Tinh Hoa

‘Đáng lẽ giá xăng phải tăng hơn nữa’!

(PL)- Đó là thông điệp do Bộ Tài chính đưa ra chiều 6-5. Các chuyên gia nói gì về điều này?

Giá bán lẻ xăng trong nước đã được liên bộ Công Thương – Tài chính cho phép tăng 1.950 đồng/lít từ tối 5-5, đưa giá xăng RON 92 lên mức 19.230 đồng/lít. Đây là mức tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 3-2011. Từ đầu năm đến nay giá xăng đã tăng 3.600 đồng/lít. Tại sao giá xăng lại tăng mạnh như vậy?

Điều hành giá thiếu linh hoạt

Theo lý giải của Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu thế giới có dấu hiệu tăng trở lại, đưa giá dầu bình quân lên mức 80 USD/thùng. Song vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh và đời sống người tiêu dùng (NTD) nên Chính phủ chỉ đạo giữ giá xăng dầu và trích quỹ bình ổn. Trong năm lần điều hành giá gần đây có đến bốn lần liên bộ giữ ổn định giá bán lẻ xăng dầu, chi quỹ bình ổn lên hơn 6.300 đồng/lít.

Bộ Công Thương cho hay trong lần điều hành ngày 5-5, giá cơ sở xăng chênh lệch hơn 3.300 đồng/lít so với giá bán lẻ và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, liên bộ quyết định áp dụng biện pháp vừa tăng giá vừa xả quỹ bình ổn.

Việc tăng thuế môi trường lên 300% khiến người tiêu dùng phải gánh thêm chi phí. Ảnh: HTD

Bình luận về cơ chế điều hành trên của liên bộ, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng giá xăng tăng là điều khó tránh khỏi vì giá thế giới phục hồi nhanh. Thế nhưng lần tăng giá xăng ngày 5-5 khiến NTD bất ngờ bởi trước đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã cam kết giá xăng sẽ không tăng khi tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu.

Theo ông Long, với mức tăng 1.950 đồng/lít (đưa giá xăng lên mức 19.230 đồng/lít), tương đương tăng 12% là rất cao. Bên cạnh nguyên nhân giá xăng trong nước tăng cao do giá thế giới (Việt Nam nhập 70% xăng dầu để phục vụ tiêu dùng trong nước) thì thuế bảo vệ môi trường tăng lên 3.000 đồng/lít từ ngày 1-5 đã góp phần làm giá xăng tăng cao. “Thuế nhập khẩu có giảm từ mức 35% về 20% nhưng mức tăng thuế bảo vệ môi trường vẫn lớn hơn” – ông Long phân tích.

Ông Long cũng cho rằng cách điều hành giá xăng dầu thời gian qua của liên bộ chưa nhịp nhàng và thiếu linh hoạt. Từ tháng 6-2014, giá dầu thế giới tuột dốc, cơ quan quản lý dự báo giá dầu có xu hướng phục hồi chậm nên Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế môi trường và hy vọng sẽ không ảnh hưởng đến giá bán trong nước. Do đó, bộ trưởng Tài chính mới đưa ra lời hứa trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng trên thực tế giá xăng lại tăng cao. “Rõ ràng khâu dự báo của các bộ, ngành còn hạn chế. Bên cạnh đó, trong cơ cấu giá xăng dầu của Việt Nam hiện nay, phần thuế phí quá cao, có thời điểm chiếm 40%. Điều hành theo thị trường là hợp lý nhưng cơ quan quản lý cần cân đối cơ cấu thuế phí để chia sẻ lợi ích với NTD và DN. Trong bối cảnh hiện nay, cơ quan quản lý đang cố tạo phần lợi cho mình bằng việc tăng thu ngân sách để bảo đảm nhiệm vụ thu do thuế nhập khẩu giảm” – ông Long nói.

Áp lực tận thu ngân sách?

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế – TS Lê Đăng Doanh cho rằng đáng ra Bộ Tài chính nên đề xuất tăng thuế môi trường lên 200% và giảm thêm thuế nhập khẩu để giảm gánh nặng cho người dân phòng khi giá thế giới tăng đột biến. Bộ Tài chính cần điều hành linh hoạt, nhịp nhàng trong công cụ thuế, tránh tăng giá sốc.

“Tăng thuế xăng là nguồn thu dễ dàng nhất của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính lý giải việc điều chỉnh nâng phí môi trường lên 300% không ảnh hưởng đến giá xăng dầu theo nghĩa bù đắp cắt giảm thuế nhập khẩu về 20%. Song điều này cần được Bộ Tài chính lý giải rõ hơn: Tăng giá xăng dầu có bao nhiêu phần trăm do giá thế giới, bao nhiêu phần trăm do thuế môi trường. Điều này vẫn chưa tường minh” – ông Doanh bày tỏ.

Theo ông Doanh, áp thuế bảo vệ môi trường với mục đích bảo vệ môi trường là điều chính đáng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại lấy lý do tăng thuế để bù đắp thiếu hụt ngân sách do giảm thuế nhập khẩu là điều bất hợp lý. Hai loại thuế này hoàn toàn tách bạch, không thể viện cớ bù chéo ngân sách. “Áp lực tăng thu ngân sách đã dẫn đến việc Bộ Tài chính tăng thuế môi trường 300%. Chính điều này đã đè lên gánh nặng chi phí của người dân. Liên bộ Công Thương – Tài chính cho phép DN tăng giá xăng RON 92 thêm 1.950 đồng, kết hợp với việc chi quỹ bình ổn 1.470 đồng/lít, thực chất giá xăng đã tăng 3.300 đồng/lít. Đây là mức tăng rất cao, dư luận và NTD rất bức xúc” – ông Doanh nói thêm.

Tăng giá để giảm bớt buôn lậu xăng

Chiều 6-5, Bộ Tài chính đã có thông cáo chính thức lên tiếng về điều hành giá xăng dầu ngày 5-5.

Bộ Tài chính cho rằng điều hành giá xăng lần này là để hài hòa lợi ích giữa DN, NTD và Nhà nước nhằm giảm bớt mức tăng giá xăng dầu trong nước trước áp lực tăng của giá xăng dầu thế giới. Đối với mặt hàng dầu – ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh (dầu diesel và madut), liên bộ đã không điều chỉnh tăng giá bán mà đã giảm thuế nhập khẩu (dầu diesel giảm từ 20% xuống còn 12%, dầu madut giảm từ 25% xuống còn 13%) và tăng mức sử dụng quỹ bình ổn giá. Đối với mặt hàng xăng – mặt hàng có biến động giá thế giới tăng cao nhất (14,32%), liên bộ đã cho phép tăng sử dụng quỹ bình ổn lên mức 1.437 đồng/lít, phần dư địa còn lại điều chỉnh tăng giá bán xăng tương ứng. Trường hợp không sử dụng quỹ, giá xăng có thể phải tăng đến hơn 3.000 đồng/lít.

Bộ Tài chính nhấn mạnh việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu này không do tác động từ việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1-5. Trên cơ sở tính toán, mức giảm thuế nhập khẩu và mức tăng thuế môi trường đều tương đương 2.000 đồng/lít. Bên cạnh đó, việc điều hành giá xăng dầu như trên còn góp phần giảm bớt tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới do giá xăng dầu nước ta thấp hơn giá xăng dầu các nước có chung đường biên giới.

TRÀ PHƯƠNG

Theo Pháp luật TPHCM