật này gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho những người trẻ cần có trách nhiệm hơn khi tham gia giao thông.Theo tổ chức Những bà mẹ phản đối lái xe khi say rượu – MADD (Mothers Against Drunk Driving), ở Mỹ, mỗi ngày có hơn 300.000 vụ va chạm giao thông do người lái xe sử dụng chất có cồn. Cũng với nguyên nhân này, trung bình cứ 50 phút lại có một người tử vong vì tai nạn giao thông và gây ra khoảng gần 11.000 cái chết mỗi năm. Điều đáng tiếc ở đây là tất cả tai nạn này hoàn toàn có thể tránh được nếu chúng ta không lái xe trong tình trạng khi đã say xỉn.
Ở phía bên kia của câu chuyện, rất nhiều tài xế chỉ vì một cuộc vui mà đánh mất cuộc đời của mình, hoặc có những người phải đối mặt song sắt nhà giam trong suốt nhưng năm tháng tuổi xuân vì đã vô tình lấy đi sinh mạng của người khác. Họ không hề có ý định định giết người, nhưng tất cả đều phải trả giá cho hơi men trên tay lái của mình.
Trường hợp của Brandy Graff, một cô gái 18 là một minh chứng rõ ràng để tất cả chúng ta nhận ra những cảnh báo ấy không phải là thứ lý thuyết xa vời.
“Đáng lẽ tôi mới là người phải chết”
“Tôi muốn các bạn có thể một lần đặt mình vào câu chuyện của tôi. Nếu hôm nay hay ngày mai các bạn định đi chơi với kế hoạch sẽ uống rượu bia và tự lái xe, hãy tưởng tượng đến cảnh bạn sẽ tỉnh dậy trong bệnh viện với một đám người lạ hoắc đứng vây quanh, đánh thức bạn và nói rằng đã giết người”, Graff chia sẻ với 12 thanh thiếu niên ở Providence (Mỹ) trong một buổi trò chuyện. Brandy Graff, nay đã 29 tuổi.
Tháng 4/2005, khi đó cô 18 tuổi, sau một ngày uống rượu bên bờ biển Narragansett với người bạn của mình, chiếc Mazda do Graff điều khiển đã mất lái và va chạm với một chiếc xe đi ngược chiều. Chiếc xe không may mắn này thuộc về Karen Bucci, người đang đưa mẹ và bác của mình trở về nhà sau một buổi khiêu vũ dành cho người cao tuổi tại địa phương.
Vụ tai nạn khủng khiếp đã lấy đi sinh mạng của bà Victoria Riccio 81 tuổi và chị gái bà, Theodora Mastracchio, 95 tuổi. Chị Brucci may mắn sống sót nhưng cũng bị thương ở mắt cá chân và gãy xương sườn. Graff được tại ngoại 2 năm trong thời gian chờ đợi phán quyết cuối cùng dành cho mình. Trong suốt thời gian đó, cô ép bản thân đến các trung tâm cai nghiện rượu và không dám xuất hiện ở nơi công cộng.
“Tôi cảm thấy hổ thẹn và có cảm giác nhà tù mới là nơi dành cho mình”. Lần đầu tiên cô nhìn thấy khuôn mặt của những người đã chết dưới vô lăng của mình là khi xem những tin tức về vụ tai nạn. “Họ đã cười, họ đã hạnh phúc, họ trông như những người tôi quen, họ giống bà ngoại tôi”, cô nói. Và Graff nói rằng cô mới là người đáng lẽ người phải chết trong vụ tai nạn đó.
Vào tháng 6/2007, một tháng trước sinh nhật lần thứ 21 của mình, Graff bị kết án 15 năm với 10 năm trong tù và 5 năm bị quản chế. Ở tuổi 21, khi đáng lẽ sẽ có một tương lai đầy hứa hẹn, Brandy Graff lại trở thành tù nhân, với số hiệu #128457.
“Tôi chưa từng nghĩ rằng một ngày tôi sẽ ngồi trước đám đông và kể câu chuyện tôi đã phá hỏng cuộc đời mình như thế nào. Xin đừng làm điều tương tự. Tôi cũng từng có những kế hoạch riêng cho mình. Nhưng tôi đã bị đẩy đến đây bởi những lựa chọn của chính mình”, cô nói trong một buổi trò chuyện.Đến tháng 3/2013, Graff được mãn hạn sau 6 năm đứng sau song sắt. Cô quyết định mang câu chuyện của mình kể với những người trẻ để không ai mắc phải sai lầm tương tự. Graff đã tham gia rất nhiều dự án nhằm kêu gọi những người lái xe trẻ tuổi tham gia giao thông một cách có trách nhiệm. Cô nói rằng cô không muốn cái chết của các nạn nhân trong vụ tai nạn của mình trở nên vô nghĩa.
“Mong rằng khi bạn rời căn phòng này, những quyết định của bạn sẽ không đưa bạn đến con đường giống như của tôi”.
Graff thừa nhận suy nghĩ của những người trẻ về câu chuyện lái xe khi say rượu và gây chết người đều là: Nó sẽ chẳng xảy ra với mình đâu. Mười ba năm trước, cô cũng nghĩ như vậy.
“Đó là một ngày giống như bao ngày khác. Khi thức dậy, tôi không nghĩ rằng ngày hôm nay tôi sẽ hủy hoại cuộc đời mình và cuộc đời của một loạt những người khác. Đây không còn là một cơn ác mộng đáng sợ mà là một bi kịch đang đến gần với cuộc sống của con người hơn bao giờ hết. Nó không phải là câu chuyện của một người lạ, càng không phải của riêng ai, nó là câu chuyện của tất cả chúng ta”, cô chia sẻ.
Những con số khổng lồ về các vụ tai nạn giao thông và thương vong do rượu bia gây ra phải tăng đến bao nhiêu nữa thì mới đủ để tất cả chúng ta nhận ra rằng, đang có quá nhiều người phải bỏ mạng hay thương tật suốt đời vì những điều vô nghĩa? Vì sao chúng ta lại đánh cược mạng sống với những hơi thở nồng nặc mùi rượu sau tay lái?
Theo Zing News